Thứ Sáu, 25/12/2015 06:50

MBS: TTCK sẽ phục hồi và đạt đỉnh 670 điểm vào cuối 2016

Thông tin tại hội thảo MBS’s Talk 9 ngày 22/12/2015, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2016 tỷ giá sẽ điều chỉnh từ 3-5% bắt đầu từ cuối quý 1/2016. Dòng vốn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn nhưng thị trường sẽ phục hồi và dự báo đến cuối năm sau có thể đạt đỉnh 670 điểm.

Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 đạt 6.8%

Theo IMF dự báo, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.6%, cao hơn mức tăng trưởng 3.1% năm 2015. Trong đó, kinh tế Mỹ đang phục hồi khá vững chắc, còn kinh tế Châu Âu cũng dần ổn định trong 2015 đã tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ tiếp tục làm giảm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt là việc Trung Quốc sau khi bơm tiền quá mạnh vào nền kinh tế trong 3 năm gần đây đã phát sinh bong bóng tài sản, trong đó có bong bóng chứng khoán vào năm 2015 khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh với khoảng 500 tỷ USD.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Đvt: %

Các chuyên gia MBS cho rằng những rủi ro chính của kinh tế thế giới năm 2016 là (1) thương mại toàn cầu suy giảm, (2) giá hàng hóa và tiền tệ ở các thị trường mới nổi tiếp tục mất giá do việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất theo lộ trình và (3) rủi ro giảm phát toàn cầu đang gia tăng.

Trong đó, áp lực của việc Fed tăng lãi suất lên các thị trường mới nổi là khá rõ ràng, trực diện nhất làm cho các đồng tiền bản địa tại các quốc gia này bị mất giá mạnh. Hơn nữa, giá hàng hóa đã giảm mạnh do chỉ số USD Index tăng mạnh trong năm 2014-2015. Đồng tiền nội địa giảm giá so với USD khiến nhà đầu tư có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi. Thêm nữa, các chi phí vay nợ của các quốc gia này có xu hướng tăng lên khiến mặt bằng lãi suất tăng trở lại, qua đó kéo triển vọng kinh tế giảm xuống.

Nguồn: MBS

Một yếu tố rủi ro nữa khiến nhiều chuyên gia quan ngại là về khả năng phá giá Nhân dân tệ trong năm 2016. Bởi Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục phá giá để đẩy mạnh xuất khẩu. Điều này cũng tạo tác động kép lên việc phá giá của các nền kinh tế trên thế giới và tác động trực tiếp đến tỷ giá của Việt Nam do tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa 2 quốc gia ngày càng tăng (tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam là hơn 30%, thâm hụt thương mại với Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 24 tỷ USD).

Còn tại Việt Nam, điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2016 phải kể đến là mức tăng trưởng cao hơn so với các nước trong khu vực mặc dù lạm phát tương đương nhau. Theo mô hình dự báo của MBS, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 là khoảng 6.8%, cao hơn mức dự báo 6.5% của năm 2015, kinh tế phục hồi nhờ mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng tăng trưởng, thị trường tài sản và tổng cầu hồi phục mạnh. Ngoài ra, việc gia nhập các FTAs và TPP sẽ là cú hích cho Việt Nam thu hút dòng vốn FDI lớn hơn trong năm 2016.

Về dòng vốn, do xu hướng dòng vốn có quay trở lại tại các quốc gia như Nhật Bản, Brazil và Ấn Độ (trong đó, tốc độ hồi phục của Ấn Độ tương đối tốt và GDP là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư tham gia vào thị trường này). Bởi vậy, MBS cho rằng với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn cao trong năm tới nên kỳ vọng sẽ là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2016 tỷ giá sẽ điều chỉnh 3-5%, bắt đầu từ cuối quý 1/2016

Tuy nhiên, theo MBS, có khá nhiều áp lực vĩ mô trong năm 2016. Điển hình như lãi suất có thể chạm đáy và đi lên. Từ tháng 11/2015, một số ngân hàng lớn như ACB, MBB, VietinBank đã điều chỉnh tăng lãi suất từ 0.2 – 0.3%, như vậy tăng trưởng tín dụng đã cao hơn tăng trưởng huy động so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay trên huy động và huy động ngắn hạn cho vay dài hạn cũng cao hơn so với năm trước nên khó có dư địa để giảm lãi suất.

Hơn nữa, áp lực trả nợ là khá lớn khi đến năm 2016 và 2017, lượng trái phiếu đáo hạn lên đến 363 ngàn tỷ đồng. Trong khi nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm, còn nguồn thu từ dầu thô vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Ngoài ra, cán cân thương mại thâm hụt lần đầu tiên sau 3 năm khiến thặng dư cán cân thanh toán giảm mạnh. Việc thâm hụt thương mại khoảng 4.5 tỷ USD cộng với dự trữ ngoại hối gần như không tăng trong năm 2015 sẽ khiến Việt Nam khó có thể giữ tỷ giá lâu hơn được nữa. MBS dự báo tỷ giá sẽ được chiều chỉnh 3-5% trong thời gian tới và phụ thuộc vào yếu tố từ Trung Quốc, có khả năng đến cuối tháng 1/2016 có thể điều chỉnh tỷ giá.

Trong lộ trình gia nhập hiệp định TPP, một loạt các chính sách về thị trường đang được thực thi. Đáng chú ý, thị trường phái sinh có khả năng hút dòng vốn và giúp thị trường có tính thanh khoản cao hơn trong 2016-2017. Hơn nữa, sức hút còn đến từ những DNNN tiếp tục IPO và thoái vốn mạnh tại các doanh nghiệp đầu ngành, để lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư ngoại tham gia. Và các thương vụ M&A tiếp tục gia tăng, dự báo năm 2015 có khoảng 400 thương vụ được thực hiện với giá trị dự kiến vượt 5 tỷ USD (tăng 161 thương vụ và 800 triệu USD so với năm 2014).

Dòng vốn FDI 9 tháng đầu năm tăng mạnh với số vốn cấp mới đạt 17.15 tỷ USD (tăng 53% so với cùng kỳ), vốn thực hiện cũng tăng từ 8.9 lên 9,6 tỷ USD. Nếu hiệp định TPP được hoàn tất ký kết trong 2016, thì dự báo Việt Nam có thể đón dòng vốn mạnh cuối năm.

Vốn FDI vào Việt Nam qua các năm
Đvt: tỷ USD
Nguồn: MBS

Cuối 2016, thị trường có thể đạt đỉnh 670 điểm

Việt Nam đang tích cực xây dựng chuẩn cao nhất để được vào rổ MSCI. Được biết, Việt Nam đã đạt được các chuẩn A và B và tiến tới xây dựng chuẩn C - đòi hỏi thị trường chứng khoán cần mở cửa cho sở hữu nước ngoài và tăng khả năng lưu chuyển vốn. Hiện Việt Nam đã ban hành Nghị định 60 về nới room và xây dựng cơ chế cho bán khống trong ngày và quyền chọn… Các chuyên gia kỳ vọng quyết định gia nhập có thể đưa ra vào tháng 6/2017, qua đó Việt Nam có thể thu hút 15 tỷ USD đầu tư gián tiếp. Thực tế cho thấy, sau khi gia nhập rổ MSCI từ 2013, thị trường chứng khoán của UAE và Qatar tăng 44-47% so với mức tăng trưởng 5.1% của MSCI mới nổi.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam có tính đồng biến mỗi khi thị trường thế giới suy giảm (khi so sánh giữa chỉ số VN-Index với Shaghai Index và S&P500). Tuy nhiên, sau đó thị trường chứng khoán Việt Nam đều hồi phục trở lại.

Trong năm 2015, Việt Nam phát hành thêm 7.5 tỷ cổ phiếu khiến cho lực đẩy của thị trường yếu hơn. Tỷ lệ margin trên toàn thị trường theo ước tính là 22,400 tỷ đồng trong đỉnh gần nhất tháng 11/2015. Như vậy tỷ lệ margin trên toàn thị trường đã cao hơn so với thời điểm tháng 9/2015, các công ty chứng khoán đã chủ động hơn và có thể đáp ứng nhu cầu vốn margin của nhà đầu tư.

Các chuyên gia MBS cho rằng, trong 2016 sẽ có nhiều đợt suy giảm nhưng đó là cơ hội tốt để đầu tư vào thị trường bởi dòng tiền lớn sẽ tham gia vào những đợt phục hồi sau đó trên nền tảng là đường xu hướng tăng dài hạn của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, do Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá theo quyết định nâng lãi suất của Fed và phá giá Nhân dân tệ của Trung Quốc, nên dòng vốn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

Nếu tỷ giá tiếp tục điều chỉnh, thị trường sẽ có nhiều biến động theo hình “răng cưa” trong năm. Và nếu tỷ giá bắt đầu tăng vào quý 1/2016, khi đó thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh sâu, mức thấp nhấp dự báo về 530 điểm (tương ứng với vùng hỗ trợ được lập bởi kênh xu hướng tăng dài hạn).

Các chuyên gia của MBS dự báo thị trường chứng khoán sẽ có mức tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2016. Theo đó, những ngưỡng hỗ trợ quan trọng bao gồm 530; 555; 570 điểm, đến cuối năm thị trường có thể đạt đỉnh 670 điểm.

Dự báo đồ thị chỉ số VN-Index

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ về định hướng đầu tư trong năm 2016. Đáng chú ý là các công ty IPO và sắp niêm yết có vốn hóa lớn, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số như ACV, Mobifone, Vietjet Air… MBS cũng nhận định nên ưu tiên đầu tư những cổ phiếu lớn, trả cổ tức cao và được hưởng lợi từ TPP. Ngược lại, nhà đầu tư nên tránh xa các công ty có vay nợ ngoại tệ lớn , các công ty xuất khẩu thô, nguyên vật liệu do xu hướng kém khả quan trong các năm tới.

Cụ thể hơn, những ngành như bất động sản, ngân hàng, dệt may và cảng biển sẽ là tâm điểm đầu tư trong năm 2016. Trong khi bất động sản đang phục hồi và có sự hậu thuẫn từ chính sách, thì ngành ngân hàng đã thoát đáy và nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm. Dệt may và cảng biển cũng sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại./.

Danh sách cổ phiếu quan tâm
Các tin tức khác

>   Ông Nguyễn Hữu Bình (IVS): Khối ngoại mua ròng, VN-Index có thể đạt 670 điểm trong năm 2016 (24/12/2015)

>   Góc nhìn 24/12: Cơ hội để tích lũy? (23/12/2015)

>   Góc nhìn 23/12: Chú ý thông tin vĩ mô (22/12/2015)

>   Góc nhìn 22/12: Tiếp tục giằng co (21/12/2015)

>   Mua cổ phiếu nào để có “quà” dịp Giáng sinh? (21/12/2015)

>   Góc nhìn 02/03: Rủi ro hiện hữu (01/03/2016)

>   Góc nhìn tuần 21-26/12: Khó kỳ vọng thị trường tăng điểm mạnh (20/12/2015)

>   Góc nhìn 18/12: Biển lặng trước cơn sóng lớn? (17/12/2015)

>   Chứng khoán Việt Nam sẽ ra sao sau quyết định tăng lãi suất của Fed? (17/12/2015)

>   Góc nhìn 17/12: Xu hướng hồi phục vẫn chưa xác định? (16/12/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật