Góc nhìn 28-31/12: Đợi qua lễ!
Đa phần các CTCK đều đưa ra nhận định thị trường sẽ không tích cực ở thời điểm hiện tại và kỳ vọng qua lễ khi dòng tiền quay trở lại sẽ khởi sắc hơn, đồng thời đón chờ kết quả kinh doanh quý 4 của doanh nghiệp.
Tích lũy chờ sóng sau lễ
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường quay lại trạng thái giao dịch giằng co với các nhịp tăng giảm trong biên độ hẹp kết hợp với trạng thái suy giảm mạnh của thanh khoản. Trong khi khối ngoại sau nhiều phiên bán ròng với cường độ mạnh đã giao dịch tích cực trở lại trong các phiên gần đây góp phần giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong nước, củng cố xu hướng giao dịch tích lũy tích cực của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Thị trường bước vào thời kỳ thanh khoản thấp với các phiên giao dịch giằng co không rõ xu hướng do thời điểm hiện tại đang diễn ra các kỳ nghỉ lễ quan trọng trong năm. Thống kê trong giai đoạn 5 năm trở lại đây cũng cho thấy lượng khớp lệnh trong giai đoạn cuối năm thường có xu hướng thấp hơn khá nhiều so với trung bình cả năm. Do vậy SHS không kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm trở lại mạnh mẽ. Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường, tiếp tục tích lũy dần các mã giảm sâu thời gian qua để đón sóng KQKD 2015 và kế hoạch 2016 sẽ diễn ra sau kỳ nghỉ lễ.
Áp lực giảm mạnh không có
CTCK BIDV (BSI): Phiên 25/12, thị trường tiếp tục có một phiên hồi trên HOSE trong khi điều chỉnh nhẹ tại HNX. Sự tăng điểm của VN-Index là nhờ các cổ phiếu trụ. Về cơ bản, độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực. Khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị tăng nhẹ so với phiên 24/12.
Triển vọng trong ngắn hạn đối với các chỉ số tương đối mong manh do thanh khoản thị trường khá yếu. Dù vậy, áp lực giảm điểm mạnh là không có. Do đó, BSI khuyến nghị đây là thời điểm phù hợp để cân nhắc tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao có thể cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên hồi và mua lại trong phiên điều chỉnh.
Khu vực thử thách 568 điểm
CTCK FPT (FPTS): Trên đồ thị, hình mẫu nến của phiên 25/12 cho thấy trạng thái giằng co giữa mua và bán vẫn tiếp diễn bởi VN-Index đang tiếp cận đường biên trên của kênh giá giảm kéo dài từ tháng 11/2015 đến nay. Dòng tiền giao dịch trong phiên 25/12 đã tăng trở lại nhưng vẫn còn thấp dưới mức bình quân 22 phiên gần nhất. Tuy nhiên thanh khoản tăng trong phiên hồi phục là điểm cộng cho trạng thái thị trường hiện tại bởi nó thể hiện tâm lý thận trọng đang được cải thiện sau tín hiệu thoái lui của bên bán trong vùng hỗ trợ. Nếu diễn biến này của thanh khoản tiếp tục được duy trì thì sẽ là động lực lớn đưa chỉ số vượt ra khỏi kênh giảm giá trong biến động của tuần kế tiếp.
Sự hiện diện của MA 20 trong khu vực 568 điểm đang giữ vai trò thử thách đối với khả năng hồi phục của chỉ số. Nếu chỉ số sớm vượt qua đường trung bình này thì mục tiêu tiếp theo sẽ là khu vực kháng cự 575 - 580 điểm và rủi ro kéo dài xu hướng điều chỉnh sẽ giảm đáng kể. Như vậy, diễn biến tiếp theo tại mốc 568 điểm sẽ giữ vai trò quan trọng báo hiệu chiều hướng biến động của tuần kế tiếp. Trong đó, xác suất tăng điểm đang cao hơn nhờ có sự ủng hộ của nhóm momentum nhạy với biến động giá. Tuy nhiên, để có thể kích hoạt lại các trạng thái mua ngắn hạn thì điều kiện cần thiết vẫn là VN-Index phải tái lập mức điểm 570 kèm theo thanh khoản được cải thiện.
Nhà đầu tư nên theo sát diễn biến chỉ số và chỉ mở lại trạng thái mua mới nếu xuất hiện tín hiệu tích cực. Nhà đầu tư có mức chấp nhận rủi ro cao thì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt không nên vượt quá mức 30/70. Trong đó, đối tượng giao dịch ưu tiên sẽ là nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh quý 4 tích cực, thanh khoản.
Dò tìm điểm cân bằng
CTCK ngân hàng Đông Á (DASE): Chốt phiên 25/12 thị trường tăng nhờ vào sự vận động tích cực của một số cổ phiếu lớn. Diễn biến thị trường không tích cực và áp lực bán lan rộng, bóng trên của cây nến kéo dài đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật đã cho thấy nhiều dấu hiệu cải thiện hơn, MACD Histogram tiếp tục tăng, DI+ thu hẹp khoảng cách với DI-, RSI hướng lên và Stochastic đã có dấu hiệu hãm đà giảm, song bên cạnh đó BBs thu hẹp dần cùng đường MA20 tiếp tục hướng xuống, chỉ số chốt phiên không cao hơn ngưỡng này.
Trong các phiên tới kịch bản VN-Index tiếp tục dò điểm cân bằng và tạo mặt bằng giá. Điểm tích cực là thanh khoản đã cải thiện trở lại. Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi biến động lực cung cầu trong các phiên tiếp theo nhằm tìm ra điểm giải ngân hợp lý.
Giao dịch phiên 25/12 trên HNX-Index chưa có sự cải thiện tốt hơn. Thanh khoản tăng cao khi áp lực bán gia tăng là dấu hiệu khá tiêu cực bên cạnh thân nến đỏ kéo dài. Các chỉ báo kỹ thuật chưa cho thấy điểm khả quan hơn. Điều tích cực là dải dưới của BBs đang đi ngang và đây sẽ là lực đỡ khiến chỉ số tránh áp lực rơi mạnh về vùng hỗ trợ mạnh tại Fibonacci 23.6%./.
|