Nhịp đập Thị trường 22/06: VN-Index giằng co nhưng vẫn đóng cửa tích cực
VN-Index tiếp tục giằng co trong phiên chiều, dao động lớn hơn so với ban sáng, nhưng vẫn coi như là đi ngang cho đến khi đóng cửa. Chỉ số vẫn được Large Cap ngân hàng, BĐS và nhiều nhóm khác đỡ, bất chấp khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng. Diễn biến khá ổn trên VN-Index cũng góp phần giúp 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM phục hồi vào cuối phiên chiều.
Sàn HOSE luôn có trên 60% số cổ phiếu tăng giá, trong đó có nhiều Large Cap. Ngân hàng, BĐS, thực phẩm, sắt thép, dầu khí, sản xuất điện là các nhóm ngành lớn đóng cửa trong sắc xanh, chứng khoán cũng kịp hồi nhưng vẫn còn khá nhiều mã giảm giá, số lượng khá cân bằng với số tăng giá. Ở các nhóm nhỏ hơn, vẫn nổi lên hóa chất, ô tô, nhựa & cao su, dệt may, thủy sản, thiết bị điện,…
Nhóm Large Cap sàn HNX vẫn có hiện tượng phân hóa trong phiên chiều, nhưng chỉ số may mắn được kéo lại kịp và tăng điểm nhẹ trước khi đóng cửa. CEO, VNR, IDC hay VCS… có thể coi là các trụ đỡ lớn cho chỉ số, nhưng đúng hơn vẫn phải nói đến nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhưng tăng giá mạnh ví dụ như HTC, THB, CET…, mới là yếu tố kéo chỉ số vào cuối ngày.
Chỉ số UPCoM cũng kịp kéo hồi vào những phút cuối, nhưng lần này khác sàn HNX, có lẽ nhóm Large Cap UPCoM cũng tham gia vào đỡ chỉ số, trong đó có khá nhiều mã tăng khá như BSR, MSR, KLB, TVN, VEF, VGI… Ngược lại, sàn này vẫn chứng kiến nhiều Small Cap giảm giá sâu 9-10% hoặc hơn, qua đó tác động tiêu cực khá lớn lên chỉ số.
Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE có 2 cổ phiếu giảm giá lúc cuối ngày là VPB và ACB, nhưng tổng thể vẫn tích cực với 13 mã tăng giá và là 1 trong các trụ đỡ lớn cho VN-Index, VN30-Index. STB đi kèm với yếu tố khối ngoại mua ròng, trở thành cổ phiếu tăng giá tốt nhất nhóm này (trên HOSE). VIB tăng tốt ban sáng, nhưng đến chiều không được đẩy thêm, nên vẫn chỉ dừng lại ở mức tăng 1,8%. Tính cả 3 sàn, nhóm này cũng chỉ có thêm 2 mã giảm giá khác là SGB và NVB, còn lại hầu hết tăng giá dưới 2%, ngoại trừ KLB tăng tới 5,1%.
Nhóm BĐS luôn là 1 trụ đỡ lớn cho VN-Index cả sáng lẫn chiều. Trong các mã đứng đầu vốn hóa ở nhóm này, VHM tăng giá tốt hơn ban sáng, nhưng VIC trồi sụt nhiều khi giảm giá, đến cuối ngày may mắn đóng cửa ở tham chiếu. Đặc biệt ở các cổ phiếu nhỏ hơn, có rất nhiều mã tăng mạnh từ sáng kéo qua đến cuối phiên chiều, ví dụ như DIG, DXG, DXS, NBB, PTL, QCG, VRG hay VPH…
GAS vẫn giảm giá vào cuối phiên chiều, và có vẻ như trên nhiều cổ phiếu khác của nhóm dầu khí nhà PVN, diễn biến cũng có phần chùng xuống, thậm chí khá tệ như trường hợp PGD. Dù sao khi đóng cửa, số lượng cổ phiếu tăng giá ở nhóm này vẫn chiếm đa số, trong đó nổi bật lên vẫn là BSR, DCM, DPM hay PXS, vốn là những cái tên đã nổi từ sáng.
Khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng khá lớn, với giá trị gần 500 tỷ đồng trong phiên chiều nay, trong đó nổi nhất là tình trạng bán mạnh ở VHM, TPB, NLG, VND, VNM và BSR. Ở chiều mua ròng, vẫn là STB, HPG, SSI, DIG, CTG, HDB… đa số vốn đã được mua mạnh từ sáng.
Phiên sáng: Tâm lý ổn định trên HOSE, nhưng có dấu hiệu đuối ở HNX và UPCoM
Không có nhiều thay đổi đáng kể trong diễn biến chỉ số VN-Index sáng nay. Sau khởi đầu ATO tăng tới 8 điểm, chỉ số VN-Index dao động ngang trong suốt phiên sáng với thanh khoản ngang ngửa sáng qua. Tuy nhiên 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lại không giữ được tính tích cực như thế, mà rơi về sát tham chiếu, thậm chí UPCoM-Index đã giảm điểm ngay từ giữa phiên.
Sàn HOSE có trên 60% số cổ phiếu tăng giá, tuy ít hơn so với lúc đầu phiên, nhưng vẫn hết sức tích cực trên cả 3 nhóm vốn hóa. Ở nhóm Large Cap, VN-Index luôn được đỡ bởi các cổ phiếu ngân hàng, BĐS. Trên nền tảng đó, 2 nhóm Mid Cap và Small Cap luôn có nhiều cổ phiếu tranh thủ tăng tốc.
Nhóm VN30 có 8 mã giảm giá vào cuối phiên sáng, trong đó có những tên tuổi lớn như GAS, FPT, HPG. Đại gia BĐS khu công nghiệp BCM cũng giảm giá bất chấp nhóm này đang nổi sóng với chuyến thăm của Tổng thống và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc. VCB cũng là trường hợp khá đáng tiếc khi rơi về tham chiếu vào cuối phiên. Tuy nhiên, nhóm này vẫn có 21 mã tăng giá, trong đó có nhiều cổ phiếu ngân hàng khác như BID, CTG, STB, TCB…, bộ ba nhà Vin là VIC, VHM và VRE, cũng như 1 số mã khủng khác như MWG, MSN, VJC, VN…
Khối ngoại giao dịch khá cân bằng trên sàn HOSE, và tổng thể đang mua ròng nhẹ. Ở chiều mua vào, họ ưa thích các mã như STB, HPG, VPB, DIG, SSI… trong khi ở chiều bán ra là TPB, NLG, POW, VND…
Diễn biến 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cho thấy dường như đang có hiện tượng chốt lời hay mất đà tăng ở trên nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ. Thực tế 2 nhóm này vẫn có rất nhiều mã tăng giá mạnh, thậm chí kịch trần, nhưng diễn biến chỉ số, nhất là UPCoM-Index, cũng như tính ổn định ở các mã Large Cap, thì có thể đưa đến nhận định này. Cụ thể trên UPCoM có khá nhiều mã nhỏ giảm giá từ 9-10% trở lên, trong đó giảm sâu nhất có ILS, DBM, PJS…
Tổng thể 3 sàn, số lượng cổ phiếu tăng giá chỉ chiếm hơn 50%, dù số giảm giá còn ít hơn, chừng 25% (tính trên số có giao dịch, loại bớt những mã mất thanh khoản). Ngân hàng, BĐS, thép, logistics, xây dựng hay dầu khí là những nhóm ngành lớn có vị thế tích cực. Ở các nhóm nhỏ hơn, nổi bật hơn nữa là hóa chất, hàng cá nhân, thủy sản, ô tô, cao su & sợi…
Nhóm ngân hàng trên sàn HOSE tiếp tục giữ được vị thế tích cực với 0 mã giảm giá, tuy nhiên tính cả 3 sàn thì có 1 mã giảm xui xẻo là VBB. Thực tế VCB cũng có thể tính là mã xui xẻo khác, khi tăng giá trong đa số thời gian phiên sáng, nhưng đến những phút cuối lại rơi về tham chiếu. Ở nhóm này, tăng tốt nhất là KLB, còn VIB vẫn là 1 trong những mã tăng khá nhất, dù mức tăng không mạnh như lúc đầu phiên. Đa số cổ phiếu khác tăng trong khoảng 1-2%.
Nhóm dầu khí nhà PVN sáng nay cũng kéo được sắc xanh trên diện rộng, nhất là ở các mã nhỏ. ngược lại GAS sau khi tăng mạnh lúc 9g30, thì lại rơi rụng dần và giảm giá đáng tiếc kể từ sau 11h. CNG đang tăng phiên thứ 3 liên tiếp với thông tin cổ tức khủng. Một số mã khác cũng tăng khá nhờ kỳ vọng vào dự án Lô B Ô Môn, dù có công ty còn lâu mới hiện thực hóa kỳ vọng đó.
BCM và SNZ là 2 tên tuổi hàng đầu, nhưng cổ phiếu đang đi ngược nhóm BĐS khu công nghiệp sáng nay, tức giảm giá. Còn lại đa số mã khác tăng giá nhẹ đa số dưới 1%, ngoại trừ VRG tăng hơn 5%, hay SZC tăng hơn 2%.
Sắt thép đang được coi là 1 trong những nhóm ngành lớn có vị thế tích cực vào cuối phiên sáng nay, bất chấp HPG giảm giá. Đà tăng khá hiện diện ở những mã nhỏ, ví dụ như TNB, TTS, VCA, TDS hay TIS. HSG tăng giá nhẹ dù xuất hiện thông tin cổ tức.
HVN bất ngờ tăng giá hơn 5% sáng nay, với lượng khớp cũng tăng vọt, hơn 3 triệu đơn vị. Ngoài ra, ACV và VJC cũng là 2 ông lớn khác trong nhóm hàng không có được sắc xanh, dù không ấn tượng như HVN.
DGC đang được khối ngoại mua ròng trở lại, và tiếp tục đà tăng giá tốt trong tháng 6 này. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm hóa chất, nhất là những mã thuộc “họ” Vinachem cũng có được mức tăng không hề nhẹ, như BFC, CSV, DDV, LAS hay VAF.
10h30: Đà tăng chững lại nhưng vẫn ổn
Đà tăng của chỉ số VN-Index có vẻ sớm chững lại sau bước khởi đầu hết sức thuận lợi, thậm chí còn chùng xuống 1 chút vào giữa phiên sáng nay, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn tích cực, với hơn 60% số lượng cổ phiếu HOSE tăng giá, trong đó có rất nhiều mã vốn hóa lớn ở 2 nhóm ngân hàng và BĐS. Tuy nhiên trên 2 sàn HNX và UPCoM, có vẻ như tâm lý NĐT dễ bị rung lắc hơn, HNX-Index đang rơi về gần tham chiếu, còn UPCoM-Index thậm chí đã đổi màu.
Không có cổ phiếu ngân hàng nào trên sàn HOSE giảm giá vào khoảng giữa phiên sáng nay, chỉ có 2 mã đứng giá là HDB và SHB. Tâm lý tích cực đang lan rộng trên nhóm này từ đầu phiên cho đến lúc này, dù mức tăng bình quân chỉ chừng 1-1.5%, ngoại trừ VIB tăng nhỉnh hơn các mã khác. STB tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh, ngược lại TPB bị bán ròng gần 1 triệu đơn vị.
Nhóm BĐS nhà ở tiếp tục giữ được sắc xanh trên diện rộng, trong đó có không ít “hàng nóng” như DIG, DXS, DXG, KDH, QCG… Ở phân nhóm vốn hóa lớn nhất, ví dụ như VHM, NVL, PDR… mức tăng giá khá ổn quanh 1.5%.
Nhóm BĐS khu công nghiệp cũng đang hưởng lợi từ thông tin đoàn doanh nghiệp hùng hậu từ Hàn Quốc qua sáng nay, dù đâu phải doanh nghiệp nào cũng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc thuê đất. KBC đầu phiên giảm, nay đã tăng trở lại. Nhiều mã khác cũng tăng giá trên 1%. Tuy nhiên BCM và NTC là 2 tên tuổi lớn trong nhóm này, lại đang giảm giá.
Nhóm chứng khoán đang có tín hiệu hồi, sau khi đỏ đồng lúc khởi đầu phiên, đúng hơn là vài phút sau ATO. SSI, HCM hay VND đã tăng nhẹ trở lại, trong khi VCI vẫn giảm. AGR vẫn là một trong những mã tăng tốt nhất nhóm.
Khối ngoại đang mua ròng cũng là yếu tố tích cực cho sàn HOSE, trong đó STB, VPB, HPG vẫn là những Large Cap được mua ròng nhiều nhất. ngược lại cũng có 1 số tên tuổi lớn bị bán ròng như TPB, NLG, VRE hay NVL.
Chỉ số chính sàn UPCoM bất ngờ chọc thủng tham chiếu, dù đa số Large Cap sàn này vẫn tăng giá, trong đó nổi bật có BSR, KLB, MSR, VEF hay VTP… Điều này lần nữa chứng minh “tầm ảnh hưởng” lớn của cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa trên sàn này, nhất là khi biên độ dao động giá lên đến 15%, gấp đôi biên độ sàn HOSE.
Chính phủ vừa gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các doanh nghiệp lắp ráp hay phân phối ô tô trong nước, tin này tuy vậy lại không đẩy giá cổ phiếu các công ty niêm yết, ngoại trừ SVC hay HTL tăng hơn 4% chỉ với 1 deal được khớp. Đại gia xe sang HAX chỉ tăng 1%, tương tự là đại gia xe mini tương lai TMT.
Mở cửa: Khởi đầu thuận lợi
VN-Index mở cửa tăng ngay gần 8 điểm, mức tăng được coi là cao khi so sánh với các đợt ATO trong thời gian gần đây. Sàn HOSE có đến hơn 80% số lượng cổ phiếu tăng giá. Ngân hàng, BĐS và đa số các nhóm ngành lớn đều tăng giá trên diện rộng. Thông tin không mấy tích cực từ Fed và từ sàn chứng khoán Mỹ chưa cản được đà tăng của chỉ số sàn chứng Việt Nam.
Trên sàn HOSE, Small Cap tiếp tục bứt phá với mức tăng bình quân cao hơn hẳn Large Cap và Mid Cap. Khá nhiều mã đã tăng hơn 5% từ sớm, trong đó có NVT, VNS, QCG, ST8… Ở nhóm Large Cap, chỉ có rất ít mã tiệm cận hay tăng trên 3% như DIG hay VIB, mặt bằng tăng bình quân khoảng 1.5%.
Nhóm VN30 có đến 25 cổ phiếu tăng giá sau “tiếng cồng ATO”. Chỉ có 1 mã giảm “xui xẻo” duy nhất là GVR, nhưng mà cũng khó nói cổ phiếu này có đổi màu sau đó hay không. Ở nhóm tăng giá, VIB đang xếp đầu với mức tăng gần 3%, sau đó cũng là các mã ngân hàng như VCB, TCB… nhưng mức tăng chỉ chừng 1.5%.
Chỉ số HNX-Index tăng điểm từ sớm, nhưng đến thời điểm ATO (của sàn HOSE) thì mức tăng % lại yếu hơn mức tăng của VN-Index. Nên nhớ rằng chiều qua, HNX-Index tăng rất mạnh. Sáng nay chỉ số sàn HNX này vẫn được đỡ bởi đa số Large Cap trong đó có NTP, VCS, MBS, CEO, VNR… nhưng mức tăng bình quân chỉ chưa đến 2%. Tương tự như sàn HOSE, những cổ phiếu loại vừa và nhỏ trên HNX đang thi nhau chạy.
Nhóm chứng khoán mở đầu phiên tăng gần hết, nhưng chỉ sau ATO vài phút đã có không ít mã đổi màu, tức quay qua giảm bất ngờ. Lưu ý là trong phiên chiều qua, chứng khoán là 1 trong nhóm những nhóm ngành lớn có mức tăng tốt nhất 3 sàn. Đến lúc này, sắc đỏ đã bắt đầu nhuốm ở một số mã hàng đầu, bao gồm VCI, SSI, HCM, FTS…
Với thông tin hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc qua thăm Việt Nam, ngay từ chiều qua đa số cổ phiếu tên tuổi trong nhóm BĐS khu công nghiệp đã liên tục nổi sóng, tuy nhiên đến sáng nay không khí có vẻ bình yên trở lại. Dù đa số vẫn tăng giá, ngoại trừ NTC hay KBC, nhưng mức tăng bình quân rất yếu, hầu như không có mã nào tăng trên 1%.
Với thông tin cổ tức tiền mặt có thể lên đến 4.5 ngàn đồng/cp, cổ phiếu VNS đã tăng trần sáng nay, sau khi chiều qua cũng đóng cửa tăng sát trần. tưởng chừng chìm nghỉm trong thời buổi “xe Grab”, VNS xem ra vẫn sống khỏe, ít nhất là trên BCTC Q1 vừa qua cho thấy công ty vẫn có mức lãi khá tốt.
Hoàng Nam
FILI
|