Thứ Tư, 05/01/2022 15:17

Nhịp đập Thị trường 05/01: VN30 bị "ghẻ lạnh"

Thị trường kết thúc ngày giao dịch với điểm đáng chú ý là cú sụt mạnh của VN30-Index, giữa bối cảnh chỉ số đại diện thị trường là VN-Index chỉ giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại bị ghẻ lạnh. Tại rổ VN30, số mã giảm giá chiếm ưu thế so với mã tăng. Đồng thời, màn sụt giá rơi vào các mã có vốn hóa lớn nhất như MSN, VPB, VIC, VHM, VCB.

Ở bình diện rộng hơn, VN-Index có mức giảm hài hòa 3.08 điểm, nhờ sự ứng cứu của cổ phiếu ngành tiện ích, bất động sản và xây dựng, vật liệu. Trong khi đó, ngành ngân hàng kéo lùi VN-Index đến 4.6 điểm trong phiên 05/01 và là tác nhân chính khiến chỉ số này ngụp dưới sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu thủy sản là những cái tên gây ấn tượng nhất trong ngày giao dịch. VHCCMX kết phiên kịch trần.

Một điểm khả quan trong hôm nay là mức thanh khoản thị trường cao hơn so với các phiên trước đó. Một đặc điểm vụ mùa tồn tại ở chứng trường Việt từ lâu là những nhà đầu tư cá nhân hoạt động trầm lắng hơn trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, mức thanh khoản cao hiện hữu phần nào cho thấy dòng tiền vẫn đang ở trong thị trường.

Theo đó, HOSE đạt giá trị giao dịch xấp xỉ 33 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ ngày 23/12.

VN-Index có lúc mất 10 điểm trong phiên chiều

VN-Index đảo chiều ngay khi thị trường vừa bước sang phiên chiều. Kể từ đó, chỉ số rớt điểm liên tục và đang ở mức 1,524.99 vào thời điểm 14h09.

Nguyên do của buổi chiều kém vui này đến từ việc cổ phiếu ngân hàng chìm sâu hơn trong sắc đỏ, cùng với đó là bộ đôi VIC (-1.39%) và VHM (-0.82%) rớt giá. MSN là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên VN-Index, trong khi 9/10 mã còn lại đều thuộc ngành ngân hàng và bất động sản.

Về mặt thanh khoản, thị trường hôm nay tốt hơn so với hôm trước. Tính đến 14h13, HOSE đạt 29.2 ngàn tỷ đồng giá trị giao dịch (riêng VN30 là 8.5 ngàn tỷ đồng), HNX đạt gần 3.6 ngàn tỷ đồng.

Việc thị trường dùng dằng ở vùng giá kỷ lục không phải là điều quá xa lạ, nhất là khi thông tin hỗ trợ lớn nhất bấy lâu nay - gói kích thích kinh tế từ Chính phủ - lại không được như kỳ vọng trước đó. Hiện cũng đang là mùa BCTC quý 4 được công bố, và đây sẽ là một trong những kim chỉ nam giúp giới giao dịch định hướng các mục tiêu triển vọng trong thời gian tới.

Đến 14h16, VN-Index lấy lại sắc xanh, khi điểm số vừa đủ để vượt qua mốc tham chiếu.

Phiên sáng: VN30 ì ạch vì ngân hàng

Sự ì ạch của chỉ số VN30 xuất phát từ màn đỏ giá của nhiều mã ngân hàng và pha giảm điểm đáng kể của MSN (-2.29%). Trong khi đó, các cổ phiếu tăng giá mạnh là VRE và nhóm ngành tiện ích GAS, PLX, POW chiếm tỷ trọng vốn hóa tương đối nhỏ trong rổ cổ phiếu này.

VN-Index kết phiên sáng tại mức 1,534.5 điểm, tăng gần 9 điểm. HNX-Index tiến 5.55 điểm. Tuy nhiên, VN30-Index chỉ nhích nhẹ 0.1 điểm.

Kết thời điểm 11h30, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 142 tỷ đồng trên tam sàn, tuy không lớn về giá trị tuyệt đối nhưng là điểm khá lạc quan khi họ đã mua ròng liên tiếp trong các phiên gần đây.

Đặc biệt trong phiên sáng là màn trình diễn của nhóm cổ phiếu thủy sản. Trong đó, VHC tăng cận trần (+6.84%), CMX kịch trần, và các mã còn lại đều nhảy vọt như ANV (+5.57%), FMC (+2.88%), ACL (+3.9%).

Cổ phiếu chứng khoán nhìn chung lình xình, nhưng cũng kết phiên sáng với sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, dù không quá đáng kể. Các mã đầu ngành SSI, VND, HCM, VCI có mức tăng giá nhẹ.

Những ngày gần đây, các CTCK liên tục ra báo cáo nhận định tích cực về triển vọng tăng điểm của chỉ số VN-Index. Có thể thấy, không chỉ những nhà đầu tư cá nhân lạc quan mà họ còn được khuyến khích nhiều bởi các chia sẻ từ giới chuyên gia phân tích. Trong khi đó, ở một góc khác, nguy cơ xảy ra bong bóng chứng khoán lại đang được các nhà tạo lập chính sách, cơ quan điều hành chú ý và mang ra thảo luận.

10h30: VRE tăng trần, VN-Index lùi dưới mốc 1,530

Ngành ngân hàng có phần hụt hơi trong sáng nay nhưng cổ phiếu bất động sản đã đóng vai trò lực đẩy giúp VN-Index duy trì trên ngưỡng 1,530 điểm tính đến 10h46.

Sắc đỏ chiếm ưu thế đối với nhóm cổ phiếu nhà băng. Những mã vốn hóa lớn nhất ngành như VCB, BID, TCB, MBB đều sụt giá, dù mức giảm không lớn.

Trong khi đó, đáng chú ý ở nhóm bất động sản là pha tăng giá kịch trần của VRE, đưa mã này trở thành cái tên đóng góp điểm số lớn nhất cho VN-Index, chỉ sau GAS.

Đến 10h49, ở một góc khác của thị trường, số lượng mã cổ phiếu tăng kịch trần (47 mã) hoàn toàn áp đảo so với lượng mã giảm sàn (8 mã), bao gồm những mã đáng chú ý như VRE, LDG, CII, QCG,… Trong đó, CII gây ấn tượng mạnh khi trải qua đợt tăng giá phi mã từ vùng giá 26,000 đồng/cp vào đầu tháng 12/2021 cho đến hiện nay đã đạt 53,000 đồng/cp. Nguyên do đằng sau đợt tăng giá của CII được giới quan sát gán cho hiệu ứng tâm lý thị trường - liên quan đến vụ chốt đấu giá đất (2.4 tỷ đồng/m2) Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh mới đây.

Đến 10h54, giá trị giao dịch tại HOSE đạt trên 15.6 ngàn tỷ đồng. Chỉ số VN-Index rớt xuống dưới mốc 1,530 điểm nhưng vẫn ngấp nghé khu vực này.

Mở cửa: Lình xình quanh ngưỡng 1,530 điểm

Thị trường tiếp tục giao dịch lạc quan trong những phút đầu phiên 05/01, sau khi vươn đến mức điểm số kỷ lục vào phiên 04/01 trước đó.

Tính đến 9h21 sáng nay, VN-Index đã chạm ngưỡng điểm 1,530 và đang duy trì ở mức này. Trong đó, bất động sản là ngành đóng góp nhiều điểm số nhất cho chỉ số, với sắc xanh tại các mã VIC, DIG, VRE, VHM.

Tuy vậy, cổ phiếu đầu ngành tiện ích là GAS (+1.4%) mới là cái tên riêng lẻ đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Ngoài ra, các cổ phiếu đầu ngành dầu khí giao dịch tại HOSE như PLX, PVD cũng tăng giá khả quan.

Trong khi đó, ở các nhóm ngành vốn hóa thấp hơn, sự lạc quan cũng đang lan tỏa dù không có những màn tăng giá ngoạn mục diễn ra.

Chỉ số ngành VS-SECTOR

Dữ liệu tính đến 9h28. Nguồn: VietstockFinance

Màn tăng điểm ngoạn mục của VN-Index trong những phiên khởi đầu năm 2022 khiến giới quan sát bất ngờ. Đặc biệt là khi quy mô (350,000 tỷ đồng) gói kích thích kinh tế hậu đại dịch nhỏ hơn so với kỳ vọng (800,000 tỷ đồng) trước đó của thị trường.

Đáng chú ý là khối ngoại tiếp tục mua ròng trong sáng nay. Trước đó, trong 6 phiên liên tục từ ngày 27/12-04/01, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng tính trên tổng thể tam sàn HOSE, HNX, UPCoM.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 05/01/2022: Hướng gần vùng đỉnh lịch sử (04/01/2022)

>   Vietstock Daily 05/01/2022: Năm mới, lập đỉnh cao mới (04/01/2022)

>   Thị trường chứng quyền 05/01/2022: Sắc xanh đang lan tỏa (04/01/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 04/01: Đầu xuôi nhờ vốn hóa lớn (04/01/2022)

>   Thị trường chứng quyền Tuần 04-07/01/2022: Khởi đầu thuận lợi? (01/01/2022)

>   Chứng khoán Tuần 27-31/12/2021: Tiến sát mốc 1,500 điểm (31/12/2021)

>   Vietstock Weekly 04-07/01/2022: VN-Index bay cao vào đầu năm 2022? (03/01/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Tuần 04-07/01/2022: Hướng tới vùng đỉnh lịch sử (01/01/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 31/12: Chào 2021 trong sắc xanh (31/12/2021)

>   Vietstock Daily 31/12/2021: Thị trường khó bứt phá (30/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật