Thứ Tư, 21/10/2015 09:08

CPI tháng 10/2015 với những dự báo trái chiều, TTCK vượt mốc 600 điểm

Với những tác động từ giá xăng dầu, lương thực-thực phẩm hay tăng trưởng tín dụng cho đến sức cầu của nền kinh tế, các chuyên gia có góc nhìn trái chiều về chỉ số CPI trong tháng 10/2015. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khi dự báo về quý 4/2015.

Cụ thể, về dự báo CPI tháng 10/2015, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm phân tích thị trường CTCK ngân hàng BIDV (BSI) cho rằng “sẽ tăng trở lại và vẫn duy trì ở mức thấp”. Dự báo của ông Khoa được đưa ra trên cơ sở mặt bằng giá dầu hồi phục mạnh và tín dụng tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2015 (các nhân tố này có độ trễ, sẽ tác động trong những tháng cuối năm và đẩy lạm phát tăng lên). Cùng quan điểm với ông Khoa, ông Phan Minh Đức - Chuyên viên phân tích - CTCP chứng khoán Nhất Việt (VFS) dự báo "CPI tháng 10 có thể sẽ tăng khoảng 0.2% so với tháng 9/2015 dưới tác động của giá lương thực, thực phẩm giảm".

Bà Nguyễn Mai Phương – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCK Maritime (MSI) cũng nhìn nhận xu hướng giá cả của các mặt hàng thiết yếu nhìn chung khá ổn định, nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm sẽ giảm nhẹ do nguồn cung tăng, nhóm mặt hàng xăng dầu sẽ không còn nhiều thay đổi do giá xăng đã tăng trong tháng 9. Tuy nhiên, ngược lai so với những dự báo phía trên, bà Phương cho rằng “CPI tháng 10 tiếp tục ở mức thấp và khả năng vẫn âm, dự báo có thể âm khoảng 0.1%”.

Nhận định về vấn đề CPI chỉ duy trì ở mức thấp, theo bà Nguyễn Mai Phương đây không phải là tín hiệu xấu và cũng không cần phải quá lo ngại. Vì GDP vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao với mức tăng 6.8% trong quý 3/2015; sức mua và tổng cầu cũng tăng khá mạnh, lạm phát cơ bản vẫn ở mức cân bằng (lạm phát cơ bản sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) khi tháng 9/2015 tăng 0.06% so với tháng 8/2015 và tăng 1.87% so với cùng kỳ.

Còn theo quan điểm của ông Phan Minh Đứclạm phát 9 tháng đầu năm 2015 thấp không là biểu hiện của giảm phát”. Ông Đức nhìn nhận, lạm phát thấp sẽ giúp tiêu dùng phục hồi tốt hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng cải thiện hơn. Bên cạnh đó, lạm phát thấp cũng giúp Chính phủ có nhiều dư địa hơn trong các chính sách vĩ mô như giảm lãi suất, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng… qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ông Bùi Nguyên Khoa cũng cho rằng lạm phát đã xác nhận thoát khỏi xu thế “2 năm tăng, 1 năm giảm” kể từ năm 2010 và nhiều khả năng bước vào thời kỳ lạm phát thấp hơn tăng trưởng. Đây là kịch bản kinh tế tốt nhất trong nhiều trong nhiều năm gần đây.

Dự báo xa hơn, với kinh tế Việt Nam trong quý 4/2015, các chuyên gia đều nhận định nền kinh tế sẽ tiếp tục ổn định, đầu tư tiếp tục cải thiện nhờ hiệu ứng của các hiệp định thương mại tự do, điển hình như TPP, khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Riêng ông Bùi Nguyên Khoa dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6.5%-6.6%, vượt mức 6.2% đã đề ra, CPI trong khoảng từ 1.1% - 1.5%, tỷ giá trong vùng 21,890 – 22,547 VNĐ/USD và lãi suất ổn định. Cùng chung quan điểm với ông Khoa, ông Phan Minh Đức cũng cho rằng trong quý 4, vấn đề bội chi ngân sách và những biến động của thị trường quốc tế do điều chỉnh chính sách tiền tệ của các quốc gia chủ chốt là những vấn đề đáng chú ý.

Kết quả kinh doanh quý 3/2015 sẽ giúp VN-Index vượt mốc 600 điểm

Nhìn nhận về thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia cho rằng yếu tố được quan tâm nhất hiện tại là kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu kết quả quý 3 tích cực có thể giúp VN-Index vượt qua mốc 600 điểm ngay trong giai đoạn còn lại của tháng 10/2015.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra nhân tố ảnh hưởng không tốt là vấn đề Fed và tác động của nền kinh tế Trung Quốc đến thị trường Việt Nam, theo đó các chuyên gia cho rằng sau khi vượt mốc 600 điểm khả năng sẽ có điều chỉnh trở lại và nhà đầu tư nên thận trọng.

Theo đó, bà Nguyễn Mai Phương nhận định thị trường chứng khoán diễn biến khá sôi động trong nửa đầu tháng 10 với thông tin hiệp định TPP kết thúc đàm phán thành công và SCIC sẽ tiến hành thoái vốn ở một số doanh nghiệp như FPT, VNM, BMP, BMI,... Theo bà Phương, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm, VN-Index có thể dao động ở vùng kháng cự mạnh 600 – 610 điểm trước khi xuất hiện một nhịp điều chỉnh sau đó.

Còn theo ông Bùi Nguyên Khoathị trường chứng khoán Việt Nam đang khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư” nhờ vào kinh tế vĩ mô tích cực, mặt bằng cổ phiếu được định giá ở mức thấp so với các nước khu vực và cuối cùng là các chính sách thúc đẩy thị trường gồm mở room cho NĐTNN, các quy định minh bạch thị trường chứng khoán, đổi mới phương thức giao dịch và quy định thông thoáng về việc mở tài khoản, tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, thị trường các nước đang phát triển đang trở nên rủi ro trong mắt nhà đầu tư nước ngoài sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá và sắp tới là khả năng tăng lãi suất của Fed ở trong 2 cuộc họp FMOC vào ngày 27-28/10 và ngày 15-16/12. Tâm lý thận trọng sẽ xảy ra trước các thời điểm này và hạn chế dòng tiền tham gia thị trường.

Theo đó, ông Khoa cho rằng sau đợt tăng điểm trong tháng 10/2015, cơ hội lớn cho thị trường không rõ rệt. Nhiều khả năng thị trường vận động tăng giảm xen kẽ giữa các tháng và đóng cửa ở mức 580 điểm (± 5%) vào cuối năm 2015.

Trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh quý 3/2015 là động lực giúp thị trường vượt mốc 600 điểm. Tuy nhiên, ông Khoa dự báo cuối tháng 10 thị trường sẽ không tích cực do yếu tố tâm lý và dòng tiền thời gian tới không thực sự thuận lợi. Thị trường có thể điều chỉnh vào nửa cuối tháng 10/2015 và giảm lại trong tháng 11/2015. Kịch bản điều chỉnh và giảm có thể đẩy lùi lại sang tháng 12/2015 nếu Fed chưa tăng lãi suất vào cuối tháng 10/2015. Sự vận động của vốn ngoại là yếu tố cần quan tâm khi Fed tăng lãi suất, ông Khoa nhấn mạnh.

Dựa vào các nhận định trên, ông Khoa cho rằng thị trường khó có sóng lớn và dự báo sẽ chỉ vận động tăng giảm xen kẽ trong tháng 10-11/2015 và dần ổn định trong tháng 12/2015.

Thị trường cũng cần thời gian để tạo lập nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường như trong quá khứ (nhóm dầu khí trong năm 2014, nhóm ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2015) để tạo đà tăng trưởng tốt trong năm 2016. Do vậy, các quan điểm đầu tư quý 4/2015 sẽ hướng tới các cổ phiếu vừa và nhỏ ở các ngành hưởng lợi từ TPP như dệt may, thủy sản, hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển; những cổ phiếu hết room; cổ phiếu BĐS, xây dựng và VLXD đón đầu chu kỳ kinh doanh, cổ phiếu sử dụng đầu vào có nguồn gốc khí và dầu mỏ như ngành nhựa, hóa chất, phân bón…

Ông Phan Minh Đức cũng đưa ra dự báo tương tự, VN-Index có thể sẽ vượt qua mốc kháng cự tâm lý 600 điểm trong thời gian còn lại của tháng 10/2015 nhưng khó có khả năng bật tăng mạnh ngay được. Thay vào đó, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến trồi sụt và rung lắc mạnh quanh ngưỡng này.

Hiện thị trường chứng khoán sẽ chưa thể bứt phá mạnh trong quý 4/2015. Những tác động tâm lý tích cực sau thông tin Hiệp định thương mại tự do TPP đạt được thỏa thuận chung trong những ngày đầu tháng 10 theo ông Đức sẽ không kéo dài lâu nếu không có sự hỗ trợ của dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền khối ngoại.

Dòng tiền nội hiện nay vẫn còn khá tốt, luân chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ rút ra, đứng ngoài thị trường. Trong khi đó, dòng vốn ngoại đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bảo hiểm… giúp thị trường tăng điểm thời gian qua đang có dấu hiệu chững lại (dòng tiền vào quỹ VNM ETF chững lại, trạng thái premium không còn ở mức cao). Ông Đức khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá lo lắng với các dao động ngắn hạn của thị trường qua từng phiên mà nên tận dụng các phiên giảm điểm để tích lũy các cổ phiếu có hoạt động kinh doanh ổn định và tăng trưởng.

Duy Hoàng

Các tin tức khác

>   Giai đoạn 2016-2020: Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,5-7% (20/10/2015)

>   Nhập siêu Việt Nam lên 4 tỉ USD (19/10/2015)

>   Chuyên gia ADB đánh giá về kinh tế Việt Nam (16/10/2015)

>   TPHCM cần nhiều đột phá để phát triển bền vững (15/10/2015)

>   Việt Nam đứng ở đâu trong mắt chuyên gia nước ngoài? (14/10/2015)

>   Kỳ họp thứ 10, Quốc hội chưa bàn nợ công 5 năm tới? (14/10/2015)

>   Nỗi lo kinh tế thụt lùi từ một bản báo cáo "nóng" (13/10/2015)

>   “Gia nhập TPP, Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi chứ không hề được lợi” (13/10/2015)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2015 đang trên đà phục hồi tích cực (12/10/2015)

>   CPI tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát (12/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật