Góc nhìn 14/10: Giằng co!
Hai chỉ số đã suy giảm kèm theo đó là thanh khoản đi xuống khiến nhìn nhận của các chuyên gia trở nên thận trọng hơn. Theo đó các chuyên gia cho rằng thị trường trong phiên tới có thể sẽ gặp áp lực chốt lời, qua đó đưa diễn biến chung vào trạng thái giằng co.
Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục duy trì
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Nối tiếp sự suy giảm về độ rộng và thanh khoản trong phiên ngày 12/10, thị trường quay lại trạng thái điều chỉnh do sự sụt giảm đồng loạt của các cổ phiếu dẫn dắt thuộc các nhóm dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Với mức tăng tương đối nhanh trong vài phiên vừa qua, kết hợp cùng sự không đồng thuận của dòng tiền tại nhóm các mã vừa và nhỏ, áp lực điều chỉnh tại nhóm các mã bluechips dẫn đầu là khá dễ hiểu khi nhu cầu chốt lời bảo toàn lợi nhuận của các nhà đầu tư ngắn hạn bắt đầu tăng lên. Thanh khoản tiếp tục giảm. Tuy vậy có thể thấy lượng vốn luân chuyển hiện tại vẫn tốt và còn hơi sớm để kết luận dòng vốn đang dần thu hẹp trở lại.
Hiệu ứng tâm lý từ hiệp định TPP đang lắng dịu dần trong khi đó thị trường chưa xuất hiện các thông tin hỗ trợ mới khiến áp lực điều chỉnh chốt lời bắt đầu xuất hiện trong bối cảnh thị trường đang tiến gần tới mốc tâm lý 600 điểm. Áp lực chốt lời có thể sẽ tiếp tục duy trì trong phiên tới. Tuy vậy, điểm quan trọng là cần theo dõi biến động của dòng tiền. Nếu thanh khoản tiếp tục giảm dần theo từng phiên giao dịch, chu trình điều chỉnh mạnh có thể sẽ quay trở lại do tâm lý thận trọng sẽ tăng cao.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư duy trì trạng thái nắm giữ cổ phiếu. Tuy vậy nếu thanh khoản tiếp tục xu hướng giảm dần qua từng phiên, nhà đầu tư nên tiến hành hạ dần tỷ trọng nhằm hạn chế rủi ro điều chỉnh.
Giằng co trong biên độ hẹp
CTCK Vietinbank (CTS): Các cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục có sự phân hóa khiến chỉ số 2 sàn điều chỉnh nhẹ. Áp lực bán gia tăng, nhưng chỉ số VN-Index vẫn duy trì được trên mốc 590 điểm. Ngành bảo hiểm sau nhiều phiên tăng mạnh cũng có sự điều chỉnh nhẹ cùng với nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... Hỗ trợ cho chỉ số phiên 13/10 là VNM, BID... và sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Theo CTS, việc lo ngại về triển vọng của ngành dầu khí khiến nhóm này chịu áp lực giảm điểm mạnh. Bên cạnh đó, biến động tăng trở lại của tỷ giá làm nhà đầu tư bi quan hơn, giao dịch thận trọng hơn.
CTS nhìn nhận, đảo chiều đã xảy ra trên cả 2 sàn, áp lực bán không lớn, song tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khiến thanh khoản sụt giảm. Khả năng chỉ số 2 sàn sẽ tiếp tục giao dịch giằng co tích lũy trong biên độ hẹp.
CTS khuyến nghị nên thận trọng xem xét diễn biến thị trường, tạm thời duy trì trạng thái nắm giữ đối với cổ phiếu tốt. Xem xét giảm tỷ trọng các cổ phiếu đã tăng nóng.
Xuất hiện các nhịp rung lắc trong biên độ rộng
CTCK KIS Việt Nam (KIS): VN-Index đã vượt qua ngưỡng 590 và đang trên xu thế kiểm tra ngưỡng kháng cự mạnh 595-600 trong một vài phiên sắp tới. Dù vậy, lực cầu giá cao đã bắt đầu thận trọng và thanh khoản đã giảm khi các chỉ số xác lập mức cao hơn. Theo đó, KIS cho rằng sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc trong biên độ rộng hơn do làn sóng chốt lời sẽ tăng cường. Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị tăng chốt lời khi các chỉ số tiếp cận các ngưỡng kháng cự nhạy cảm về tâm lý và có thể trở lại vị thế mua nếu thị trường đã trải qua sự điều chỉnh tương đối ở mặt bằng giá hấp dẫn hơn.
Dao động trong biên độ hẹp
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Giảm nhẹ nhưng vẫn mang tính tích cực nhờ vào mức giá đóng cửa thấp hơn mở cửa. Tuy nhiên thanh khoản đang có tín hiệu giảm sút và rõ ràng là nhà đầu tư đã không còn muốn mua đuổi nữa. Họ chốt lời nhưng lại lựa chọn mức giá tốt nhất nên áp lực như thế là vừa đủ. Thị trường đang đi vào xu hướng giao dịch chậm lại là rất rõ ràng nhưng điều này lại đang cho thấy một vấn đề là thông tin TPP đã không còn hấp dẫn.
Thực ra thông tin về hiệp định TPP cho thấy thị trường đang mong chờ nhưng thông tin tích cực như thế nào. Tiếc rằng giai đoạn này điều đó chưa đến trong khi có thể nó sẽ phải đón nhận những tin không vui. Nếu như thông tin về kinh tế Trung quốc có vấn đề, nếu Fed tăng lãi suất... có thể khiến sự phục hồi của TTCK thế giới vừa qua chịu tác động và nó khiến nhà đầu tư trong nước sẽ có phản ứng tiêu cực hơn.
Còn giai đoạn hiện tại, IVS cho rằng một mặt nhà đầu tư vẫn nhìn vào giao dịch của khối ngoại, mặt khác họ cũng chờ đợi mùa báo cáo KQKD quý 3/2015 nên áp lực không nhiều. Thị trường sẽ tiếp tục dao động ở biên độ hẹp và thanh khoản tiếp tục giảm. Sự phân hóa sẽ diễn ra nếu như doanh nghiệp có KQKD tích cực nhưng không duy trì được lâu. Vì thế biến động của từng phiên sẽ không quá lớn nhưng cũng đề phòng việc NĐTNN giảm mua và bán mạnh trở lại. Điều đó có thể sẽ khiến áp lực bán mới thực sự xuất hiện đẩy thị trường suy giảm.
Triệu Linh tổng hợp
|