Góc Broker: Phân phối?
“Phân phối là hiện tượng NĐT lớn chuyển hàng cho NĐT nhỏ lẻ”
Tâm điểm thị trường tuần qua là hai phiên giao dịch ngày thứ 2 và thứ 5. Lâu lắm rồi thị trường mới có một ngày cột khối lượng vượt mốc 100 triệu, lượng hàng này đổ về ngày thứ 5 khiến thị trường có phiên xả hơi mạnh. Nhà đầu tư (NĐT), vốn luôn thường trực mối lo về hiện tượng thị trường bất ngờ đổ sụp, trong tuần qua càng có lý do để hoài nghi thêm về sóng tăng hiện tại.
Người viết cũng sẽ cảm thấy như vậy nếu như có một phiên lặp lại diễn biến giá và khối lượng như 21.10, nhưng phải trong bối cảnh thị trường đã đi được một đoạn khá dài sau vài tháng.
Về mặt điểm số, hiện tượng VN-Index dao động trong biên độ nhỏ với thanh khoản khá cao trong 5 phiên, thông thường là lời cảnh báo rủi ro đang tăng lên. Đà tăng của chỉ số đang yếu dần đi, nhưng thực tế giao dịch vẫn sôi động với thanh khoản cao đột biến; nó cho thấy đang có một lực cản mạnh kìm hãm thị trường và hiện tượng này thông thường xảy ra từ 4-7 phiên. Đấy cũng là khoảng thời gian cần thiết để NĐT lớn - vì nhược điểm quy mô vốn quá lớn của mình - thoát hàng.
Phân phối?
“Phân phối là hiện tượng NĐT lớn chuyển giao hàng cho NĐT nhỏ lẻ” (lời của một NĐT cá nhân trong buổi trao đổi với người viết). Nôm na, “người lớn” âm thầm rút lui, bỏ lại “trẻ con” chơi với nhau.
Cùng nhìn lại đỉnh từ ngày 08-11/05/2012 để hình dung rõ hơn về hiện tượng này trên VN-Index.
Tuần vừa qua, tuy xảy ra diễn biến điểm số dao động nhỏ, thanh khoản lớn trên VN-Index nhưng người viết không cho rằng đang xảy ra hiện tượng phân phối đỉnh. Nguyên nhân?
Thứ nhất, phân phối thông thường xảy ra sau khoảng vài tháng thị trường tiếp diễn sóng tăng mạnh mẽ. Về mặt điểm số, nếu diễn biến trong tuần này được lặp lại trên VN-Index nhưng không phải ở vùng 500 hiện tại mà ở vùng 530 hoặc cao hơn thì cần cẩn trọng. Ngưỡng 500 thực ra chỉ mang tính tâm lý (là số tròn, như ngưỡng 400 hoặc 1,000), chứ không phải là ngưỡng “cứ lên đến đấy là chết” như những con số thống kê mà báo chí đưa ra. Báo chí luôn có cách “câu views khôn khéo”, nhưng vô hình trung làm hại túi tiền NĐT. Quan điểm người viết cho rằng, với một nền giá từ 470-480 được VN-Index xây lên trong khoảng một tháng, thì đà tăng mới được 20 điểm là nhỏ, chưa có gì để khiến NĐT hay nhìn chỉ số phải run sợ cả.
Thứ hai, nếu nhìn vào sự vận động của các lớp cổ phiếu (người viết thường không quan tâm đến VN-Index, mà nhìn vào sự vận động của các cổ phiếu và danh mục đầu tư của mình), chúng ta có thể thấy rằng các lớp vẫn vận động bình thường và đang có sự bắt nhịp dần của dòng cơ bản. Dòng cổ phiếu đầu cơ với cách đánh kiểu T+3 đã bắt đầu yếu đi, nhất là trong phiên ngày thứ 2 và thứ 5. Như chia sẻ trong loạt bài viết trên Góc broker, dòng đầu cơ thông thường chạy đầu sóng, làm nhiệm vụ “dẫn tiền” vào thị trường. Đánh dòng này, người viết hay so sánh với đánh bạc, NĐT có lời hơn 10% nên tính đến chuyện chốt lời, vì “Đánh bạc mà mang được tiền về thì phải ăn non”.
Người viết quan điểm sóng tăng hiện tại chưa kết thúc. Hiện tượng chốt lời ngắn hạn cổ phiếu đầu cơ sau khi dòng này làm vòng 2 là bình thường; thậm chí nhìn lại các cổ phiếu đầu cơ điển hình thì chưa thấy hiện tượng phân phối, đổ vỡ hàng loạt; đà tăng của dòng này có lẽ chưa kết thúc khi toàn thị trường chưa full-margin!
PPC – có thông tin hỗ trợ và nổi lên được một phiên, nhưng rõ ràng, từ tháng 5 PPC đã bước vào xu thế giảm theo tháng (nguồn dữ liệu: VietstockUpdater)
|
Đoàn Xuân Thạo
|