Nhịp đập Thị trường 12/09: Nỗ lực bất thành, VN-Index vẫn giảm 1.08%
Diễn biến giao dịch ở nhiều cổ phiếu lớn tích cực hơn vào cuối phiên, tuy nhiên, nỗ lực này chỉ giúp các chỉ số hạn chế số điểm bị mất và tránh được việc đóng cửa tại mức thấp nhất.
BVH có sự chuyển biến khả quan trong những phút cuối trong khi VIC duy trì lực cầu đủ mạnh nhờ thông tin chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng 22.5%. Cả 2 cổ phiếu này đều tăng mạnh 1,000 đ/cp và góp phần không khỏ giúp VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 1.08%.
Thanh khoản toàn thị trường ghi nhận mức 2,982 tỷ đồng, giảm 11.1% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
14h: Giảm điểm lan rộng, TTF bất ngờ tăng trần
Áp lực bán không giảm trong khi bên mua có dấu hiệu chùn tay đã khiến các chỉ số tiếp tục lao dốc. Tại HOSE, cứ 1 cổ phiếu tăng thì có đến 4 cổ phiếu giảm, VN-Index tạm đứng tại 658.19 điểm, mất 1.32%. UPCoM-Index (-0.46%) cũng quay đầu giảm sau phần lớn thời gian duy trì trên mức tham chiếu.
Tại sàn Hà Nội, nỗ lực của một mình VCG (+800) là không đủ khi 8/10 mã còn lại trong top10 vốn hóa đều giảm điểm, trong đó NTP (-2,200) hay VCS (-1,100), DBC (-600) giảm khá mạnh.
Ở một diễn biến khác, cổ phiếu TTF sau 6 phiên giảm sàn, bất ngờ lấy lại mức giá cao nhất và không còn dư bán. Các mã DLG, VCG và KBC đang là 3 cổ phiếu có giao dịch sôi động nhất thị trường với lần lượt 4.1 triệu, 3.4 triệu và 2.8 triệu đơn vị được trao tay.
Phiên sáng: Vốn ngoại bán ròng, thị trường gặp khó
Dưới áp lực bán mạnh, đặc biệt từ khối nhà đầu tư nước ngoài, diễn biến kém khả quan của thị trường duy trì đến khi kết thúc thời gian giao dịch buổi sáng. Theo ước tính, giá trị bán ròng của khối ngoại hiện đạt hơn 100 tỷ đồng, tương ứng với hơn 2 triệu đơn vị.
Có đến 26/30 cổ phiếu lớn nhất sàn HSX giảm điểm, trong đó các cổ phiếu HPG (-800), ITA (-150), PVD (-800), VCB (-1,200) hay VNM (-1,900) là các trường hợp điển hình nhất của việc chịu ảnh hưởng từ khối ngoại.
Kết phiên sáng, VN-Index mất 1.23%, lui về mức 658.77 điểm, HNX-Index trượt 0.82% trong khi Upcom-Index cũng ngấp nghé ngưỡng tham chiếu là 56 điểm. Tộng cộng có 61.6 triệu triệu cổ phần được trao tay, giá trị giao dịch đạt 1,266 tỷ đồng.
10h30: Bán mạnh, VN-Index rơi gần 8 điểm
Bước giá giao dịch mới đang thực sự khiến nhà đầu tư bối rối, chưa kể tại một số CTCK, các hệ thống giao dịch chưa thực sự cập nhật dẫn đến thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp.
Áp lực bán khiến cho VNM sau khởi đầu thuận lợi đã quay đầu giảm giá bất chập có thời điểm tăng gần 2,000 đ/cp. Trong nhóm VN30, hiện chỉ còn REE, SBT và VIC tăng điểm, 2 cổ phiếu ngân hàng là BID và STB đứng giá còn lại đều giảm tùy mức độ. Ở chiều ngược lại, ROS tiếp tục chuỗi ngày ấn tượng khi tăng kịch trần và không còn dư bán.
Tại thời điểm 10h30, VN-Index mất 1.16%, giảm ít hơn là HNX-Index với việc thụt lùi 0.47% trong khi UPCoM-Index bất ngờ tăng nhẹ 0.18%. Thanh khoản toàn sàn đạt 833 tỷ đồng.
Mở cửa: Thận trọng trước quy chế giao dịch mới
Trong ngày đầu tiên áp dụng quy chế giao dịch mới, tâm lý thị trường khá thận trọng khiến thanh khoản chỉ đạt mức thấp và các chỉ số cũng giao dịch quanh mức tham chiếu.
VNM và VIC là 2 cổ phiếu lớn đang tăng điểm khá tốt, trong khi đó, nhóm dầu khí phần lớn giảm điểm do tác động tiêu cực từ giá dầu thô thế giới.
Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch của thị trường và để phù hợp với Thông tư số 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể từ ngày 12/09/2016, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) áp dụng quy chế giao dịch mới.
Theo đó, những điểm ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch mà nhà đầu tư cần chú ý trên HOSE gồm cấm hủy mọi lệnh trong phiên ATO, ATC; chia nhỏ bước giá giao dịch: 10-15-100 đồng và tăng khối lượng giao dịch (KLGD) tối đa lên 500,000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ. Còn đối với HNX, nhà đầu tư sẽ không được hủy, sửa lệnh trong phiên ATC hay điều chỉnh đơn vị yết giá với chứng chỉ quỹ ETF.
Trước những điều chỉnh này, đã có ý kiến cho rằng việc thay đổi bước giá có thể tạo ra nhiều thay đổi về hiệu quả đầu tư cũng như thúc đẩy thanh khoản cho thị trường.
|
Trước giờ giao dịch
VN-Index (-0.35%) lần đầu tiên giảm điểm sau 4 tuần tăng liên tiếp. Bộ đôi cổ phiếu HAG (-6.67%), HNG (-4.29%) và VNM (-7.14%) là các trường hợp tác động tiêu cực lên chỉ số cùng với đó, áp lực bán của khối ngoại tiếp tục là thử thách lớn nhất cho thị trường trong ngắn hạn.
Ngược lại, các cổ phiếu chứng khoán như HCM (+4.14%), SSI (+0.93%) hay VND (+3.94%) lại có diễn biến khả quan trước thời điểm áp dụng quy chế giao dịch mới (12.09.2016), vốn được cho là sẽ thúc đẩy thanh khoản, từ đó tác động tích cực đến doanh số của các doanh nghiệp này.
Dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu có thị giá trung bình và thấp, mặc dù vậy, với ảnh hưởng quá lớn của mình, các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và HNX30 tiếp tục là động lực chủ đạo tác động đến các chỉ số.
Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong giao dịch của khối ngoại khi chuỗi tuần bán ròng liên tiếp được nối dài lên con số 5, giá trị rút vốn đạt 1,068 tỷ đồng. Như vậy, sau 1 tháng bán ròng, tổng số vốn ngoại bị rút khỏi thị trường đã lên đến 3,261 tỷ đồng, xấp xỉ 148 triệu USD.
Về giá trị giao dịch, VNM là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 532 tỷ đồng. Đây là điều khá bất thường bởi trước đó, cổ phiếu hàng đầu ngành sữa này đã được công bố thêm vào ở cả 2 quỹ ETF là FTSE và Vaneck, chốt tuần, VNM giảm 7.14%, đóng cửa tại mức giá 143,000 đồng/cp.
Ngược lại, bất chấp việc đang gặp nhiều thông tin bất lợi liên quan đến dự án thép tại Ninh Thuận, HSG (-0.45%) lại được NĐT ngoại mua ròng mạnh nhất với gần 1.7 triệu đơn vị. Dòng vốn ngoại cũng chính là động lực chủ đạo giúp BHS chấm dứt chuỗi ngày giao dịch ảm đạm khi bật tăng rất mạnh 14% so với giá đóng cửa tuần trước.
Trong tuần này, giao dịch của khối ngoại hứa hẹn sẽ tiếp tục sôi động với hoạt động cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF, trong đó, VNM, HSG, VCG, … là các cổ phiếu được mua vào, ngược lại TTF, PVT, SHB, ITA, STB, … thuộc nhóm bị bán ra mạnh nhất.
|