Góc nhìn 13/01: Kiểm soát tâm lý hưng phấn, giảm tỷ trọng cổ phiếu
Một phiên hồi kỹ thuật chưa đủ cơ sở để có thể đánh giá khả năng tạo đáy hoặc hồi phục bền vững của đợt tăng điểm. Nhiều CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nên hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu và chờ xác lập điểm mua phù hợp.
Xu hướng ngắn hạn cải thiện
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Phiên 12/01, VN-Index bật tăng tới hơn 6 điểm từ vùng đáy tích lũy trong giai đoạn tháng 9/2015. Thanh khoản có sự cải thiện, chủ yếu nhờ lượng giao dịch đột biến tại một số mã đầu cơ trong khi lượng giao dịch khớp lệnh tại một số mã bluechips lại có dấu hiệu giảm khá mạnh so với phiên trước.
Giá dầu thế giới hiện tại giao dịch quanh vùng 31 USD/thùng, đây là mức thấp nhất tính từ 2004. Tuy vậy, giá dầu hiện tại vẫn cao hơn chi phí khai thác thực tế của PVN ở mức 24.4 USD/thùng. Do vậy PVN dự kiến sẽ vẫn có lãi kể cả trong trường hợp giá dầu hạ xuống dưới mức 30 USD/thùng trong năm nay. Với diễn biến giảm liên tục như hiện tại, triển vọng của các doanh nghiệp trực thuộc PVN là không khả quan trong năm 2016. Ngược lại, các nhóm ngành đang được hưởng lợi nhờ mức giá dầu quá thấp bao gồm các ngành sử dụng nhiều nguyên liệu từ dầu mỏ như: nhiệt điện, phân đạm, nhựa, vận tải.. dự kiến sẽ có biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.
Với phiên bật tăng kỹ thuật ngày 12/01, kịch bản áp lực giảm dần chậm lại và thị trường sẽ hình thành đáy ngắn hạn tại vùng hỗ trợ của VN-Index hình thành từ tháng 9/2015 tương ứng 555 – 557 điểm đang trở nên rõ ràng hơn. Xu hướng ngắn hạn do vậy được kỳ vọng sẽ dần có sự cải thiện, tuy nhiên trên quan điểm thận trọng, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi thêm diễn biến thị trường trước khi cân nhắc cơ hội giải ngân trở lại.
Giảm tỷ trọng cổ phiếu
CTCK Bảo Việt (BVS): Một phiên hồi kỹ thuật xuất hiện sau một nhịp sụt giảm và phá vỡ các mốc hỗ trợ quan trọng chưa đủ cơ sở để có thể đánh giá khả năng tạo đáy hoặc hồi phục bền vững của đợt tăng điểm. Nhất là khi thanh khoản vẫn chưa có được sự cải thiện đáng kể, trong khi các chỉ báo kỹ thuật khác vẫn đang có diễn biến chưa mấy khả quan. Điều này khiến BVS bỏ ngỏ khả năng nhịp hồi phục của chỉ số chỉ là nhịp hồi mang tính kỹ thuật, trước khi tiếp tục sụt giảm trong ngắn hạn.
BVS khuyến nghị nhà đầu tư bán giảm tỷ trọng danh mục tổng về mức thấp nếu chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 568-572 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Trường hợp chỉ số tiếp tục sụt giảm thì vùng hỗ trợ 540-545 điểm được xem là điểm mua trading gia tăng tỷ trọng trở lại cho phần danh mục ngắn hạn hoặc tích lũy thêm cho phần danh mục ngắn hạn đang nắm giữ.
Vùng trũng thông tin
CTCK BIDV (BSI): Thị trường sẽ tiếp tục rung lắc và giao dịch cân bằng quanh ngưỡng 560 điểm do thị trường đang nằm trong vùng trũng thông tin. Về mặt kĩ thuật, VN-Index có phiên giao dịch tích cực khi đóng cửa ở mức giá cao nhất nhưng khối lượng chỉ tăng nhẹ 11%, do đó chỉ số này có thể sẽ sớm quay lại kiểm định đáy cũ 560 điểm.
Nhà đầu tư ưa mạo hiểm cân nhắc mua vào trong các phiên giảm mạnh và tận dụng các phiên tăng điểm như 12/01 để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư thận trọng tiếp tục đứng ngoài thị trường.
Tránh bị chi phối bởi tâm lý bắt đáy ngắn hạn
CTCK FPT (FPTS): Sự chủ động mua và mua mạnh tại mức giá cao hơn so với 2 phiên liền trước là một hiện tượng đáng chú ý. Kết thúc phiên, độ rộng của sự hồi phục là khá tốt tuy nhiên các điểm nhấn quan trọng có khả năng dẫn dắt sóng hồi như nhóm bất động sản và ngân hàng còn khá yếu. Bên mua đã trở lại vị thế kiểm soát xu hướng nhưng sự biền vững chưa được thiết lập.
FPTS khuyến nghị nhà đầu tư hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về trạng thái thấp hơn tiền mặt, chờ thời điểm xác lập điểm mua phù hợp. Tiếp tục mua mới và mở rộng danh mục trong các phiên thị trường tăng điểm không kèm thanh khoản tích cực được cảnh báo là hết sức rủi ro và cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh bị chi phối bởi tâm lý bắt đáy ngắn hạn./.
|