Góc Broker: Đà tăng bị thử thách!
Kể từ khi ra đời Góc Broker, người viết may mắn nhận được nhiều phản hồi, góp ý từ bạn đọc; đặc biệt được tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lão luyện trên thị trường, được tiếp xúc với nhiều trường phái, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu mà người đi trước từng trả giá bằng tiền thật của mình. Người viết nhận được nhiều hơn những gì đã mường tượng ban đầu! Thật lòng, xin cảm ơn!
Trong loạt bài trên Góc Broker, người viết hay cảnh báo sự nguy hiểm của dòng cổ phiếu “đầu cơ thị giá thấp”, dễ gây hiểu lầm rằng người viết ném đá đầu cơ. Thực ra nếu theo dõi kỹ, thì quan điểm “đánh chứng” của người viết cũng không phải là đầu tư lâu dài; ngoài một phần danh mục để dành từ 3-6 tháng hoặc lâu hơn, thì phần còn lại người viết dùng để “lướt sóng hàng cơ bản”, thời gian từ 2 tuần – 1 tháng hoặc lâu hơn tùy theo xu thế của cổ phiếu và mức sinh lời kỳ vọng. Nói một cách văn vẻ như một thuật ngữ được khai sinh trong năm nay, đó là “đầu cơ giá trị”.
Toàn thị trường thì không một ai có đủ lực để thao túng, nhưng ở từng mã riêng lẻ thì bao giờ cũng có yếu tố đầu cơ chi phối, nhất là ở thị trường chứng khoán còn sơ khai như ở Việt Nam, chỉ khác biệt ở mức độ nặng nhẹ thế nào mà thôi. Đầu cơ cũng mang lại những rủi ro khác nhau tùy từng mã cổ phiếu chúng ta lựa chọn. Từ kinh nghiệm mới trải qua đầu sóng năm nay, từ thực trạng nhiều khách hàng người viết đang chăm sóc kẹp MCG, VOS, PVX…vv mấy năm trời với phần trăm thua lỗ lên đến vài chục, bài học mà người viết rút ra là tránh xa dòng cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp không có yếu tố cơ bản cải thiện hoặc có đột biến tích cực.
Trong dòng cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp nổi sóng từ tháng 10 trở lại đây, không ít doanh nghiệp cải thiện được yếu tố cơ bản (giống trường hợp của PVT, TCM…) nên đà tăng trưởng của chúng chưa dừng lại. Dưới góc nhìn kỹ thuật, người viết lấy 21/11 làm cột mốc để sàng lọc cổ phiếu và loại bỏ khỏi danh sách theo dõi những mã lập đỉnh đi xuống (cũng giống như trước đây người viết lấy mốc 21/02 và lấy đỉnh tháng 6 của VN-Index để lọc). Con số loại bỏ được không ít, có thể kể đến vài cái tên như TLH, VTO, HQC…vv.
Trên thị trường có rất nhiều cách kiếm tiền, NĐT nên chọn cho mình cách kiếm tiền sao cho phù hợp với tính cách, mức độ chấp nhận rủi ro của mình; sao cho khi đầu tư vào TTCK chúng ta cảm thấy vẫn được tự do, thoải mái nhất. Hẳn nhiên, không ai có thể thoải mái khi đang full-margin KMR ngày 27/11 cả; nhưng ai chấp nhận đu theo những mã nhỏ chỉ vì có sóng thì phải chấp nhận rủi ro như PVX hồi tháng 2 và rất có thể, sẽ là KMR, VTO…vv.
Đà tăng bị thử thách!
Tuần vừa qua, tưởng chừng chỉ số sẽ bứt hẳn lên tầm cao mới với sự trợ lực của các mã vốn hóa lớn như VNM, PVD, BVH. Nhưng đà tăng có vẻ đang bị thử thách. Dòng cổ phiếu cơ bản lớp 2 mà người viết hướng tới như HSG, DRC, CSM, REE… cũng quay lại trạng thái lình xình đi ngang như đoạn trước đó. Điểm tích cực là khối lượng trong những phiên đi ngang vừa qua giảm dần và gần như cạn kiệt. Như chia sẻ trong bài viết trước, các mã này đoạn vừa rồi chưa bứt được nhiều nên áp lực chốt lời hầu như không có, điểm số nếu điều chỉnh trong ngắn hạn cũng không thể giảm sâu.
Dòng tiền vào thị trường hiện vẫn ổn. Đà tăng ngắn hạn bị thử thách nhưng điều chỉnh nếu xảy ra điểm số cũng không giảm sâu. (nguồn dữ liệu: VietstockUpdater)
|
Dòng cổ phiếu đầu cơ vẫn còn những đại diện tiếp tục leo lên đỉnh giá mới như MCG, FLC, LUT, ICF…vv nhưng rõ ràng, sự lan tỏa và sức bật của cả dòng đã không còn hừng hực như trước nữa; cảm giác như dòng này đang cố rướn thêm một đoạn nữa.
Dù sao, đoạn này dòng tiền vào vẫn khá ổn và chưa bị rút ra khỏi thị trường, đặc biệt sau phiên giao dịch 21/11, đây là điều tích cực nhất. Sóng tăng tiếp diễn, thì dòng tiền nhất thiết sẽ tìm đến lớp cổ phiếu cơ bản lớp 2 như người viết chờ đợi!
Đoàn Xuân Thạo
công lý
|