!
Thứ Năm, 27/02/2025 10:02

Thủy sản quý 4/2024: Cá tra tăng tốc, “vua” tôm lao dốc

Ngành thủy sản phục hồi mạnh về doanh thu trong quý cuối năm 2024 khi những doanh nghiệp đầu ngành tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, lợi nhuận lại có sự phân hóa với không ít cái tên rơi vào cảnh thua lỗ.

Khả quan nhờ giá bán và sản lượng cải thiện

Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp thủy sản trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCoM) cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành trong quý 4/2024 đạt hơn 19,000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt gấp đôi, lên 429 tỷ đồng, phần lớn nhờ kết quả ấn tượng của "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn.

Ở mảng cá tra, Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) dẫn đầu với doanh thu hơn 3,205 tỷ đồng, tăng 34%; trong khi lợi nhuận ròng 425 tỷ đồng, gấp 6 lần, nhờ giá cá tra phục hồi và nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Sản lượng và giá bán cá tra đều cải thiện giúp Nam Việt (HOSE: ANV) có quý khả quan với doanh thu tăng 22%, chuyển từ lỗ sang lãi 5.9 tỷ đồng.

Mảng tôm cũng nhiều tín hiệu tích cực. Camimex Group (HOSE: CMX) đạt doanh thu 982 tỷ đồng, tăng 29%, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng đáng kể 32% của công ty con Camimex (UPCoM: CMM) với hơn 1,000 tỷ đồng. Theo CMX, sự khác biệt về giá giữa 2 kỳ là một trong những nguyên nhân tạo nên kết quả khả quan. Lợi nhuận của CMM thậm chí tăng vọt gần 84%, mang về 31 tỷ đồng.

Doanh thu của Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) chỉ tăng nhẹ nhưng lãi tăng đến 34%, ghi nhận 110 tỷ đồng do công ty thành viên chuyên chế biến tôm xuất khẩu Thực phẩm Khang An hoạt động hiệu quả.

Một số doanh nghiệp khác cũng bứt phá như Nông nghiệp Hùng Hậu (HNX: SJ1) có doanh thu tăng 110%, lợi nhuận tăng 82%, trong khi Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cần Thơ (UPCoM: CCA) từ lỗ chuyển sang lãi 5.7 tỷ đồng nhờ thị trường xuất khẩu phục hồi.

Nguồn: Người viết tổng hợp

Bất ngờ lớn ở mảng tôm

Dù tổng lợi nhuận toàn ngành tăng, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi. Một số doanh nghiệp lớn như MPC, ASM lại báo lỗ.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) gây bất ngờ khi lỗ kỷ lục 186 tỷ đồng quý cuối năm 2024, bất chấp doanh thu tăng 21%. Nguyên nhân chính đến từ việc các công ty con trong chuỗi sản xuất của “vua tôm” đang trái vụ thu hoạch, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) cũng chuyển từ lãi hơn 15 tỷ đồng sang lỗ 13 tỷ đồng giữa lúc lợi nhuận công ty con kinh doanh cá tra là Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) không tăng trưởng. ASM cho biết, lỗ do chi phí bán hàng tăng gần 35%, chủ yếu từ cước vận chuyển, và các khoản chậm nộp thuế đội lên đáng kể.

Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn tiếp tục thể hiện sự thiếu hiệu quả. Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Hải (UPCoM: JOS) lỗ 13.2 tỷ đồng bất chấp doanh thu tăng gấp rưỡi. Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (UPCoM: THP) lỗ hơn 2.3 tỷ đồng do doanh thu giảm và chi phí tài chính tăng. Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (UPCoM: CAD) tiếp tục chuỗi thua lỗ kéo dài do gặp khó khăn tài chính từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Nguồn: Người viết tổng hợp

Triển vọng năm 2025: Cá tra lạc quan, tôm gặp thách thức?

Các chuyên gia nhận định ngành cá tra sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2025, nhờ nhu cầu tăng từ Mỹ và Trung Quốc khi các chính sách kích thích kinh tế phát huy tác dụng. Chứng khoán BIDV (BSC) kỳ vọng giá cá tra và sản lượng sẽ cải thiện đáng kể từ nửa cuối năm.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, cá tra Việt Nam có thể hưởng lợi khi Mỹ giảm nhập khẩu cá rô phi Trung Quốc do thuế suất cao, giúp mở rộng thị phần. Chứng khoán SSI cũng dự báo doanh thu ngành cá tra tăng 10 - 16%, với VHC tăng 14.2% và ANV tăng 13%.

Tuy nhiên, vẫn có rủi ro khi Mỹ  áp thuế nhập khẩu 10 - 20% lên cá tra Việt Nam. Dù vậy, mức thuế này vẫn thấp hơn mức 24.5% mà cá rô phi Trung Quốc đang chịu, giúp cá tra giữ lợi thế cạnh tranh.

Ngược lại, ngành tôm đối mặt nhiều thách thức khi giá tôm Việt Nam cao hơn 15 - 20% so với Ấn Độ và Ecuador, khiến khả năng cạnh tranh suy giảm. Nếu Mỹ áp thuế bổ sung, doanh nghiệp tôm Việt có thể chịu tác động nặng nề.

Để giảm rủi ro, một số doanh nghiệp như FMC đã mở rộng công suất để tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng cho thị trường Nhật Bản nhằm giảm rủi ro từ thuế. Theo đó, SSI dự phóng doanh thu FMC có thể tăng trưởng 16.4% trong năm 2025. Tuy nhiên, biên lợi nhuận dự kiến đi ngang do chi phí vận chuyển và thuế chống trợ cấp tiếp tục gây áp lực.

Tử Kính

FILI - 09:00:00 27/02/2025

Các tin tức khác

>   PCH: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

>   SEB: Thông báo về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 (26/02/2025)

>   ODE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

>   HOT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

>   GDA: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

>   HLB: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

>   FT1: Ngày đăng ký cuối cùng (26/02/2025)

>   DCR: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (26/02/2025)

>   PLE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

>   HUG: Nghị quyết Hội đồng quản trị (26/02/2025)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật