Vietstock Daily 20/01/2022: Tín hiệu kỹ thuật vẫn chưa khả quan
VN-Index có một phiên giao dịch khá giằng co và thận trọng với mẫu hình nến gần giống Spinning top. Khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn 19% trên sàn HOSE. Nhiều chỉ báo kỹ thuật cho thấy tín hiệu không khả quan nên nhiều khả năng nhịp điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn. Đường SMA 100 ngày và vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021) sẽ ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index trong thời gian tới.
I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ NGÀY 19/01/2022
- Các chỉ số thị trường có diễn biến trái chiều trong phiên ngày 19/01/2022. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 0.27%, lên mức 1,442.79 điểm, HNX-Index tiếp tục giảm mạnh ở mức 2.83%, xuống còn 409.31 điểm.
- Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt gần 558 triệu đơn vị, giảm mạnh 19.26% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX tăng 8.4%, đạt gần 99 triệu đơn vị.
- Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị hơn 4,970 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 5 tỷ đồng. Phần lớn khối lượng bán ròng đến cổ phiếu MSN, riêng cổ phiếu này đã có mức bán ròng gần 4,892 tỷ đồng.
- VN-Index bước vào phiên giao dịch ngày 19/01/2022 hồi phục hơn 7 điểm. Sau những phút đầu hứng khởi ở đầu phiên, VN-Index đã hụt hơi thấy rõ trong phần còn lại của phiên sáng và dần quay trở lại giao dịch nhập nhằng quanh mức tham chiếu. Có một số thời điểm chỉ số chìm nhẹ trong sắc đỏ, nhưng VN-Index đã kịp tăng trở lại và kết phiên sáng với 6.67 điểm tăng. Sang phiên chiều, diễn biến thị trường còn “tẻ nhạt” hơn phiên sáng, thanh khoản thị trường heo hút và VN-Index hầu như không có mức tăng giảm mạnh nào đáng chú ý. VN-Index dừng phiên ở mức tăng 3.85 điểm, đạt mức 1,442.79 điểm.
- Dù có tới 18 mã cổ phiếu tăng giá và chỉ 10 mã giảm giá, VN30-Index chỉ có thể tăng nhẹ hơn 5 điểm. Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng như STB, BID, HDB hay MBB giảm trung bình hơn 2%. Mức giảm của nhiều cổ phiếu trụ cột đã làm lu mờ đáng kể đà tăng của SSI (+6.9%), POW (+4.2%) hay MSN (+3.2%). Đà tăng tốt của SSI có thể được giải thích nhờ ước tính lợi nhuận năm 2021 đạt kỷ lục hơn 3,000 tỷ đồng. Cổ phiếu MSN cũng cho ra những kết quả kinh doanh đầy tích cực với đà tăng trưởng ở tất cả các mảng kinh doanh.
- Về mức độ ảnh hưởng, MSN, BCM, SSI và GVR là những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi kéo thị trường tăng tổng cộng hơn 4 điểm. Trong khi đó, VCB, BID và CTG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
- Ngành chứng khoán có một phiên giao dịch hết sức thành công (+5.23%), đây cũng là ngành tăng mạnh nhất trên sàn giao dịch trong phiên 19/01/2022. Hàng loạt các công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh hết sức mạnh mẽ là thông tin hỗ trợ cho đà tăng của nhiều cổ phiếu trong nhóm này. Cổ phiếu VND, VCI, TVS và FTS đồng loạt tăng kịch trần. Những cái tên khác như HCM, SHS hay MBS cũng có cho mình mức tăng mạnh, cùng tăng trên 5%.
- Ngành bất động sản cho thấy sự phân hóa lớn. Trong khi những cổ phiếu trong nhóm bất động sản như BCM, KBC, SZC hay ITA đều tăng mạnh thì những cổ phiếu bất động sản khác như CEO, DIG, HDC hay HAR vẫn tiếp tục xu hướng giảm mạnh do những thông tin không mấy tích cực trong thời gian qua. Kết phiên, ngành bất động sản chỉ tăng nhẹ 0.52%.
- Ngành bán lẻ có sự phục hồi và tăng trung bình 2.45%. Những ông lớn ngành bán lẻ MWG và FRT cùng nhau tăng tốt, lần lượt ở mức 2.61% và 5.9%. Trong nhóm này có tới 13/18 mã kết phiên trong sắc xanh tích cực.
- VN-Index có một phiên giao dịch khá giằng co và thận trọng với mẫu hình nến gần giống Spinning top. Khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn 19% trên sàn HOSE. Nhiều chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu không khả quan nên nhịp điều chỉnh khả năng sẽ còn tiếp diễn. Đường SMA 100 ngày và vùng 1,400 - 1,420 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021) sẽ ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index trong thời gian tới.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Chỉ báo MACD đánh mất mức 0
Trong phiên giao dịch ngày 19/01/2022, VN-Index đóng cửa với mẫu hình nến gần giống Spinning Top chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang khá giằng co. Chỉ số vẫn đang bám đường Lower Band và dải Bollinger Bands tiếp tục mở rộng, qua đó chứng tỏ nhịp điều chỉnh có thể tiếp diễn.
Khối lượng giao dịch sụt giảm và duy trì dưới mức trung bình 20 ngày. Chỉ báo Stochastic Oscillator tiếp tục lao dốc và đang về gần vùng quá bán (oversold). Bên cạnh đó, chỉ báo MACD đã đánh mất mức 0. Những tín hiệu này chứng tỏ tình hình vẫn đang khá bi quan.
Đường SMA 100 ngày và vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021) sẽ là hỗ trợ gần nhất nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện ở chỉ số này.
HNX-Index - Dòng tiền đang khá yếu
Trong phiên giao dịch ngày 19/01/2022, HNX-Index tiếp tục lao dốc mạnh và phá vỡ vùng hỗ trợ 410-420 điểm (ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% và đường SMA 100 ngày). Khối lượng giao dịch sụt giảm dưới mức trong bình chứng tỏ dòng tiền đang không quá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, chỉ báo MACD rơi xuống dưới mức 0. Chỉ báo Stochastic Oscillator vẫn đang duy trì đà giảm và hiện đã rơi về vùng oversold. Điều này chứng tỏ rủi ro tiếp tục điều chỉnh là vẫn còn. Hiện tại, ngưỡng Fibonacci Retracement 50% đang là hỗ trợ gần nhất cho HNX-Index.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index đã vượt trở lại đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại bán ròng trong phiên giao dịch ngày 19/01/2022. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ tăng lên.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 19/01/2022
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|