Thứ Năm, 10/10/2013 14:00

Khủng hoảng kinh tế thế giới mới sẽ tiếp tục bắt nguồn từ Mỹ?

Nếu Hạ viện Mỹ không nâng trần nợ công trước ngày 17/10 thì nền kinh tế đứng đầu thế giới có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ, kéo kinh tế thế giới tiếp tục lún sâu vào một cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Tính đến nay, đã 10 ngày trôi qua kể từ khi Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa do không thể thông qua dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2014. Điều này có thể khiến kinh tế Mỹ mất đi hàng tỷ USD do tăng trưởng suy giảm và đẩy bất ổn chính trị - xã hội tăng cao. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đương đầu hiện nay chính là không thể tiếp tục duy trì mức trần nợ công 16,700 tỷ USD. Tác động kép từ việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa và không thể thông qua trần nợ mới có thể khiến nước Mỹ gặp phải một rắc rối vô cùng lớn.

Thực chất, nợ công của Mỹ đã chạm trần vào tháng 5/2013, tuy nhiên Bộ Tài chính nước này đã tìm mọi cách để có thể tránh rơi vào tình cảnh vỡ nợ, trong đó việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không có dấu hiệu giảm dần và chấm dứt QE3 là một biện pháp tình thế trước mắt. Nhưng các biện pháp đó tính đến thời điểm hiện nay đã không còn nhiều tác dụng, nhiều khả năng Mỹ sẽ “cạn tiền” vào ngày 17/10 tới đây. Nếu như Hạ viện Mỹ không thể thông qua trần nợ mới thì nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Điều này không chỉ gây ra bất ổn kinh tế - chính trị - xã hội ở Mỹ mà còn có thể khiến kinh tế thế giới tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng mới.

Nếu tính toàn bộ con số nợ công khổng lồ 16,700 tỷ USD của Mỹ thì theo cơ cấu nợ, chủ nợ lớn nhất chính là người dân Mỹ với con số khoảng gần 5,000 tỷ USD nằm trong các quỹ hưu trí, còn lại hơn 11,000 tỷ USD nằm trong tay của những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản với mức nợ mà các nước này đang nắm giữ là hơn 1,100 tỷ USD mỗi nước.

Nếu Mỹ vỡ nợ…

Nếu như hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về phương án về nâng trần nợ công từ mức hiện tại trước ngày 17/10, điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ hay nói cách khác, nước này hết tiền trả các khoản nợ, cả trong nước và quốc tế, kể cả tiền lãi mà nước này phải trả cho các khoản vay nước ngoài. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực vô cùng lớn đến kinh tế Mỹ và thế giới.

Trước tiên, chính nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chủ nợ lớn nhất của Mỹ không phải là nước ngoài mà chính là người dân Mỹ, chủ yếu là tiền nằm trong các quỹ hưu trí và phúc lợi. Việc Chính phủ vỡ nợ sẽ khiến người dân giảm mạnh chi tiêu do tiền của họ trong các quỹ hưu trí đã không còn khả năng được thanh toán. Niềm tin của người dân sụt giảm, dẫn đến lượng tiền sẽ chảy vào những tài sản đóng vai trò giữ giá trị hơn là tiêu dùng.

Mặt khác, việc Chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể khiến lãi suất trên thị trường leo thang, qua đó đẩy chi phí tăng mạnh, làm giảm khả năng đầu tư của nền kinh tế. Trong khi đó, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ là tiêu dùng, với mức đóng góp tới 70% GDP.

Thêm vào đó là những tổn thất mà kinh tế Mỹ gánh chịu do Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì không thể thông qua dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2014. Tác động kép này có thể khiến kinh tế Mỹ đánh mất tất cả nỗ lực khôi phục kinh tế trước đây.

Với đà phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn còn rất yếu, kinh tế Mỹ hầu như vẫn phụ thuộc rất nhiều vào gói nới lỏng định lượng (QE) từ Fed, các chỉ báo phản ánh tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ như: thất nghiệp, lạm phát, số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp… vẫn còn thấp so với thời điểm trước khủng hoảng.

Nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn rẻ từ QE và mức lãi suất siêu thấp, điều này đã được thể hiện thông qua làn sóng rút vốn ngày càng nhiều của nhà đầu tư do lo ngại Mỹ có thể chấm dứt QE vào cuối năm nay. Chính vì vậy, kinh tế Mỹ càng dễ rơi trở lại thời kỳ khủng hoảng nếu chịu thêm các cú sốc từ chính sách tài khóa như vấn đề nợ công.

Thứ hai, đó là tác động không tốt đến kinh tế thế giới. Chính phủ Mỹ vỡ nợ có thể khiến các thị trường chứng khoán bị đóng băng, giá trị đồng USD sụt giảm, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào công cụ tài chính có độ an toàn lớn nhất là trái phiếu Chính phủ Mỹ, tình trạng tiêu cực tác động đến khắp nơi trên thế giới.

Đơn cử như đồng USD, được coi như đồng tiền chung của thế giới, là thước đo giá trị cho hầu hết các sản phẩm. Việc đồng USD giảm giá sẽ khiến giá trị hàng hóa trở nên thấp hơn và sự điều chỉnh tăng giá của các hàng hóa sẽ gây nguy hiểm cho kinh tế thế giới.

Ví dụ đơn giản như dầu thô, một trong những nguyên liệu quan trọng nhất trên thế giới. Giá trị của dầu thô sẽ giảm khi đồng USD mất giá, qua đó khiến giá bán dầu thô tăng lên để bù đắp cho sự sụt giá của đồng USD. Những nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất chính là các nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất nhì thế giới, đó là Mỹ và Trung Quốc.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng như các nước công nghiệp sẽ chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ đề bù đắp mức tăng giá của chi phí đầu vào, qua đó đẩy giá cả của các hàng hóa khác tăng cao và gây hiệu ứng lạm phát trên toàn thế giới. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực khi mà kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Như vậy, tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã lớn thì ở Mỹ còn lớn hơn rất nhiều, và nhiều khả năng tác động của hai cuộc khủng hoảng này đến kinh tế thế giới còn trầm trọng hơn so với khủng hoảng tài chính 2008. Vì vậy, chính quyền Mỹ cần có nhận thức đúng đắn về những gì mà nước Mỹ và thế giới sẽ gánh chịu nếu điều này xảy ra để có thể đưa ra những biện pháp nhằm chặn đứng sự bắt đầu của một cuộc khủng hoảng mới.

Đào Minh Tuấn

Các tin tức khác

>   Góc Broker: Ai cũng là chuyên gia! (04/10/2013)

>   HPG: Mức giá hiện tại liệu có hấp dẫn? (30/09/2013)

>   Góc Broker: Vào sóng! (27/09/2013)

>   Cách mà nền kinh tế hoạt động trong mắt của nhà quản lý quỹ xuất sắc thế giới (24/09/2013)

>   Góc Broker: Chờ phiên lấy đà! (20/09/2013)

>   Bắt đáy PVF - chỉ sợ ngân hàng mới không chịu… niêm yết trở lại (20/09/2013)

>   ETF sẽ còn “đánh” những cổ phiếu nào? (19/09/2013)

>   DZM sao lại được trả cổ tức cho năm… quá cũ? (13/09/2013)

>   Góc Broker: Đoạn không dành cho trading! (13/09/2013)

>   Góc Broker: Dòng nào làm trụ? (06/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật