Thứ Ba, 20/10/2015 16:16

Giai đoạn 2016-2020: Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,5-7%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết như vậy khi trình bày Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2015 và 5 năm 2011-2015, phương hướng hoạt động 5 năm 2016-2020 và báo cáo năm 2016 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20/10.

Về tình hình kinh tế năm 2015, Thủ tướng cho biết nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, với tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,5%, vượt kế hoạch đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) năm nay dự báo chỉ ở mức khoảng 2,5%, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

Có 13 trên 14 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm nay. Duy chỉ có chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, xét trong cả giai đoạn 2011-2015, có 9/26 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88% trong khi kế hoạch đặt ra là 6,5-7%. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP vào năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm dù đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2006-2010 (5,5%) nhưng ước ở mức 5%, không đạt mục tiêu 4,5% đặt ra cho giai đoạn này.

Mặc dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh GDP giai đoạn 2014 - 2015 đã ghi nhận sự phục hồi trở lại. Trên cơ sở các đánh giá và dự báo tổng thể các nhân tố, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt 6,5-7%.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2016 – năm mở đầu cho giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%, lạm phát dưới 5%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP ở mức 4,95%, cán cân tổng thể thặng dư khoảng 7 tỷ USD… qua đó tạo đà cho tăng trưởng cao hơn ở những năm sau.

Quyết liệt tái cơ cấu

Trong báo cáo trình bày, Thủ tướng Chính phủ cho biết hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh trong thời gian qua và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận, hoạt động này còn chậm mà một trong những nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện nhiều mặt còn hạn chế.

Thủ tướng cho biết về phương hướng trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trong đó với tái cơ cấu đầu tư công, ngay trong năm 2016 sẽ tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chất lượng các chương trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang. Đồng thời, ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước, phần còn lại mới bố trí cho các dự án khởi công mới.

Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu DNNN, tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Bán hết phần vốn trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường, sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển.

Tăng cường quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, bố trí đúng cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động và xử lý nghiêm đối với lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện đúng hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Trong tái cơ cấu hệ thống NHTM, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các TCTD, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tập trung tái cơ cấu các NHTMCP yếu kém. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của VAMC. Tăng cường thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật, thao túng, gây hậu quả nghiêm trọng, xử lý nghiêm các sai phạm. Bảo đảm an toàn hệ thống.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống NHTM đã cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu NHTM đạt được kết quả bước đầu, giảm dần số lượng các ngân hàng yếu kém.

Một số ý kiến cho rằng, nợ xấu chưa được xử lý triệt để do công tác xử lý và thu hồi nợ của VAMC chưa thực sự hiệu quả, các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu kể cả những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù nền kinh tế phục hồi, nhưng doanh nghiệp trong nước còn vô cùng khó khăn thì xử lý nợ xấu khó mang lại tính bền vững. Có ý kiến đề nghị đánh giá hoạt động của VAMC và cơ chế, chính sách mua NHTMCP yếu kém với giá 0 đồng phải công khai, minh bạch.

Nguồn: Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.


Đỗ Lê

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Nhập siêu Việt Nam lên 4 tỉ USD (19/10/2015)

>   Chuyên gia ADB đánh giá về kinh tế Việt Nam (16/10/2015)

>   TPHCM cần nhiều đột phá để phát triển bền vững (15/10/2015)

>   Việt Nam đứng ở đâu trong mắt chuyên gia nước ngoài? (14/10/2015)

>   Kỳ họp thứ 10, Quốc hội chưa bàn nợ công 5 năm tới? (14/10/2015)

>   Nỗi lo kinh tế thụt lùi từ một bản báo cáo "nóng" (13/10/2015)

>   “Gia nhập TPP, Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi chứ không hề được lợi” (13/10/2015)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2015 đang trên đà phục hồi tích cực (12/10/2015)

>   CPI tăng thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát (12/10/2015)

>   Ông Trương Đình Tuyển: “Việt Nam nên bình tĩnh với TPP” (10/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật