Góc nhìn 23/10: Đà tăng không vững
Dòng tiền tiếp tục hụt hơi mặc dù hai sàn đã hồi phục tích cực trở lại về mặt điểm số sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp. Các chuyên gia cho rằng, sự phân hóa mạnh cùng thanh khoản giảm có thể khiến đà tăng không vững, tuy nhiên việc kiểm nghiệm lại mốc kháng cự 600 điểm vẫn có thể xảy ra.
Thận trọng trong ngắn hạn
CTCK Sài Gòn – Hà Nội( SHS): Dòng tiền tiếp tục hụt hơi mặc dù hai sàn đã hồi phục tích cực trở lại về mặt điểm số sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp. Nhóm các mã trụ cột giao dịch khá tích cực, đặc biệt nhóm các cổ phiếu bất động sản, ngân hàng bất ngờ hút dòng tiền khá tốt và đều đồng loạt tăng giá. Tuy vậy giao dịch vẫn diễn ra chậm và không xóa đi được cảm giác của sự trì trệ. Thanh khoản tiếp tục giảm. Tổng lượng giao dịch trong phiên hôm nay chỉ đạt khoảng 111.5 triệu đơn vị, giảm 14.5% so với phiên giao dịch trước đó.
Mặc dù sắc xanh đã trở lại trên diện rộng tuy nhiên thị trường vẫn tỏ ra khá thiếu động lực khi thanh khoản tiếp tục xu hướng giảm dần đều. Trong bối cảnh thông tin KQKD quý 3/2015 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần được công bố, biến động thanh khoản như vậy phản ánh mức độ kỳ vọng đang giảm dần. Cả khối nội và khối ngoại cùng đang giao dịch khá thận trọng. Nếu thị trường không bứt phá khỏi vùng giao dịch sideway hiện tại, thanh khoản tiếp tục xu hướng giảm sẽ khiến nhu cầu cắt giảm tỷ trọng tăng mạnh, rủi ro giảm điểm của thị trường do vậy vẫn đang thường trực.
Phiên bật tăng kỹ thuật ngày 22/10 phần nào giúp giảm bớt nỗi lo về việc thị trường sẽ đảo chiều giảm điểm trở lại. Tuy vậy thanh khoản không có tín hiệu tích cực khiến SHS tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong ngắn hạn. Các nhịp tăng giảm sideway hiện tại thích hợp cho các nhà đầu tư giao dịch mua thấp – bán cao cùng một mã cổ phiếu trong danh mục nhằm giảm thiểu rủi ro nắm giữ nếu thị trường xuất hiện các phiên bất ngờ điều chỉnh mạnh.
Test lại ngưỡng kháng cự 600 điểm
CTCK Maritime (MSI): Sau 3 phiên giao dịch lình xình trước đó, phiên hôm nay (22/10) thị trường đã tích cực trở lại, VN-Index đóng cửa ở mức giá gần như cao nhất trong phiên, tăng 4.84 điểm lên 595.8 điểm. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn còn khiến thanh khoản khá thấp, chỉ đạt 1,990 tỷ đồng.
Dòng tiền đã có sự phân hóa, tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu bluechips, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản như ITA, VIC, SSI, VNM, BVH, VCB,… đây là động lực để thị trường tiếp tục tích cực. Trong phiên cuối tuần ngày mai (23/10), MSI cho rằng thị trường sẽ tăng điểm, VN-Index có thể sẽ test lại ngưỡng kháng cự mạnh 600 điểm. Nhà đầu tư nên tận dụng những phiên tăng điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao.
Độ rộng thị trường mở rộng tích cực
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Các thị trường đã tăng điểm tích cực trở lại giữa lúc nguồn cung đã được điều tiết sau 2 phiên giảm. Độ rộng thị trường mở rộng tích cực với gần 2 mã tăng mới có 1 mã giảm. Trong đó, sự trở lại của nhóm bluechips giúp thị trường tăng điểm tích cực.
Đáng chú ý, nhóm ngân hàng và chứng khoán đã khởi sắc trở lại, dẫn đầu là VCB và HCM. Ngoài ra, VNM, BVH, CTD tiếp tục tăng trong khi VIC và MWG cũng tăng sau những phiên giảm. GAS và PVD cùng đi ngang do diễn biến giá dầu vẫn kém tích cực. Ngược lại, FPT và BMP điều chỉnh phiên thứ 2.
Sẽ có những nhịp rung lắc do chốt lời
CTCK VNDirect (VND): Phiên hôm nay (22/10) chứng kiến sắc xanh lan tỏa trong nhiều nhóm cổ phiếu: ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Tuy nhiên thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng của sự kết thúc nhịp điều chỉnh.
VND cho rằng trong những phiên sắp tới sẽ có nhịp rung lắc do lực cung chốt lời, dòng tiền sẽ tập trung vào những mã có kết quả kinh doanh tốt, nhóm ngành dầu khí với kỳ vọng tăng theo nhịp hồi của giá dầu thế giới và chờ đợt kết quả kinh doanh quý 3. VND khuyến nghị mua trong những nhịp rung lắc của thị trường.
Minh Tuấn tổng hợp
|