“Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để được thêm vào danh sách nâng hạng”
“Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhờ việc công bố kế hoạch hợp nhất hai sàn chứng khoán, cho ra quy chế mới giải quyết vấn đề room ngoại bằng NVDR, thay đổi cơ chế giao dịch và nới room cho những doanh nghiệp không yêu cầu sở hữu nhà nước. Đây là căn cứ rất vững vàng để có thể tự tin cho rằng Việt Nam sẽ lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng kỳ này” - ông Đào Phước Toàn, Trưởng phòng Nghiên cứu của Bien An Toan Capital.
Ông Đào Phước Toàn, Trưởng phòng Nghiên cứu của Bien An Toan Capital
|
Theo ông, vào đợt review xếp hạng thị trường sắp tới, liệu Việt Nam có cơ hội để được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng hay không?
Ông Đào Phước Toàn: Hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ review này. Theo báo cáo Global Accessibility Review tháng 6/2019 của MSCI, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhờ việc công bố kế hoạch hợp nhất hai sàn chứng khoán, cho ra quy chế mới giải quyết vấn đề room ngoại bằng NVDR, thay đổi cơ chế giao dịch và nới room cho những doanh nghiệp không yêu cầu sở hữu nhà nước. Đây là căn cứ rất vững vàng để có thể tự tin cho rằng Việt Nam sẽ lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng kỳ này.
Tuy nhiên, cần phải làm rõ việc vào danh sách nâng hạng không đồng nghĩa với việc sẽ được nâng hạng vào năm sau. Phương pháp làm việc của MSCI là sau khi thêm Việt Nam vào danh sách nâng hạng, họ sẽ tiếp tục đàm phán với cơ quan điều hành để hỗ trợ và xúc tiến quá trình phát triển của thị trường Việt Nam. Quá trình này tiếp tục diễn ra cho đến khi thật sự đạt chuẩn thì MSCI mới chính thức công bố nâng hạng.
Con đường để được xem xét nâng hạng của Việt Nam hiện đang va phải những vật cản nào?
Ông Đào Phước Toàn: Cần phải hiểu rõ phương pháp đánh giá thị trường của MSCI. MSCI sử dụng hai phương pháp định lượng và định tính để đánh giá tính chất thị trường, qua đó đưa ra xếp loại thị trường phù hợp.
Thị trường Việt Nam đã đạt đủ điều kiện định lượng của MSCI là có trên 3 công ty đạt đủ 3 điều kiện (1) vốn hóa trên 1.6 tỷ USD, (2) vốn hóa free-float đạt trên 780 triệu USD, (3) vòng quay thanh khoản bình quân đạt 15%.
Điều kiện định tính của MSCI khá đặc thù, do cách đánh giá điều kiện này là thực hiện phỏng vấn các tổ chức tài chính đang đầu tư vào Việt Nam. Do phương pháp phỏng vấn đem lại nhiều ý kiến trái chiều, khó có quan điểm chung nên Việt Nam cần thật sự thay đổi, nỗ lực hơn về quản lý, điều hành thị trường thì mới thật sự được nâng hạng.
Qua trao đổi với nhiều tổ chức đầu tư, cũng như theo quan điểm đã được tổng hợp của MSCI, Biên An Toàn cho rằng điều quan trọng nhất khiến Việt Nam vẫn chưa được xem xét nâng hạng là vấn đề sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL). Mặc dù Chính phủ đã có những động thái tích cực là nới room của các doanh nghiệp có ngành nghề không bị kiểm soát, nhưng thực tế thì trên thị trường, những doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có kiểm soát mới là tâm điểm đầu tư của NĐT nước ngoài, do đó vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nếu lần này MSCI nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi, ông dự báo dòng tiền sẽ biến động ra sao trên thị trường chứng khoán Việt?
Ông Đào Phước Toàn: Việc Kuwait được nâng hạng sẽ đóng góp rất tích cực cho dòng vốn phân bổ vào Việt Nam. Theo báo cáo năm 2018 của MSCI, có khoảng 14 tỷ USD đang mô phỏng chỉ số MSCI Frontier Market, đồng nghĩa với việc khi Kuwait chính thức được nâng hạng, thì tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số sẽ tăng từ 15.9% lên 21.5%. Kéo theo đó, 800 triệu USD sẽ đổ vào thị trường Việt Nam.
Khung thời gian dòng tiền này chảy vào Việt Nam sẽ phụ thuộc tiến độ nâng hạng của Kuwait. Nếu như kỳ review này Kuwait chính thức được nâng hạng thì dòng tiền tái cơ cấu sẽ vận động vào nửa đầu năm 2020.
Trong trường hợp Kuwait được thông báo nâng hạng và Việt Nam được nâng mạnh tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier thì những cổ phiếu sẽ được hưởng lợi?
Ông Đào Phước Toàn: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu rõ cách thức xây dựng rổ chỉ số. Chỉ số MSCI Frontier Market được xây dựng nhằm mục đích bám sát thay đổi của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch được (investable). Do đó, khi nhìn vào dòng tiền mô phỏng chỉ số, thì sẽ thấy hiệu ứng giao dịch của khối ngoại rõ nhất ở các cổ phiếu vốn hóa lớn, có room ngoại trên 10%, tỷ lệ free-float cũng trên 10% và thanh khoản cao. Điển hình là các mã như VNM, VIC, VHM, MSN, HPG, VCB, POW, VJC…
Tuấn Kiệt
FiLi
|