Chứng khoán Tuần 28/10-01/11/2024: Đà hồi phục chưa ổn định
VN-Index giằng co cả tuần khi xuất hiện những phiên tăng giảm xen kẽ liên tiếp. Đồng thời, khối lượng giao dịch đang duy trì dưới mức trung bình 20 ngày phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu. Thêm vào đó, áp lực từ việc khối ngoại liên tục bán ròng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của VN-Index trong thời gian tới.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 28/10-01/11/2024
Giao dịch: Các chỉ số chính giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần. Kết phiên ngày 01/11, VN-Index giảm 0.76%, về còn 1,254.89 điểm; HNX-Index giảm 0.42%, dừng ở mức 225.41 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng nhẹ 2.17 điểm (+0.17%) và HNX-Index tăng 0.78 điểm (+0.35%).
Phiên giảm mạnh cuối tuần lấy đi gần hết nỗ lực phục hồi của chỉ số trong suốt tuần qua. Sự thiếu vắng thanh khoản ngay cả trong các phiên phục hồi cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường, khi chỉ số chưa có nhiều động lực bứt phá rõ ràng. Hơn nữa, áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục duy trì cũng gây thêm sức ép đáng kể. VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại mức 1,254.89 điểm, giảm 0.76% so với phiên trước.
Xét về mức độ đóng góp, 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lấy đi hơn 5 điểm của VN-Index, dẫn đầu là MSN, GVR, VPB và MBB khiến chỉ số giảm khoảng 2.5 điểm. Ở chiều ngược lại, 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất chỉ giúp VN-Index tăng vỏn vẹn chưa đến 1 điểm, thể hiện sự áp đảo của phe bán.
Sắc đỏ bao trùm tất cả các nhóm ngành trong phiên cuối tuần. Trong đó, nhóm viễn thông bị phe bán chi phối áp đảo nhất, lao dốc 3.79%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành đều giảm mạnh, bao gồm VGI (-4.68%), FOX (-2.09%) và CTR (-2.05%).
Theo sau là nhóm nguyên vật liệu và công nghệ thông tin giảm khoảng 1%. Chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các cổ phiếu HPG (-1.3%), GVR (-1.82%), DCM (-1.86%), DPM (-1.88%), NTP (-2.03%), PHR (-2.81%); FPT (-0.96%) và CMG (-2.5%).
Các cổ phiếu nhóm tài chính từ diễn biến phân hóa trong phiên sáng cũng bị nhuộm đỏ hầu hết trong phiên chiều. Nổi bật có nhiều cổ phiếu giảm trên 1%, gây sức ép lớn cho thị trường chung như MBB, ACB, VPB, HDB, TPB, MSB, OCB, SSI, VND, HCM,… Sót lại một vài điểm sáng tiêu biểu là SSB (+2.42%), BVH (+1.4%) và EVF (+1.38%).
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng với giá trị hơn 8 ngàn tỷ đồng trên cả hai sàn trong tuần này. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 7.9 ngàn tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 116 tỷ đồng trên sàn HNX.
Giá trị giao dịch NĐTNN của HOSE, HNX và UPCOM theo ngày. Đvt: Tỷ đồng
Giá trị giao dịch ròng theo mã cổ phiếu. Đvt: Tỷ đồng
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là CIG
CIG tăng 27.24%: CIG ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với mức tăng 27.24%. Cổ phiếu liên tục tăng mạnh kể từ khi vượt lên trên đường SMA 200 ngày cùng với sự xuất hiện mẫu hình nến White Marubozu và Rising Window. Đồng thời, khối lượng giao dịch bật tăng mạnh và vượt trên mức trung bình 20 ngày cho thấy dòng tiền bắt đầu tham gia ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chỉ báo Stochastic Oscillator đã tiến sâu vào vùng quá mua (overbought). Nhà đầu tư nên cẩn trọng trong thời gian tới nếu tín hiệu bán xuất hiện trở lại.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là DSC
DSC giảm 12.09%: DSC trải qua tuần giao dịch khá tiêu cực khi dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường. Điều này khiến cho thanh khoản càng sụt giảm đồng thời kéo theo 5 phiên giảm liên tiếp kể từ khi rơi xuống dưới đường SMA 50 ngày.
Hiện tại, chỉ báo Stochastic Oscillator và MACD tiếp tục đi xuống sau khi cho tín hiệu bán. Điều này cho thấy rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn hiện hữu.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|