Nhận định trước phiên ngày 04/12:
Thị trường tiếp tục dò tìm xu hướng
(Vietstock) – Nhận định ngày 04/12/2009: Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường dường như đang trong trạng thái lưỡng lự. Hiện tại, không có tin tức nào quá tồi tệ trong ngày hôm nay, cũng không có trào lưu doanh nghiệp “nhiệt tình” công bố kết quả kinh doanh tháng như thời gian trước đây. Do đó, chúng tôi nghĩ đến kịch bản có thể thị trường tiếp tục diễn biến giằng co như hôm nay và mức giảm, nếu có, sẽ không quá sâu.
DIỄN BIẾN GIAO DỊCH NGÀY 03/12
Thị trường giằng co, nhiều nỗ lực bất thành
Sự khởi sắc của thị trường châu Á sáng nay, thị trường Mỹ và Châu Âu tối qua cũng không ngăn được thị trường Việt Nam giảm điểm.
Trên HoSE, ngay từ đầu phiên sự giằng co giữ bên mua và bên bán đã bộc lộ khá rõ. Nhiều bluechips như REE, SAM, GMD... đều mất điểm ngay từ những phút đầu của phiên, khiến cho thị trường tiếp tục đà giảm điểm.
Về giữa phiên bên mua đã hai lần nỗ lực kéo thị trường tăng điểm nhưng trước áp lực bán chốt lời theo T+4 thì VN-Index không có cơ hội để trì sắc xanh, và nhanh chóng quay đầu giảm điểm.
Tín hiệu tích cực nhất trong phiên ngày hôm nay là các mã dẫn dắt thị trường như CTG, SSI, REE, VCB, GMD,... vẫn duy trì sắc xanh cho đến hết phiên. Dẫn đầu về khối lương giao dịch hôm nay phải kể đến cổ phiếu STB với trên 5.1 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mức 494.8 điểm, giảm 4.34 điểm tương đương với -0.86%. Khối lượng giao dịch chỉ đạt 42,459,160 đơn vị, giá trị tương ứng đạt 1,690.11 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ so với ngày hôm qua.
Trên HNX, diễn biến cũng không kém phần kịch tính so với HoSE. Hầu hết các mã dẫn dắt thị trường như ACB, CTS,BVS, SHB... đều giảm điểm là nguyên nhân chính kéo thị trường tiếp tục đi xuống.
Kết thúc phiên giao dịch HNX-Index đóng cửa ở mức 159 điểm giảm 1.02 điểm, tương đương 0.63%. Khối lượng giao dịch đạt 17.75 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch tương ứng là 596.64 tỷ, giảm 14.91% so với phiên giao dịch trước đó.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng
Giao dịch của khối ngoại hôm nay vẫn ổn định. Tổng khối lượng mua bán của khối ngoại trên HoSE ở mức 8.16 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 337.44 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trên 72 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với phiên ngày hôm qua. Mã cổ phiếu STB bất ngờ được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với hơn 23 tỷ đồng, tiếp theo là EIB với 20 tỷ. Trong nhóm cổ phiếu bán ròng, CII bị bán ròng nhiều nhất với 12.3 tỷ đồng, tiếp theo là FPT hơn 10 tỷ.
Trên sàn HNX, giá trị mua bán của khối ngoại đạt hơn 32.1 61.7 tỷ đồng, chỉ bằng 50% so với phiên ngày hôm qua. Tổng giá trị mua ròng của khối ngoại chỉ đạt 6.3 tỷ đồng. Mã cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất là NTP với 2.59 tỷ đồng, tiếp theo là KBC với 1.5 tỷ đồng. Toàn sàn chỉ có 7 mã bị bán ròng với giá trị hơn 2.6 tỷ.
Top cổ phiếu mua/bán ròng của khối ngoại trên HoSE
TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Thị trường châu Á khởi sắc nhờ Nhật Bản
Hầu hết các chỉ số chứng khoán ở khu vực châu Á đều tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Theo đó, giới đầu tư khá hứng khởi trước thông tin về quyết định của chính phủ Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tung ra gói kích cầu kinh tế thứ hai vào cuối ngày hôm qua. Quy mô gói kích cầu lần này đạt 4,300 tỷ Yên, lớn hơn nhiều so với 2,700 tỷ Yên của gói thứ nhất.
Vừa qua nền kinh tế Nhật Bản thực sự rơi vào tình trạng giảm phát, đồng Yên liên tục tăng giá so với USD gây khó khăn rất lớn đối cho các nhà xuất khẩu. Với gói kích cầu này chính phủ Nhật Bản quyết tâm vực dậy nền kinh tế. Đặc biệt, mục đích chính của gói kích thích này là sẽ duy trì được sự suy giảm của đồng Yên, giúp tăng tính cạnh tranh của ngành sản xuất xe và công nghệ điện tử khi xuất khẩu ra thị trường các nước.
Ngay sau khi thông tin được thông báo, trên thị trường ngoại hối đồng Yên đã suy yếu từ 88 xuống còn 85 yên đổi được 1 USD. Điều này đã giúp cho cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn như xe hơi và điện tử của nước này tăng điểm.
Hòa nhịp cùng với thị trường Nhật Bản, các thị trường khác như Hồng Kông, Hàn Quốc cũng giao dịch khá khởi sắc. Duy nhất chỉ có chỉ số CSI của Thượng Hải giảm nhẹ.
Chứng khoán châu Âu khởi đầu suôn sẻ
Vượt qua nỗi sợ hãi từ Dubai, trong hai phiên giao dịch gần đây, tâm lý nhà đầu tư ở khu vực đồng tiên chung châu Âu đã dần ổn định lại. Ngoài ra, thông tin chính phủ Mỹ có ý định kết thúc sớm gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần được cải thiện.
Các thông tin không mấy sáng sủa cũng không làm giảm đà tăng các chỉ số của khu vực này. Chỉ số CAC của Pháp vẫn tăng 0.94% mặc dù tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2009 của nước này tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 9.5% trong quý 3/2009, vượt xa so với dự báo của nhiều chuyên gia. Tốc độ tăng trưởng quý 3/2009 của Pháp cũng không mấy khởi sắc khi chỉ đạt con số 0.3%.
Tập đoàn Semens AG của Đức công bố lỗ ròng quý 4 năm tài khóa 2009. Đồng thời hãng này dự báo doanh thu và lợi nhuận năm tới cũng sẽ giảm. Những thông tin này cũng không cản được chỉ số DAX của Đức tăng điểm.
Một số chỉ số chứng khoán thế giới đến 17h30 (giờ Hà Nội)
TIN TỨC TRONG NƯỚC
Ngành dệt may ngập trong đơn đặt hàng
Bước vào những tháng cuối năm, số lượng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước tăng nhanh. Nguyên nhân chính là do nhu cầu phục vụ cho dịp lễ cuối năm. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải từ chối bớt đơn đặt hàng.
Kim ngạch xuất khẩu được dự báo có thể đạt 9 tỷ USD trong năm nay. Hầu hết, đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong ngành đều tăng từ 20 - 25% so với 2008.
Với khối lượng đơn đặt hàng lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể có được lợi nhuận cao. Các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất các sản phẩm có mức độ khó, giá trị kinh tế cao thì có thể có suất sinh lời cao. Trong khi các doanh nghiệp nhỏ chỉ gia công hoặc sản xuất các sản phẩm đơn giản chỉ tạo được lợi nhuận khá thấp sau khi đã bù đắp hết chi phí nhân công.
Masan thỏa thuận đối tác với House Foods
Theo TTXVN, công ty giải khát và thực phẩm hàng đầu Nhật Bản House Foods và CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã ký kết thỏa thuận vào ngày 03/12/2009. Trong đó, House Food sẽ đầu tư khoảng 20 triệu USD vào MSN với giá 40,000 đồng/cp, chiếm khoảng 1.85% số cổ phần của Masan.
Masan hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồ uống với nhiều thương hiệu chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Đây chính là cơ hội lớn cho Masan tham nhập thị trường Nhật tiềm năng lớn, nhưng cũng rất khó tính.
Từ khi chào sàn cho đến nay cổ phiếu Masan liên tục giảm điểm và không tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường. Do đó, thông tin tích cực này có thể sẽ tạo sức bật mới cho cổ phiếu MSN.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/12/2009
Như vậy, thị trường đã trải qua hai phiên giảm điểm liên tục. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay đã xuất hiện những nỗ lưc vực dậy thị trường. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã phần nào ổn định trở lại. Khối ngoại tiếp tục mua ròng, dù với khối lượng và giá trị giảm. Có lẽ động thái này được hỗ trợ thêm bởi thông tin chính phủ Mỹ có ý định kết thúc sớm gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy xu hướng thị trường thực sự vẫn đang chờ những dấu hiệu để khẳng định. Không có tin tức nào quá xấu trong ngày hôm nay. Cũng không có trào lưu doanh nghiệp “nhiệt tình” công bố kết quả kinh doanh tháng như thời gian trước đây. Dường như thị trường đang ở giai đoạn lưỡng lự, khi mà bên mua chưa mua vội, bên bán cũng không quá sợ hãi. Chúng tôi nghĩ đến kịch bản cho ngày mai có thể thị trường sẽ tiếp tục diễn biến giằng co như ngày hôm nay và mức giảm, nếu có, sẽ không quá sâu.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
VN-Index – Vẫn chưa rõ xu hướng
Bollinger Bands vẫn tiếp tục mở rộng. Điều này cho thấy VN-Index vẫn chưa đi vào giai đoạn tích luỹ. Parabolic SAR vẫn tiếp tục đi xuống nhưng khả năng xuất hiện buy signal vào ngày mai là gần như không thể vì khoảng cách quá xa (Giá trị VN-Index là 494.80 điểm, Parabolic SAR là 536.97 điểm).
Phiên giao dịch ngày 04/12/2009 cũng là phiên VN-Index sẽ test ngưỡng chống đỡ Fibonacci Retracement 61.8% ngắn hạn. Nếu ngưỡng này bị thủng, có khả năng thị trường sẽ bắt đầu lộ rõ xu hướng.
Tại thời điểm hiện nay, khi mà chưa có bất cứ tín hiệu kỹ thuật nào xuất hiện, các nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục thận trọng và quan sát thị trường.
MỖI NGÀY MỘT CỔ PHIẾU: CTCP CHỨNG KHOÁN SÀI GÒN (HOSE: SSI)
Để giúp nhà đầu tư có cái nhìn đa chiều, chúng tôi lựa chọn một số cổ phiếu và thực hiện phân tích kỹ thuật chi tiết trong mục “Mỗi ngày một cổ phiếu”. Các cổ phiếu này sẽ phải thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn như: tính thanh khoản cao, có khả năng đại diện - dẫn dắt thị trường và có giá trị vốn hoá lớn.
Hanging Man xuất hiện
Mẫu hình nến Hanging Man(*) hay “Người đàn ông bị treo cổ” khi xuất hiện ở đỉnh của một xu hướng tăng giá là tín hiệu cảnh báo cho sự đảo chiều. Tất nhiên chúng ta còn phải chờ đợi phiên giao dịch ngày mai khẳng định đây có phải là một chỉ báo cho một đợt giảm mạnh tiếp theo hay không. Tuy vậy, với tín hiệu hiện tại thì một thái độ thận trọng là cần thiết
(*) Hanging Man là một cậy nến có thân nến rất nhỏ, không có bóng trên và một bóng dưới dài.
Bollinger Bands đang thắt lại
Sự co thắt của indicator này báo hiệu SSI lại sắp có biến động lớn về giá. Điểm đáng chú ý là nếu như ngày mai có sự điều chỉnh mạnh thì cổ phiếu này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Fibonacci Retracement 38.2% và cận dưới của dải Bollinger Bands tại mức giá 75,000.
Money Flow Index có dấu hiệu đi xuống
Điều đáng lo ngại hiện nay là Money Flow Index vẫn tiếp tục đi xuống và chưa thể phá vỡ đường Resistance Trendline. Sự đi xuống của dòng tiền cùng với sự sụt giảm trong khối lượng giao dịch khiến cho khả năng tăng mạnh trong thời gian tới là khá thấp.
Với tất cả những phân tích trên một lần nửa lại cho thấy nhà đầu tư nên tiếp tục chờ đợi cho đến khi có những tín hiệu rõ ràng hơn.
Phan Khánh Hoàng – Nguyễn Quang Minh
|