Thứ Năm, 24/12/2015 13:30

Ông Nguyễn Hữu Bình (IVS): Khối ngoại mua ròng, VN-Index có thể đạt 670 điểm trong năm 2016

Năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm mà khối ngoại mua nhiều hơn bán và thị trường chứng khoán sẽ lặp lại chu kỳ tăng mạnh đầu năm và giảm giá cuối năm. Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS). 

Ông Nguyễn Hữu Bình.

Chu kỳ tăng đầu năm và giảm cuối năm sẽ lặp lại

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2015, ông Bình cho biết đây thực sự là một năm khó khăn cho dù nhìn chung thị trường vẫn có 2 nhịp tăng khá mạnh. Tuy nhiên, cả hai nhịp tăng này đều mang dấu ấn của những cổ phiếu vốn hóa lớn, điều mà ít nhà đầu tư (NĐT) cá nhân dám theo đuổi. Các nhóm ngành tăng điểm không nhiều chỉ bao gồm nhóm nhỏ như ôtô, dệt may, ngân hàng, cảng biển… Ở chiều ngược lại hầu hết là chuỗi suy giảm triền miên. Nhiều cổ phiếu giảm sâu đến mức không tưởng với NĐT khi phá đáy 4-5 năm. Thị trường chứng khoán có sự phân hóa quá lớn và có thể bắt nguồn từ nguyên nhân dòng tiền yếu.

Có 4 nhân tố khiến dòng tiền trên TTCK yếu đi trong năm 2015 là: (1) Thông tư 36 của NHNN về kiểm soát dòng tiền từ ngân hàng và TTCK; (2) Bất động sản ấm lên đã rút lượng tiền đáng kể khỏi TTCK; (3) Lượng vốn phát hành thêm đã quá lớn, vượt tầm kiểm soát trong năm 2014-2015 và (4) Lượng doanh nghiệp cổ phần hóa lớn, thoái vốn ngoài ngành nhiều cũng hút lượng tiền rất lớn.

Bước sang năm 2016, thị trường sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bắt đầu từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong khi giá các loại hàng hóa trên thế giới vẫn rất thấp khiến thị trường khó có thể lường trước được. Đặc biệt nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc đang có những vấn đề lớn.

Trở lại với nội tại nền kinh tế trong nước, nhiều khả năng sẽ không có nhiều thay đổi mà có thể còn có khó khăn hơn trước. Năm 2015 đã phát sinh những vấn đề liên quan tới nợ công, chi tiêu Ngân sách với ảnh hưởng bởi việc hụt thu từ giá dầu. Việc đặt kế hoạch năm 2016 của PVN với giá dầu ở mức 60 USD/thùng có thể sẽ tiếp tục khiến ngân sách thêm phần khó khăn. Hàng loạt các vấn đề khác nữa, chẳng hạn như tỷ giá, đây sẽ sớm là câu chuyện của năm và có thể sẽ dài hơn nữa. Hay như đồng CNY của Trung Quốc vào rổ tiền tệ của IMF (SDR) có thể khiến đồng tiền này giảm giá sau nhiều năm neo với đồng USD. Điều đó sẽ khiến cho thương mại với Trung Quốc xuất hiện thêm nhiều vấn đề.

Mặc dù năm 2016 có nhiều sự kiện mang tính thay đổi như các FTA có hiệu lực. Một cuộc chuyển giao diễn ra sau bầu cử có thể mang đến làn gió mới trong điều hành. Tuy nhiên, những yếu tố mang tính khó khăn dài hạn ngoài tầm kiểm soát trên sẽ khiến cho TTCK năm 2016 tiếp tục có sự phân hóa. Thực sự khó khăn để tìm ra những ngành tiềm năng, và nếu có thì giá những cổ phiếu trên cũng không còn nhiều hấp dẫn do đã ở mức khá cao. Câu chuyện dòng tiền yếu sẽ tiếp tục ngự trị, nên để có được cơ hội cần có cái nhìn dài hạn, đặc biệt khi sản phẩm T+0 được thực hiện.

Ở giai đoạn hiện tại, ông Bình cho rằng, nhiều cổ phiếu đã suy giảm mạnh không chỉ trong nhịp giảm này mà là cả chuỗi thời gian dài. Nhiều cổ phiếu hoạt động cơ bản vẫn duy trì tốt nhưng giá đã phá đáy 1 năm nên có thể trong rủi ro lại là cơ hội mà NĐT dài hạn nên đón nhận.

Phía trước vẫn là một bầu trời với khá nhiều những chính sách hấp dẫn: (1) Danh mục nới room cho NĐTNN; (2) Thị trường phái sinh và các sản phẩm tài chính; (3) Những hiệp định thương mại FTA và dòng vốn FDI. Việc khối ngoại bán mạnh trên TTCK có lẽ cũng giống như nhiều nhịp bán trước đó, và kỳ vọng rằng sau khi rủi ro liên quan tới việc Mỹ tăng lãi suất lắng dịu xuống thì dòng vốn này sẽ quay trở lại mạnh mẽ hơn giai đoạn nửa đầu năm 2016. Chu kỳ tăng mạnh đầu năm và giảm giá cuối năm sẽ tiếp tục lặp lại trong năm 2016.

Thanh khoản cần duy trì 150 triệu đơn vị/phiên để đảm bảo đà tăng

Theo ông Bình, dòng tiền trở thành một câu chuyện nóng và được nhà đầu tư rất chú trọng trong năm 2015 và nó xoay quanh 3 yếu tố nới room, sản phẩm phái sinh và các FTA. Qua năm 2016, những ngành hay những cổ phiếu xuất hiện từ yếu tố trên có thể tiếp tục dòng tiền lựa chọn. Những ngành như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, hạ tầng, cảng - vận tải biển sẽ có tính hấp dẫn. Nếu như năm 2015 chúng ta chứng kiến ngành đường thì có thể năm 2016 sẽ là cao su hoặc dầu khí...

Với mục tiêu gia nhập thị trường mới nổi và nhiều doanh nghiệp lên sàn thì quy mô giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng dần đều. “Ở thời điểm hiện tại, khi giao dịch của sàn HOSE vào khoảng 70-80 triệu đơn vị/phiên là lúc thị trường gần như bất động. Vì thế, với sản phẩm như T+0, hay rút ngắn thanh toán T+2 trong một loạt các biện pháp nâng hạng TTCK thì kỳ vọng là 150 triệu đơn vị/phiên là điều kiện để đảm bảo thị trường duy trì đà tăng trưởng”, ông Bình nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện của khối ngoại, tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại thì khối ngoại vẫn mua ròng 2,000 tỷ đồng trên HOSE, so với con số năm 2014 là 2,800 tỷ thì cũng tương đồng. Có thể con số sẽ xoay quanh mốc này khi kết thúc năm 2015 và rõ ràng là khối ngoại vẫn mua ròng trong năm này.

Cũng trong năm 2015, hoạt động của khối ngoại có đôi chút khác thường, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm khi mức bán ròng của họ rất lớn. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ một chút có thể thấy là họ đang thoái ra ở một vài cố phiếu như MSN, HAG... còn lại diễn biễn khối ngoại vẫn theo chu kỳ. Sự khác biệt lớn ở đây là liên quan nhiều tới việc Fed tăng lãi suất. Có thể điều này khiến cho việc rút vốn mạnh hơn nhưng kỳ vọng mọi thứ sẽ trở lại sau một thời gian ngắn tới đây.

Ngoài ra, một điểm nữa liên quan tới khối ngoại là một số quỹ hình thành năm 2006-2007 đến thời hạn đóng quỹ nên họ cũng buộc phải bán ra.

Là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu yếu, đặc biệt khi Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2016 ở mức cao với thành công từ 2015 sẽ thu hút NĐTNN. Không chỉ vậy, kỷ lục về các FTA cũng đang mang đến cho họ cái nhìn vô cùng tích cực tại thị trường Việt Nam. Dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và dĩ nhiên FII cũng vậy. Vì vậy ông Bình cho rằng năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm mà khối ngoại mua nhiều hơn bán./.

Dự báo đầu tư của ông Nguyễn Hữu Bình về năm 2016:

  • VN-Index sẽ duy trì quanh 600 điểm và đạt mức cao nhất 670 điểm
  • HNX-Index sẽ duy trì quanh 80 điểm và đạt mức cao nhất 90 điểm (+/-5)
  • Thanh khoản sàn HOSE cần duy trì 150 triệu đơn vị/phiên để đủ điều kiện tăng trưởng
  • Khối ngoại sẽ mua ròng
  • Ngành cao su hoặc dầu khí sẽ tăng trở lại
  • Điểm nóng vĩ mô năm 2016 là thu chi ngân sách
Các tin tức khác

>   Góc nhìn 24/12: Cơ hội để tích lũy? (23/12/2015)

>   Góc nhìn 23/12: Chú ý thông tin vĩ mô (22/12/2015)

>   Góc nhìn 22/12: Tiếp tục giằng co (21/12/2015)

>   Mua cổ phiếu nào để có “quà” dịp Giáng sinh? (21/12/2015)

>   Góc nhìn 02/03: Rủi ro hiện hữu (01/03/2016)

>   Góc nhìn tuần 21-26/12: Khó kỳ vọng thị trường tăng điểm mạnh (20/12/2015)

>   Góc nhìn 18/12: Biển lặng trước cơn sóng lớn? (17/12/2015)

>   Chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao sau quyết định tăng lãi suất của Fed? (17/12/2015)

>   Góc nhìn 17/12: Xu hướng hồi phục vẫn chưa xác định? (16/12/2015)

>   Dự báo TTCK Mỹ 2016 của các định chế tài chính hàng đầu (16/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật