Thứ Năm, 15/10/2015 17:28

TPHCM cần nhiều đột phá để phát triển bền vững

Một loạt các đề tài "nóng" được các đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận tổ cũng như tại hội trường trong ngày thứ hai của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020, từ công tác dự báo kinh tế-xã hội, chuyện chống ngập cho đến chuyện phát triển đô thị...

Tránh đầu tư chống ngập không căn cơ!

Theo đại biểu Mai Hồng Quỳ (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM), trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới, TPHCM cần đưa ra những dự báo cụ thể để có giải pháp phù hợp. Chẳng hạn, 5 năm tới dự báo sẽ có bao nhiêu người nhập cư vào thành phố, bao nhiêu khu đô thị vệ tinh sẽ phát triển thêm, và hệ thống giao thông xây dựng ra sao để đáp ứng nhu cầu phát triển. Thậm chí cần dự báo cả việc sẽ có bao nhiêu bệnh nhân từ các tỉnh đổ về thành phố chữa bệnh để xây dựng mạng lưới bệnh viện đồng bộ.

Đại biểu Mai Hồng Quỳ phát biểu tại phiên thảo luận tổ Đại hội Đảng bộ TPHCM sáng nay - Ảnh: Văn Nam

“Nếu TPHCM muốn phát triển thì kiên quyết phải quy hoạch các khu đặc biệt. Chẳng hạn bây giờ chúng ta giải tỏa đưa các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra ngoại thành, 5 năm sau có những doanh nghiệp không gây ô nhiễm đứng ngay kề thì không lẽ lại tiếp tục di dời nữa, không biết đi đâu? Phát triển đồng bộ và bền vững thì phải quy hoạch các khu phát triển thương mại, giáo dục, công nghiệp,… ” bà Quỳ nêu ý kiến và đề nghị TPHCM cần có những dự báo hết sức chi tiết và cụ thể trong định hướng phát triển 5 năm tới.   

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Quân (Quận 4), trong 7 chương trình đột phá mà thành phố đề ra cho 5 năm tới có chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, đề cập đến việc thu hút đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị hiện hữu, có cơ chế chính sách để phát triển các đô thị vệ tinh, đặc biệt có khu đô thị mới Thủ Thiêm về hướng đông, hướng nam có khu đô thị cảng Hiệp Phước trong khi việc phát triển đô thị về khu vực tây bắc của thành phố chưa được quan tâm, còn bỏ ngõ.

Liên quan đến chương trình giảm ngập nước sắp tới, ông Quân nhắc lại cách đây 15 năm khi ông tham gia thiết kế tuyến đường Võ Văn Kiệt, đường Bến Vân Đồn (Quận 4) thì các cơ quan dự báo đỉnh triều chỉ có 1,15 mét  và thiết kế mặt đường Võ Văn Kiệt, đường Bến Vân Đồn cao hơn triều 50 cm. Nhưng hiện nay, đỉnh triều tại trạm Phú An đã lên 1,5 mét, có lúc lên 1,7 mét, cao hơn mức dự báo cách đây 15 năm gần 70 cm, và như vậy thiết kế đường trước đây đã không còn phù hợp.

“Do vậy, theo tôi sắp tới công tác chống ngập phải được dự báo và thực hiện đồng bộ, toàn diện ở các tuyến kênh, rạch ở thành phố bởi riêng đối với quận 4 hàng năm dự trù kinh phí hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng một nhiệm kỳ để chống ngập nhưng chỉ là nâng đường, nâng hẻm, các giải pháp này chỉ mang tính tình thế chứ không phải là giải pháp căn cơ. Nâng đường và nâng hẻm chạy theo triều thì thiệt hại mà nhà nước và người dân gánh chịu sẽ rất lớn,” ông Quân nói.

Chỉnh trang đô thị để có chất lượng sống tốt

Trình bày tham luận về chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị mà TPHCM sẽ thực hiện trong 5 năm tới, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho biết việc chỉnh trang đô thị nhằm tạo ra một thành phố có chất lượng sống tốt. Nội hàm của chỉnh trang phát triển đô thị bao gồm: di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch; xây dựng mới và thay thế chung cư cũ xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng phát triển các khu đô thị mới đồng bộ - văn minh và hiện đại.

Ông Tuấn cho rằng thời gian qua, thành phố đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch, hàng ngàn hộ gia đình sống tại các chung cư cũ hư hỏng xuống cấp, nhiều khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp hẻm, bộ mặt đô thị đã có nhiều đổi thay, không gian đô thị được mở rộng.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho thành phố thời gian tới là làm thế nào để giải quyết gần 20.000 nhà ven kênh rạch, nhiều chung cư hỏng cần sửa chữa xây mới, nhiều khu đô thị hiện hữu cần chỉnh trang, tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị mới còn chậm. Thực tế này đòi hỏi thành phố phải có sự đột phá mới có thể đạt kết quả tốt.

Giải pháp được ông Tuấn nêu ra là thành phố sẽ xây dựng cơ chế xã hội hóa đầu tư để huy động vốn cho các dự án chỉnh trang phát triển đô thị.

Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Trong phần trình bày tại hội trường hôm nay về các giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM trong thời gian tới, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nhấn mạnh sáu giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Các giải pháp gồm nâng cao công tác quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ; chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng để phục vụ sản xuất và thu hút đầu tư; rà soát, điều chỉnh quy hoạch để dành khoảng 500 héc ta đất trong giai đoạn từ nay đến 2020 để thành lập các khu công nghiệp, các trung tâm giao dịch chuyên về công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, TPHCM sẽ xác định sản phẩm tiêu biểu công nghiệp hỗ trợ của thành phố để chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. TPHCM sẽ bình chọn danh mục các sản phẩm này để hướng đến xuất khẩu và phục vụ trong nước…

Đáng chú ý là thành phố sẽ có cơ chế mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thông qua chương trình bù lãi vay cho doanh nghiệp vay vốn, xây dựng cơ sở dữ liệu để giúp doanh nghiệp có thông tin về nguồn cung và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Văn Nam

tbktsg

Các tin tức khác

>   Việt Nam đứng ở đâu trong mắt chuyên gia nước ngoài? (14/10/2015)

>   Kỳ họp thứ 10, Quốc hội chưa bàn nợ công 5 năm tới? (14/10/2015)

>   Nỗi lo kinh tế thụt lùi từ một bản báo cáo "nóng" (13/10/2015)

>   “Gia nhập TPP, Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi chứ không hề được lợi” (13/10/2015)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2015 đang trên đà phục hồi tích cực (12/10/2015)

>   CPI tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát (12/10/2015)

>   Ông Trương Đình Tuyển: “Việt Nam nên bình tĩnh với TPP” (10/10/2015)

>   Năng suất lao động VN: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan (09/10/2015)

>   Kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí 17 thế giới vào năm 2025 (09/10/2015)

>   Trước thềm TPP: Kinh tế Việt Nam học được gì từ 7 năm trong WTO? (08/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật