Thứ Hai, 10/01/2022 13:00

Tiềm năng nào ở HAH, HSG và MCH?

Các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua HAH do đội tàu tại thị trường nội địa đang tiến triển thuận lợi; mua HSG do tiềm năng tăng trưởng dài hạn từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô; mua MCH với kết quả kinh doanh ổn định nhờ vị thế lớn trong ngành.

Mua HAH với giá mục tiêu 87,000 đồng/cp

Theo CTCK SSI, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh đến năm 2023, với chiến lược cân bằng đội tàu hoạt động tại thị trường nội địa đang tiến triển thuận lợi và cho thuê hoạt động tại thị trường quốc tế với giá cước cố định.

Về thị trường vận tải container quốc tế, SSI cho rằng tình trạng tắc nghẽn cảng sẽ khó giải quyết trong ngắn hạn do số ca nhiễm Covid biến thể Omicron ngày càng gia tăng, điều này có nghĩa là công suất vận tải vẫn bị hạn chế và mức giá cước vận tải có thể được duy trì ở mức cao, điều này sẽ hỗ trợ ngành vận tải biển. Giá cước vận chuyển container giao ngay (World Container Index theo Drewry) đã phục hồi trong ba tuần qua và ổn định ở mức thấp hơn 10% so với mức đỉnh tháng 10. Mặt khác, giá cước vận chuyển hàng rời (Baltic Dry Index) đã giảm 60% so với mức đỉnh của tháng 10 do nhu cầu giao dịch hàng hóa giảm.

Đối với năm 2022, HAH tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng cao cho doanh thu và lợi nhuận ròng, lần lượt là 26% và 41%. Kế hoạch này phản ánh triển vọng tích cực của Công ty. Theo SSI ước tính, giá cước vận tải trong nước đã tăng 64% trong quý vừa qua và tăng 77% so với đầu năm, mức giá cước cao này khó có thể đảo chiều trong năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung vận tải trên thị trường nội địa đang khan hiếm. Ngoài ra, thu nhập từ các hợp đồng cho thuê tàu dài hạn sẽ được đảm bảo cho đến năm 2023 bất chấp giá cước vận tải biến động trên thị trường quốc tế.

Thời gian tới, HAH sẽ tập trung vào đầu tư mở rộng đội tàu container, bao gồm hai tàu đã qua sử dụng trọng tải 1,600-1,700 TEU và đóng mới hai tàu trọng tải 1,800 TEU. Cần lưu ý rằng HAH đã đặt hàng đóng mới một tàu trong tháng 9 với chi phí đầu tư là 26 triệu USD và dự kiến bàn giao sớm nhất vào nửa cuối năm 2023. HĐQT HAH gần đây đã chấp thuận đầu tư mua tàu Marine Bia (đóng năm 2008, trọng tải 1,600 TEU), dự kiến sẽ được giao sau Tết Nguyên Đán.

Nhằm phục vụ các dự án đầu tư cho giai đoạn 2022 - 2024, ban lãnh đạo HAH dự kiến trình ĐHCĐ thường niên năm 2022 về phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành quyền mua và phát hành cho người lao động (ESOP).

Với những triển vọng từ kết quả kinh doanh trong các năm tới, SSI khuyến nghị mua HAH với giá mục tiêu 87,000 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua HSG với giá mục tiêu 44,700 đồng/cp

Theo CTCK MB (MBS), sản lượng tiêu thụ thép trong năm tài chính 2021 ghi nhận hơn 2.2 triệu tấn, tăng trưởng gần 41% so với cùng kỳ, trong đó, tôn mạ đạt hơn 1.8 triệu tấn tăng 47% so với năm trước và ống thép đạt hơn 471 ngàn tấn, tăng gần 20%. Sản lượng xuất khẩu đạt gần 1.3 triệu tấn, tăng 84.2%, đóng góp chủ yếu bởi các sản phẩm tôn mạ đạt 1.24 triệu tấn. Tận dụng đà phục hồi nhu cầu trong nước, MBS kỳ vọng HSG sẽ tăng trưởng tiêu thụ trong năm tài chính 2022 đạt gần 2.4 triệu tấn, tăng trưởng 5%.

Đối với thị trường xuất khẩu, sản phẩm tôn mạ của HSG đang có lợi thế khi quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc đang hạn chế sản xuất nhằm giảm khí thải CO2 với mục tiêu môi trường của Chính phủ nước này.

Trái ngược với sản phẩm tôn mạ, thép ống của HSG đa phần tiêu thụ tại thị trường nội địa. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt mức tiêu thụ là hơn 361 ngàn tấn và thị trường xuất khẩu chỉ hơn 33 ngàn tấn. Với sự phục hồi từ nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch, MBS kỳ vọng tiêu thụ ống thép của HSG trong năm tài chính 2022 đạt hơn 486 ngàn tấn.

Đối với việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, MBS cho rằng HSG đã quản lý tốt khoản chi phí này khi doanh thu năm tài chính 2021 đạt gần 49 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng gần 77% so với năm trước, chứng tỏ giá bán đã bù đắp được cho phần chi phí nguyên liệu tăng thêm.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi với nhiều chính sách đầu tư công, do đó nhu cầu nội địa sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trong năm 2022. Bên cạnh đó, theo HSG chia sẻ, doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu lớn trong 3 tháng tới với khoảng 130 ngàn tấn mỗi tháng. Sản lượng tiêu thụ trong giai đoạn tới của doanh nghiệp là khá khả quan với ước tính của MBS là gần 2.4 triệu tấn.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đang theo đuổi chính sách giảm thải CO2 nhằm bảo vệ môi trường với mục tiêu xanh trước thể vận hội 2022 sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và HSG nói riêng có cơ hội tăng cường xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Với triển vọng của ngành thép trong thời gian tới, MBS khuyến nghị mua HSG với giá mục tiêu 44,700 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

Mua MCH với giá mục tiêu 151,200 đồng/cp

Theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), trong nhóm ngành thực phẩm, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) sở hữu 4 thương hiệu trong top 10 thương hiệu thực phẩm tại hai khu vực nông thôn và thành thị. Trong nhóm các sản phẩm nằm trong top này, nổi bật nhất là thương hiệu Nam Ngư khi đều thuộc danh sách top 3 ở cả hai khu vực khảo sát.

Tại khu vực nông thôn, sản phẩm Chin-su đạt mức thu hút khách hàng mới lớn nhất trong danh sách top 10 (1.1 triệu hộ gia đình mới) nhờ danh mục sản phẩm nước chấm đa dạng phù hợp với các khẩu vị khác nhau của người tiêu dùng trong khoảng thời gian họ ở nhà do giãn cách xã hội. Trong phân khúc các sản phẩm chăm sóc gia đình, tại khu vực nông thôn thương hiệu bột giặt NET cũng có mức tăng trưởng CRP cao nhất trong top 10 (25%). Thương hiệu này có thêm 530,000 hộ gia đình mới nhờ vào chiến lược giá cạnh tranh, các chương trình quảng cáo và mạng lưới phân phối rộng khắp khu vực nông thôn.

Theo KBSV, MCH có lợi thế cạnh tranh đặc biệt so với các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành khi tận dụng được chuỗi bán lẻ Vincomerce từ Tập đoàn. Với hai chuỗi bán lẻ hiện đại là VinMart và VinMart+ (hiện được đổi tên thành WinMart, WinMart+), MCH sẽ dễ dàng đưa các sản phẩm tới tay khách hàng hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Về số lượng cửa hàng, chỉ có chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) là có số lượng ngang tầm với Wincommerce. Tuy nhiên, hiện tại chuỗi BHX vẫn tập trung ở khu vực các tỉnh thành phía Nam và chưa có kế hoạch mở rộng ra phía Bắc, đây cũng có thể coi là một lợi thế lớn cho Wincommerce. Tính đến thời điểm tháng 11/2021, theo cập nhật của KBSV thì Wincomerce vẫn tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về số lượng cửa hàng với tổng cộng hơn 2,400 cửa hàng trong khi chuỗi lớn thứ 2 là BHX sở hữu khoảng hơn 2,000 cửa hàng.

Với hơn 30% tỷ trọng, ngành hàng thực phẩm tiện lợi giữ vai trò trụ cột đóng góp vào doanh thu của MCH chỉ sau ngành hàng gia vị. KBSV cho rằng MCH sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt hơn toàn ngành nhờ chiến lược tập trung vào cao cấp hoá sản phẩm qua đó thúc đẩy doanh thu nhờ đẩy giá bán trung bình cao lên. Hơn nữa, đội ngũ R&D lâu năm, có nhiều kinh nghiệm giúp MCH đã liên tục tung ra nhiều sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm tiện lợi qua các năm. Đây cũng chính là một trong những điểm nổi bật tạo tính khác biệt của MCH so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Trong năm 2020 vừa rồi, ngành hàng thực phẩm tiện lợi được MCH tung ra thị trường 16 sản phẩm mới ở cả hai thương hiệu Omachi và Chin-Su Foods. Với việc mạnh tay chi cho các hoạt động quảng cáo, KBSV kỳ vọng rằng MCH sẽ dần gia tăng thị phần từ mức hơn 20% hiện tại lên 25%. Nhìn chung, cho giai đoạn 2021 – 2025, CTCK này dự báo mức độ tăng trưởng kép hàng năm cho các sản phẩm mì ăn liền của MCH ở mức 6.8%/năm (cao hơn 2.8 điểm % so với mức giả định 4%/năm của toàn thị trường).

Trong năm 2021, KBSV dự phóng doanh thu thuần của MCH đạt 27,749 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 4,920 tỷ đồng, lần lượt tăng 18.8% và 7% so với kết quả năm 2020.

Cho năm 2022, CTCK này kỳ vọng MCH đạt doanh thu 32,181 tỷ đồng, tăng 15.9% so với dự phóng năm 2021 và LNST sẽ tăng mạnh trong năm 2022 lên 5,840 tỷ đồng, tăng 18.7%.

Với vị thế của MCH trong ngành thực phẩm, KBSV khuyến nghị mua MCH với giá mục tiêu 151,200 đồng/cp.

Xem thêm tại đây

---

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Thượng Ngọc

FILI

Các tin tức khác

>   Dòng vốn từ các quỹ đầu tư kỳ vọng sẽ quay trở lại TTCK Việt Nam trong 2022 (10/01/2022)

>   SSI Research: Chứng khoán có xu hướng tăng ngắn hạn, VN-Index hướng đến 1,580 điểm trong tháng 1 (10/01/2022)

>   Góc nhìn tuần 10-14/01: Phân hóa? (09/01/2022)

>   Góc nhìn 07/01: Tiếp tục hành trình hướng tới vùng 1,530-1,570? (06/01/2022)

>   Yuanta: Ngân hàng, bất động sản, thép sẽ dẫn sóng tháng 1/2022 (06/01/2022)

>   Góc nhìn 06/01: Quay lại kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1,515-1,520 điểm?  (05/01/2022)

>   Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022? (14/02/2022)

>   Cơ hội nào cho doanh nghiệp xây dựng “bứt phá” trong năm 2022? (07/02/2022)

>   Góc nhìn 05/01: Dòng tiền lớn quay trở lại? (04/01/2022)

>   SSI Research: VN-Index có thể đạt 1,750 điểm trong năm 2022 (04/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật