Thứ Sáu, 13/12/2013 18:25

Chứng khoán Tuần 09 - 13/12: NĐT ”nội” bất an, đẩy mạnh tháo hàng

Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì vị thế mua ròng nhưng lực mua yếu cùng với tâm lý bất an tăng cao trong giới đầu tư đã xoá nhòa những nỗ lực của khối ngoại.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 09 – 13.12.2013

Giao dịch: Thận trọng trở lại trước đợt tái cơ cấu của quỹ ETF cận kề. VN-Index khép lại tuần với mức giảm 0.8% xuống 506.06 điểm; trong khi đó HNX-Index tiếp tục có tuần tăng điểm với 0.2% lên 66.22 điểm; trong khi VS 100 giảm 1.6% xuống 81.32 điểm và VN30 cũng giảm 0.6% xuống 566.47 điểm.

Ngoại trừ VS-Large Cap tăng nhẹ 0.04%, các nhóm Market Cap còn lại đều giảm điểm. Dẫn đầu đà giảm là nhóm VS-Micro Cap với 2.2%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 1.4%,VS-Mid Cap giảm 0.9%.

Khối lượng khớp lệnh trên sàn HOSE sụt giảm 14% so với tuần trước đó; khối lượng khớp lệnh trên HNX cũng sụt giảm 8.1%.

Chỉ số thị trường duy trì đà tích cực trong hai phiên giao dịch đầu tuần. Những phiên tăng điểm này xuất phát chủ yếu từ đà tăng xoay vòng của các mã cổ phiếu bluechip như MSN, STB, PPC, VCB, BVH, PVD..., trong đó có sự hỗ trợ không nhỏ từ khối ngoại.

Khác với tuần trước, mặc dù thị trường được sự hậu thuẫn của các cổ phiếu bluechip nhưng áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn gia tăng mạnh. Trong đó, cổ phiếu ở các ngành nóng Bất động sản, Xây dựng, Khai khoáng... cùng với các cổ phiếu tăng mạnh thời gian gần đây như KMR, VOS, PXL... bị xả hàng mạnh mẽ.

Áp lực chốt lời tiếp tục tăng mạnh ở nhóm đầu cơ trong những phiên giao dịch tiếp theo. Đà tháo hàng mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến giới đầu tư e ngại và bắt đầu thoát hàng ở nhóm cổ phiếu bluechip, bất chấp việc khối ngoại duy trì mua ròng tương đối mạnh.

Điểm đáng chú ý trong các phiên giao dịch tuần qua là thanh khoản thị trường sụt giảm dần. Điều này đã phần nào tác động lên tâm lý của giới đầu tư và khiến cho áp lực chốt lời gia tăng mạnh hơn. Ngoài áp lực chốt lời, tâm lý giới đầu tư có phần thận trọng trước đợt tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF và ngóng chờ những diễn biến vĩ mô.

Phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số thị trường tiếp tục giảm điểm khi đà bán vẫn tiếp tục diễn ra mạnh. Trong đó, các mã cổ phiếu bluechip bị bán ra mạnh nhất và khiến cho hàng loạt những cái tên như MSN, VCB, VIC, HPG, BVH... đều giảm điểm vào cuối phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng tổng cộng 145.4 tỷ đồng trong tuần qua. Tuần qua, khối ngoại mua-bán ròng xen kẽ ở các phiên. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng vẫn chiếm ưu thế và được khối ngoại đẩy mạnh ở các phiên giữa tuần. Đáng chú ý là trước làn sóng chốt lời tăng cao, lực mua của khối ngoại là không đáng kể và không đủ mạnh để níu kéo đà tăng của thị trường.

Thống kê của Vietstock cho thấy, tuần qua, khối ngoại mua ròng tổng cộng 76.9 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch mua ròng tập trung mạnh nhất ở PVD (83.7 tỷ đồng), GMD (50.7 tỷ đồng), VSH (32.8 tỷ đồng), DPM (21.4 tỷ đồng). Trong khi đó, giao dịch bán ròng tập trung ở HAG với gần 82.2 tỷ đồng và CTG với 30.7 tỷ đồng, VIC với 18.4 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng với 68.5 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở PVS với 45 tỷ đồng, tiếp theo là SHB (4.5 tỷ), SDH (3.7 tỷ), OCH (2.8 tỷ).

Khối tự doanh CTCK: Chốt lời khi tâm lý thận trọng trở lại. Đến hết ngày thứ Năm (12/12), khối tự doanh các CTCK đã bán ròng tổng cộng 5.1 triệu đơn vị, tương ứng với gần 63.6 tỷ đồng.

Hoạt động bán ròng của khối tự doanh được thực hiện ở hầu hết các phiên giao dịch trong tuần. Lực bán ròng tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu có thị giá cao và bluechip khi giá bán ra bình quân mỗi phiên đều đạt trên 17,500 đồng/cp.

Trong đó, phiên bán ròng mạnh nhất của khối tự doanh diễn ra ở ngay phiên giao dịch đầu tuần với giá trị 34.3 tỷ đồng. Các mã cổ phiếu có thị giá cao được khối tự doanh xả ra trong phiên này, khi giá trị bán ra bình quân trong phiên đạt 18,800 đồng/cp.

Như vậy, tuần qua khối tự doanh đã đẩy mạnh chốt lời khi tâm thị thị trường bắt đầu thận trọng trở lại.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm áp đảo trong tuần qua với 19/24 ngành. CNTT-Truyền thông dẫn đầu đà giảm với 6.9%, tiếp theo là SX Hàng gia dụng với 3.7%, Dược phẩm giảm 3.3%.

Các nhóm cổ phiếu nóng cũng đều giảm điểm trong tuần qua, dẫn đầu đà giảm là nhóm Khai khoáng với 2.8%, Thủy sản giảm 2.3%, Chứng khoán giảm 1.9% và Vận tải-Kho bãi giảm 0.9%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là FLC tăng 19.5%, TIE tăng 13.5% và GSP tăng 11.7 %. Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý là SHN tăng 38.5%.

FLC tăng 19.5%. FLC tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ việc dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào cổ phiếu này khi Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT, thông báo đăng ký mua 6 triệu cp để bổ sung danh mục đầu tư. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 06/12/2013 đến 04/01/2014.

Dự kiến nếu giao dịch thành công, ông Quyết sẽ nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 5.5 triệu cp lên thành 11.5 triệu cp, ứng với tỷ lệ sẽ tăng từ 7.13% lên 14.9% tổng số lượng cổ phiếu FLC đang lưu hành.

Doanh thu 9T/2013 của FLC theo BCTC hợp nhất công bố mới đây lên đến 999 tỷ đồng, gấp 2.5 lần so với 9T/2012. Lợi nhuận sau thuế 9T/2013 của FLC tăng mạnh gấp 7.3 lần so với cùng kỳ lên mức 46 tỷ đồng, nhưng chỉ mới đạt được 50% kế hoạch đề ra.

FLC cũng đang có chủ trương chào bán hơn 77 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá bằng mệnh giá với tỷ lệ thực hiện quyền 1:1.

TIE tăng 13.5%. TIE tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty này. Nhiều khả năng TIE tăng mạnh xuất phát từ dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào mã cổ phiếu này.

Kết quả kinh doanh của TIE khá tích cực trong quý 03/2013. Cụ thể, doanh thu quý 3 chỉ tăng 38%, ở mức 119.7 tỷ đồng nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng 35 tỷ đồng từ thương vụ chuyển nhượng vốn đầu tư vào Công ty TNHH Điện tử Samsung và theo đó, lãi ròng tăng 254%, đạt mức 33 tỷ đồng.

Lũy kế chín tháng đầu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của TIE đạt gần 41 tỷ đồng, gấp 2.4 lần so với năm 2012 và vượt 1.7 lần so với kế hoạch đề ra cả năm là 29 tỷ đồng.

GSP tăng 11.7%. GSP tăng mạnh khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào cổ phiếu này trong tuần qua.

Kết quả kinh doanh 9T/2013 của GSP không mấy tích cực khi doanh thu 9 tháng đầu năm chỉ đạt 132.5 tỷ đồng, sụt giảm hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận sau thuế 9T/2013 đạt 15.4 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng kỳ và đạt 40% so với kế hoạch đề ra đầu năm.

SHN tăng 38.5%. SHN tăng mạnh trong tuần qua nhưng không có thông tin mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty này. Kết quả kinh doanh của SHN trong 9T/ 2013 không mấy khả quan khi doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn 2.4 tỷ đồng, sụt giảm mạnh tới 15.3 lần so với cùng kỳ 2012. Tuy nhiên, nhờ chi phí lãi vay và chi phí bán hàng sụt giảm mạnh đã giúp cho lợi nhuận sau thuế chỉ âm 62.6 tỷ đồng, cải thiện hơn mức lỗ 109.6 tỷ đồng cùng kỳ 2012.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG giảm 26.4%, HLA giảm 25%. Trên sàn HNX không có cổ phiếu nào giảm điểm nổi bật.

VHG giảm 26.4%. VHG tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua khi không có thông tin nào tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh. Nhiều khả năng việc giảm mạnh của cổ phiếu này xuất phát từ áp lực chốt lời tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, sau khi cổ phiếu này đã tăng mạnh mẽ liên tục trước đó.

HLA giảm 25%. HLA giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng liên quan đến việc công bố kết quả kinh doanh quý 04/2013 (Niên độ tài chính kết thúc vào 30/09) không mấy khả quan. Cụ thể, lũy kế cả năm 2013 lợi nhuận sau thuế của HLA âm tới 115.5 tỷ đồng, trong khi 2012 công ty lãi hơn 14 tỷ đồng. 

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN 5 PHIÊN VỪA QUA

Huỳnh Nhật Trình

công lý

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật