Thứ Hai, 19/10/2015 13:03

VIC, CVT, PDB và NAF có gì hấp dẫn để đầu tư?

Diễn biến khả quan từ kết quả kinh doanh và những tích cực từ các dự án mới giúp các cổ phiếu như VIC, CVT, PDBNAF tốt hơn trong mắt các chuyên gia.

Nắm giữ VIC trong 3 tháng với vùng giá kỳ vọng 50,000-51,500 đồng/cp

CTCK Maritime (MSI) đưa ra khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup trong thời gian 3 tháng với vùng giá kỳ vọng 50,000-51,500 đồng/cp.

MSI cho biết, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của VIC trong giai đoạn 2011 – 2014 khá ấn tượng, lên 128.8%. Năm 2014, doanh thu đạt mức kỷ lục và tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận 27,724 tỷ đồng. VIC được biết đến với các sản phẩm bất động sản cao cấp như: Hệ thống căn hộ Vinhomes, Chuỗi Resort Vinpearl, Chuỗi Trung tâm thương mại Vincom, Vinmart, Hệ thống bệnh viện VinMec, hệ thống trường học Vinschool.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 12,426 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1,483 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 717 tỷ đồng. Doanh thu từ việc chuyển nhượng bất động sản chủ yếu từ bàn giao các căn hộ còn lại của hai dự án Vinhomes Times City và Vinhomes Royal City. Theo đó, trong quý 2/2015 có tiến độ bán hàng và thu tiền tiến triển rất tốt, khoản tiền ứng trước của khách hàng đạt 18,810 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 7,847 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2014.Doanh thu mảng bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,234 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu VIC, tăng vọt so với mức 422 tỷ đồng trong năm tài chính 2014.

Các dự án Park Hill (Vinhomes Times City giai đoạn 2); Vinhomes Central Park đã thu về một lượng tiền khá lớn từ khách hàng và lượng doanh thu sẽ được ghi nhận vào quý 3 và quý 4/2015. Dự án Vinhomes Nguyễn Chí Thanh được triển khai từ cuối năm 2014 và dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào quý 1/2016, doanh thu dự kiến sẽ được ghi nhận vào các quý tiếp theo.

Ngoài ra, tính đến hết quý 3/2015, VIC vẫn là cổ phiếu có tỷ trọng đầu tư lớn nhất (chiếm 8%) trong danh mục của VNM ETF.

Xem thêm tại đây

PDB: Khả quan nhờ tăng trưởng đột biến năm 2015

CTCK Rồng Việt (VDS) đánh giá khả quan với cổ phiếu PDB của CTCP Pacific Dinco nhờ sự tăng trưởng đột biến trong kết quả kinh doanh năm 2015.

VDS cho biết, PDB là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh bê tông tươi lớn ở khu vực miền Trung với thị trường chính là Đà Nẵng (thị phần 25%) và Quảng Nam (40%). Tuy lịch sử hoạt động chưa dài (8 năm) nhưng PDB đã có nhiều kinh nghiệm ở các dự án lớn của miền Trung như Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2011-2013), sân bay quốc tế Đà Nẵng (lớn thứ 3 cả nước), Cầu Rồng Đà Nẵng (2010-2012)…

Quý 3/2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PDB ước tính lần lượt đạt 88.2 và 7 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 9 tháng, PDB đã hoàn thành 94% kế hoạch doanh thu và vượt khoảng 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2015. Bên cạnh sự hồi phục của hoạt động xây dựng, mức tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh của PDB phần lớn là do việc hợp nhất báo cáo tài chính của CTCP Bê tông Dinco Chu Lai và CTCP Khoáng sản Sơn Phước trong năm 2015.

Đặc biệt, sở hữu tại CTCP Khoáng sản Sơn Phước còn có thể thể giúp PDB chủ động một phần lớn nguyên liệu đá đầu vào với chi phí rẻ hơn khoảng 5-7% so với mua ngoài.

VDS cho biết thêm, PDB mới kí được hợp đồng cung cấp bê tông cho dự án Nhà máy dệt may Panko Tam Thăng (Quảng Nam) với giá trị 35 tỷ đồng. Dự án này sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của PDB từ quý 4/2015. Theo đó, ước tính LNST năm 2015 của PDB vào khoảng 30 tỷ đồng, tương ứng P/E forward khoảng 5.8x, thấp hơn mức trung bình ngành là 9.3x.

Triển vọng năm 2016 được VDS đánh giá tích cực nhờ khối lượng công việc dang dở lên đến 200 tỷ đồng cộng thêm doanh thu mới từ các dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Xem thêm tại đây

Mua CVT với giá mục tiêu 28,100 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC) đưa ra khuyến nghị mua vào cổ phiếu CVT của CTCP CMC với giá mục tiêu 28,100 đồng/cp dựa vào triển vọng tăng trưởng dài hạn do CVT đang có bước chuyển mình đầu tiên trong chiến lược phát triển thành một nhà sản xuất lớn.

VCSC nhìn nhận, CVT có năng lực sản xuất ở mức trung bình. Tuy nhiên, công ty đạt kết quả kinh doanh tốt nhờ lựa chọn phân khúc sản phẩm phù hợp và tối đa công suất. Cụ thể, CVT có hai nhóm sản phẩm chính là gạch ceramic và gạch granite, gồm các loại gạch lát nền, gạch ốp tường, gạch chân tường, gạch viền trang trí. Gạch ceramic là loại gạch truyền thống có kích cỡ nhỏ, giá bán thấp, trong khi các sản phẩm gạch granite có kích cỡ lớn hơn, giá bán cao hơn và hiện cũng được ưa chuộng hơn.

So với các công ty trong ngành, năng lực sản xuất của CVT hiện ở quy mô trung bình. Đến đầu năm 2015, CVT có tổng công suất thiết kế cho 2 nhà máy là 10 triệu m2/năm. Tháng 8 vừa qua, CVT đã nâng tổng công suất sản xuất là 15 triệu m2/năm, trong đó nhà máy CMC1 có công suất 5 triệu m2/năm gạch ceramic, và nhà máy CMC2 hiện có công suất 10 triệu m2/năm gạch granite. Tuy nhiên, do các dây chuyền được khai thác hết công suất nên chi phí khấu hao được tối thiểu hóa cho mỗi đơn vị sản phẩm, dẫn đến lợi thế giá thành sản xuất của CVT thấp hơn so với các công ty khác.

Ngoài vấn đề trên, VCSC đánh giá tích cực CVT nhờ một số yếu tố như tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường phát triển thị phần phía Nam, đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường gạch ốp lát sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự phát triển nhộn nhịp của ngành xây dựng trong nước; tuy nhiên sự cạnh tranh đang diễn ra khá gay gắt. CVT có khả năng vượt kế hoạch sản lượng và doanh thu cho năm 2015.

Xem thêm tại đây

NAF hấp dẫn trong dài hạn

Mặc dù không đánh giá cổ phiếu NAF của CTCP Nafoods Group nhưng VCSC cho rằng cổ phiếu này đang tỏ ra hấp dẫn với các nhà đầu tư dài hạn.

VCSC đưa ra một số yếu tố chính tại NAF như đây là công ty xuất khẩu chanh leo hàng đầu Châu Á và là nhà xuất khẩu quả gấc hàng đầu thế giới; các hiệp định thương mại tự do sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của NAF do giảm thuế nhập khẩu 7-10%; các dự án mở rộng sẽ sớm được thực hiện để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng bao gồm tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu 11% và lợi nhuận ròng sau thuế 26% trong giai đoạn 2015-2019; bắt đầu từ năm 2015, NAF sẽ có doanh thu từ bán cây giống chanh leo được chính NAF tự phát triển, đây là nguồn doanh thu có biên lợi nhuận cao (biên lợi nhuận gộp 50-60%).

Tuy nhiên, do NAF đã có hai đợt phát hành quyền diễn ra trong 12 tháng qua để huy động vốn cho các dự án mở rộng, mà các dự án này chỉ đóng góp lợi nhuận đáng kể từ năm 2017 trở đi, tăng trưởng EPS của NAF sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Vì vậy, trong thời gian một năm tới, định giá của NAF sẽ không thực sự hấp dẫn. Tuy nhiên, với tiềm năng tăng trưởng tốt, NAF có thể là một khoản đầu tư hấp dẫn đối với những nhà đầu tư dài hạn hơn. Đồng thời, có vẻ như NAF cũng có ý định sử dụng nguồn vốn nợ nhiều hơn để tối ưu hóa cơ cấu vốn của công ty.

Xem thêm tại đây

Triệu Linh tổng hợp

-----------------------------------------

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 19-23/10: Mốc 600 điểm và sự phân hóa (18/10/2015)

>   Góc nhìn 16/10: Chờ đợi sự bứt phá (15/10/2015)

>   Góc nhìn 15/10: Vẫn có cơ hội chinh phục mốc 600 (14/10/2015)

>   Góc nhìn 14/10: Giằng co! (13/10/2015)

>   “Gia nhập TPP, Việt Nam có thể gặp nhiều bất lợi chứ không hề được lợi” (13/10/2015)

>   Góc nhìn 13/10: Trụ vững mốc 590 điểm? (12/10/2015)

>   Bất động sản hồi phục, cổ phiếu nào đáng đầu tư? (12/10/2015)

>   Góc nhìn tuần 12-16/10: Chinh phục mốc 600 điểm? (11/10/2015)

>   Góc nhìn 09/10: Tăng điểm nhưng có rung lắc (08/10/2015)

>   Góc nhìn 08/10: TPP hết “thiêng”? (07/10/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật