Thứ Ba, 11/01/2022 19:50

Bài cập nhật

Góc nhìn 12/01: Hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1,500

BSC dự báo chỉ số VN-Index có lẽ sẽ hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1,500 trong vài phiên tiếp theo.

Hạn chế mua mới ở thời điểm này?

 

CTCK Yuanta Việt Nam: Áp lực bán tiếp tục đeo bám nhưng mức giảm cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, chỉ số VNI-Index đóng cửa phiên 11/1 chỉ còn giảm 0.76% dừng tại 1492.3 điểm, HNX-Index cùng chiều giảm 0.27%, Upcom-Index tăng 0.21%. Giá trị giao dịch khớp lệnh đạt 40,733 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Nhóm vốn hoá lớn vẫn duy trì quán tính giảm với VN30-Index giảm 0.99% nhưng các cổ phiếu có sự phân hoá. MSN (-5.3%), SSI (-2.9%), VRE (-2.3%), GVR (-2.4%), KDH (-2%)…là các bluechips có mức giảm tiêu cực nhất. Ngược lại, STB (+2.1%) và đồ thị giá tiệm cận vùng đỉnh cũ ngắn hạn tương ứng 33,900 đồng. Ngoài ra, BID (+1.4%), GAS (+1.3%), PNJ (+1%) ngược chiều tăng giá.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ ghi nhận áp lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu họ FLC khi các thông tin liên quan tới chủ tịch HĐQT của tập đoàn. Ngược lại, LCG, LDG, PDR, NBB tăng hết biên độ là các cổ phiếu đi ngược thị trường.

Khối ngoại mua ròng hơn 132 tỷ đồng sau chuỗi phiên bán ròng. VIC (67 tỷ), DXG (64 tỷ), VCB (30 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, DGC (48 tỷ), FLC (46 tỷ), VRE (37 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng.

Yuanta cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể biến động trong vùng 1,490 – 1,500 điểm. Đồng thời, thị trường bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy thị trường có thể sẽ biến động hẹp sau hai phiên biến động mạnh trước đó. Điểm tiêu cực là áp lực bán vẫn còn mạnh, nhưng dòng tiền có sự phân hóa cho thấy thị trường sẽ chưa thể xảy ra tình trạng bán tháo mạnh ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung đã bị hạ xuống mức GIẢM. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạ dần tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng (tức là 50% danh mục) và hạn chế mua mới ở giai đoạn này.

Có thể giải ngân vào nhóm cổ phiếu bluechips?

CTCK MB (MBS): Thị trường điều chỉnh trên diện rộng dưới áp lực từ các cổ phiếu trụ, tuy vậy nhóm cổ phiếu đầu cơ đã nhanh chóng phục hồi. Về kỹ thuật, việc chỉ số Vn-Index để mất ngưỡng 1,500 điểm vẫn chưa ảnh hưởng đến đà tăng của chỉ số. Nền thanh khoản đang tiệm cận mức kỷ lục trong năm ngoái là cơ hội để dòng tiền cơ cấu lại. MBS cho rằng, đây là cơ hội để quay lại nhóm cổ phiếu bluechips khi biến động của thị trường đang khá cao. Việc thị trường rung lắc sẽ ảnh hưởng nhiều đến nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua trong khi nhóm bluechips cũng đã tạo được nền tích lũy  kéo dài và khả năng giảm cũng sẽ ít hơn.

 

Nắm giữ danh mục và gia tăng tỷ trọng tại những phiên điều chỉnh?

 

CTCK Agribank (Agriseco): Trên đồ thị ngày, VN-Index đã quay về lấp “gap” thành công và giữ được đường hỗ trợ MA20, chỉ số cũng phản ứng khá tích cực tại vùng này khi hình thành mẫu nến rút chân. Ngoài ra, các thông tin tích cực về gói kích thích kinh tế cũng như các chính sách điều hành đã được công bố trong phiên họp bất thường của Quốc hội vào 11/1, đây có thể sẽ là điểm tựa quan trọng cho thị trường trong các phiên tới. Agriseco Research kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ xuất hiện và giúp chỉ số hồi phục trong phiên 12/1. Hai tuần cuối tháng 1 cũng là thời gian quan trọng khi các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính Quý IV/2021, do vậy dòng tiền có thể sẽ bị hút dần từ nhóm các cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng và chảy sang các mã Bluechips đầu ngành, có nền tảng hoạt động vững chắc và có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và gia tăng tỷ trọng tại những phiên điều chỉnh, ưu tiên những cổ phiếu đầu ngành.

 

VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại?

 

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên điều chỉnh thứ ba liên tiếp với mức giảm và thanh khoản suy giảm so với phiên trước đó. Điều này cho thấy là áp lực bán tuy vẫn mạnh nhưng đang dần yếu đi. Sau phiên 11/1, VN-Index đã đánh mất ngưỡng tâm lý 1,500 điểm sau một tuần vượt trên ngưỡng này. Rõ ràng là xu hướng thị trường đang có sự suy yếu và nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên tiếp theo thì VN-Index có thể sẽ cần lui về test vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1,475-1,490 điểm (MA20-50). Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử thì có thể thấy là nhịp giảm hiện tại có nét khá giống với các nhịp điều chỉnh trước đó vào phiên 23/12/2021 và phiên 6/12/2021 khi VN-Index test hỗ trợ MA50 thành công. Do đó, trong phiên giao dịch 12/1, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ trong khoảng 1,475-1,490 điểm (MA20-50) được giữ vững. Nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục trong phiên 4/1/2022 để đưa tỷ trọng về mức cân bằng có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, có thể gia tăng tỷ trọng nếu thị trường test vùng 1,475-1,490 điểm (MA20-50) trong phiên tới.

 

Dòng tiền có thể thu hẹp

CTCK Đông Á (DAS): Nhóm cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 đang giao dịch kém tích cực khi nhiều cổ phiếu liên tục có mức giá thấp hơn, kéo theo VN-Index đi vào nhịp điều chỉnh mạnh. Lực bán mạnh có thể còn diễn ra trong phiên sắp tới (12/01) cùng với tâm lý nhà đầu tư muốn giảm trạng thái vay nợ trong thời điểm cuối năm, dòng tiền có thể thu hẹp không đủ để kỳ vọng sự phục hồi manh cho toàn thị trường. VN-Index cần giữ trong biên độ 1,470-1,500 điểm để củng cố mặt bằng giá mới, tuy nhiên cơ hội giải ngân tích lũy cổ phiếu cho danh mục đầu tư trung hạn đang mở ra khi giá cổ phiếu về mức định giá hấp dẫn.

Nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin, giải ngân tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung hạn, quan tâm nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, bất động sản và xây dựng hạ tầng với kỳ vọng hưởng lợi rõ nét nhất từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 300 ngàn tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua.

Hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1,500

CTCK Ngân hàng Đầu tư  và Phát triển Việt Nam (BSC): Những tưởng hôm qua (10/01) thị trường giảm gần 25 điểm thì sẽ có những đôi tay cứu rỗi đưa ra bắt đáy, tuy nhiên kết phiên hôm nay (11/01) chỉ số tiếp tục "sale off" thêm 11.4 điểm nữa. Vất vả chống chọi với áp lực bán trong cả phiên sáng, sang đến phiên chiều, VN-Index đuối sức và trượt chân rớt 21 điểm trước khi đóng cửa tại mốc 1492.31, xóa sạch đà tăng trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với chỉ 5/15 ngành tăng điểm, trong đó Viễn thông mạnh mẽ tăng 10%. Dù vậy, giao dịch khối ngoại hôm nay (11/01) là điểm sáng, nhà đầu tư đã mua ròng trên cả hai sàn HOSEHNX.

Dựa trên phân tích kỹ thuật, hiện tại VN-Index vẫn đóng cửa trên đường MA20 - ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của thị trường. Chỉ số có lẽ sẽ hình thành điểm cân bằng mới quanh ngưỡng 1,500 trong vài phiên tiếp theo.

Tiếp tục chờ đợi thêm

CTCK Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS): VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cũng có thể chủ động chốt lời danh mục ngắn hạn để bảo vệ thành quả, và chờ đợi thêm những diễn biến tiếp theo trên thị trường trước khi ra quyết định cơ cấu lại danh mục đầu tư trung – dài hạn nếu cần thiết.

VCBS kỳ vọng những cơ hội đầu tư mới vẫn sẽ xuất hiện khi thị trường dần ổn định trở lại xung quanh vùng hỗ trợ 1,480 – 1,500 điểm, với lực cầu của nhà đầu tư có thể quay trở lại trạng thái dồi dào sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Âm lịch.

Giằng co 

CTCK Asean (Aseansc): Thị trường hôm nay (11/01) ghi nhận phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh thanh khoản duy trì ở mức cao hơn trung bình 20 phiên. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm cổ phiếu VN30 suy yếu với 22/30 mã giảm giá. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, và thép tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh.

Dự báo trong phiên giao dịch tới (12/01), chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,485-1,490 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,475-1,480 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 11/01: Test lại vùng hỗ trợ gần? (10/01/2022)

>   Tiềm năng nào ở HAH, HSG và MCH? (10/01/2022)

>   Dòng vốn từ các quỹ đầu tư kỳ vọng sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam trong 2022 (10/01/2022)

>   SSI Research: Chứng khoán có xu hướng tăng ngắn hạn, VN-Index hướng đến 1,580 điểm trong tháng 1 (10/01/2022)

>   Góc nhìn tuần 10-14/01: Phân hóa? (09/01/2022)

>   Góc nhìn 07/01: Tiếp tục hành trình hướng tới vùng 1,530-1,570? (06/01/2022)

>   Yuanta: Ngân hàng, bất động sản, thép sẽ dẫn sóng tháng 1/2022 (06/01/2022)

>   Góc nhìn 06/01: Quay lại kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1,515-1,520 điểm?  (05/01/2022)

>   Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022? (14/02/2022)

>   Cơ hội nào cho doanh nghiệp xây dựng “bứt phá” trong năm 2022? (07/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật