Vietstock Daily 30/12/2021: Rủi ro tăng cao khi test lại vùng đỉnh lịch sử
VN-Index xuất hiện điều chỉnh giảm gần 9 điểm sau khi tiến gần vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm (đỉnh cũ lịch sử và ngưỡng Fibonacci Projection 50%). Khối lượng giao dịch giảm mạnh trên cả hai sàn HOSE và HNX đã không thể giúp VN-Index bứt phá lên trên vùng kháng cự quan trọng.
I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CƠ SỞ NGÀY 29/12/2021
- Các chỉ số thị trường cùng giao dịch giảm điểm trong phiên ngày 29/12/2021. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 0.57%, xuống mức 1,485.82 điểm; HNX-Index giảm 0.05%, về lại mức 457.83 điểm.
- Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt gần 794 triệu đơn vị, giảm 14.98% so với phiên giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm mạnh 17.57%, đạt gần 106 triệu đơn vị.
- Khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 229 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị gần 246 tỷ đồng.
- VN-Index khởi đầu phiên giao dịch ngày 29/12/2021 với mức tăng nhẹ gần 5 điểm để tiến rất gần mốc 1,500 điểm. Tuy nhiên, đây cũng là mức điểm giao dịch cao nhất trong ngày, VN-Index sau những phút hứng khởi đã cho thấy sự hụt hơi của mình và đã quay đầu giảm liên tục trong phần còn lại của phiên sáng. Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm nhẹ 1.17 điểm, xuống mức 1,493.22 điểm. Theo Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2021 ước tính tăng 5.22% so với cùng kỳ năm trước và qua đó giúp GDP cả năm tăng ở mức 2.58%. Tuy những số liệu trên phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong quý 4/2021, nhưng diễn biến trên thị trường chứng khoán không chứng kiến bất kỳ sự đảo chiều nào như kỳ vọng. Ở phiên chiều, VN-Index tiếp tục nới rộng đà giảm của mình, để rồi kết phiên với mức giảm 8.57 điểm, xuống mức 1,485.82 điểm.
- VN30-Index giảm cùng chiều với xu hướng của thị trường, giảm ở mức 7.6 điểm (-0.5%), với 16 mã giảm giá, 6 mã tham chiếu và chỉ 8 mã hiện diện sắc xanh. Cổ phiếu VIC giảm mạnh nhất rổ VN30. Theo ở sau là GVR, POW và STB, với mức giảm trung bình quanh mức 2%. Theo thông báo từ phía công ty, PNJ công bố chào bán 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ để mở rộng nhà máy sản xuất và cải tiến công nghệ, tuy vậy, cổ phiếu của công ty này lại có diễn biến giảm mạnh, ở mức 2.5%. Ở bên chiều tăng giá, cổ phiếu SSI, KDH và CTG tăng nhẹ quanh mức 1%.
- Xét về mức độ ảnh hưởng, VIC, VHM và GVR là những mã có tác động tiêu cực nhất khi kéo VN-Index giảm hơn 4 điểm. Mức tăng đóng góp ít ỏi của những cổ phiếu ngân hàng như VIB, SSB hay CTG là không đủ để giúp thị trường giữ lại được sắc xanh.
- Cổ phiếu bất động sản là một trong những nhóm giảm mạnh nhất thị trường, giảm ở mức 1.55%. Phần lớn cổ phiếu bất động sản đều kết phiên với mức giá thấp hơn mức giá mở cửa. Cổ phiếu DIG giảm 4.43%, BCM giảm 2.88%, KBC mất 2.58% giá trị,…. Mức tăng của KDH, NLG, HDG và DXS trung bình chỉ quanh mức 0.5%, do vậy tác động lên cả nhóm là không đáng kể.
- Bất chấp đà giảm của thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán lại đồng loạt tăng giá. Các cái tên như SSI, VND, SHS, MBS hay VCI đều tăng giá, giao động quanh mức 1-2%. Những mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn cũng có diễn biến giá tích cực như trường hợp của AGR, VDS hay ART. Nhờ vậy, ngành chứng khoán kết phiên giao dịch ngày 29/12/2021 với mức tăng 1.22%.
- VN-Index xuất hiện điều chỉnh giảm gần 9 điểm sau khi tiến gần vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm (đỉnh cũ lịch sử và ngưỡng Fibonacci Projection 50%). Khối lượng giao dịch giảm mạnh trên cả hai sàn HOSE và HNX đã không thể giúp VN-Index bứt phá lên trên vùng kháng cự quan trọng.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Phân tích Xu hướng và Dao động giá
VN-Index - Điều chỉnh khi tiến gần vùng đỉnh lịch sử
Trong phiên giao dịch ngày 29/12/2021, VN-Index xuất hiện điều chỉnh sau khi tiến gần vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm (đỉnh cũ lịch sử và ngưỡng Fibonacci Projection 50%). Đây vẫn sẽ là thử thách quan trọng của chỉ số này.
Nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục diễn ra thì đường SMA 50 ngày và trendline tăng dài hạn (bắt đầu từ tháng 01/2021) sẽ là hỗ trợ quan trọng của chỉ số.
Chỉ báo MACD tiếp tục nằm trên đường tín hiệu (signal line). Chỉ báo Stochastic Oscillator vẫn duy trì tín hiệu mua, qua đó cho thấy tình hình vẫn khá lạc quan. Nếu vượt được vùng kháng cự 1,500-1,510 điểm thì mục tiêu tiếp theo của VN-Index sẽ là ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,530 điểm).
HNX-Index - Tâm lý thận trọng vẫn còn
Trong phiên giao dịch ngày 29/12/2021, HNX-Index xuất hiện mẫu hình nến Doji sau khi tiến gần vùng đỉnh cũ tháng 11/2021 (tương đương vùng 460-470 điểm). Khối lượng giao dịch sụt giảm dưới mức trung bình cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đã xuất hiện tín hiệu mua. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD đang hướng đến đường tín hiệu (signal line). Nếu chỉ báo có thể vượt lên trên đường này thì tình hình sẽ trở nên tích cực hơn nữa.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Chỉ báo Negative Volume Index của VN-Index đang nằm trên đường EMA 20 ngày. Nếu trạng thái này tiếp tục duy trì trong những phiên tới thì rủi ro sụt giảm bất ngờ (thrust down) sẽ được giảm thiểu.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại bán ròng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 29/12/2021. Nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ tăng lên.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 29/12/2021
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|