Góc nhìn tuần 05-09/10: Rủi ro giảm mạnh?
Các chuyên gia cho rằng thị trường khó có thể tăng trong tuần tới, thay vào đó là xu hướng giằng co sẽ tiếp tục. Thậm chí, chỉ số VN-Index có thể đối mặt với rủi ro hình thành xu hướng giảm giá.
Chưa thoát khỏi trạng thái đi ngang
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trong tuần này thị trường xuất hiện khá nhiều các thông tin vĩ mô quan trọng trong và ngoài nước. Tuy nhiên tác động của các thông tin này lên thị trường không tạo sức mạnh giúp cải thiện hoạt động giao động của dòng tiền (xét theo cả chiều tích cực và tiêu cực) do các chỉ số này mang tính trái chiều và không tạo ra sự bất ngờ đối với nhà đầu tư.
Thay vào đó, áp lực bán ròng liên tục của khối ngoại cùng diễn biến rút ròng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi đang tác động không nhỏ tới thị trường trong tuần qua. Trong tháng 9 khối ngoại bán ròng gần 1,000 tỷ đồng – tháng bán ròng mạnh nhất trong năm 2015. Trong khi đó, tại các thị trường chứng khoán trong khu vực, các quỹ nước ngoài đã bán ròng hơn 5.1 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 1999. Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY và khả năng Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất vào cuối năm nay khiến rủi ro nguồn vốn nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi đang hiện hữu.
Trong ngắn hạn thị trường sẽ chưa thoát ra khỏi trạng thái giao dịch tích lũy đi ngang. Sự phân hóa diễn ra không rõ rệt khi áp lực điều chỉnh diễn ra luân phiên và biên độ dao động giá khá hẹp khiến kỳ vọng lợi nhuận tương đối thấp. Theo đó SHS tiếp tục khuyến nghị đứng ngoài tại thời điểm hiện tại, tiếp tục theo dõi những động thái tiếp theo của dòng tiền.
Tích lũy cho một nhịp tăng
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Nhìn về phía trước, thị trường thực sự chưa nhìn rõ một yếu tố tích cực nào đủ hấp dẫn để dòng tiền quay trở lại. Trong khi những thông tin liên quan vừa qua như Bộ Tài chính vay NHNN 30,000 tỷ đồng, hay NHNN phải bán ròng rất nhiều ngoại tệ ra để cân bằng áp lực tỷ giá là những thông tin không tích cực. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm mà Quốc Hội chuẩn bị họp mà thông thường Thị trường không mấy khi tăng ở giai đoạn này. Do đó NĐT dù đã không còn áp lực bán nữa nhưng nhiều người sẽ bắt đầu cảm thấy chán nản, không còn mong muốn giữ cổ phiếu nữa đặc biệt còn đang duy trì tỷ lệ đòn bẩy. Kết hợp với xu hướng giảm điểm của nhóm LargeCap sẽ tạo ra áp lực lên nhóm NĐT này. Vì thế sẽ không loại trừ có thời điểm một số cổ phiếu sẽ tụt giảm sâu và cơ hội cho những NĐT đang cầm tiền chờ đợi. Nhưng đó cũng chưa hẳn là cơ hội để NĐT có được mức lời tốt nhất trong giai đoạn này.
Nhưng nếu như nhìn vào lịch sử tháng 10 có thể coi nó giống như những năm 2012 và 2013. Thị trường đang dần tạo đáy và giao dịch thấp bao trùm nên biến động là không mạnh. Trong khi trên đồ thị, đường MA50 tiếp tục cắm xuống và khả năng xuống dưới đường MA200 là rất khả thi. Nhưng đó cũng có thể coi như thị trường đang được tích lũy cho một nhịp tăng sẽ diễn ra trong 1-2 tháng nữa. Vì thế, những NĐT có thể tận dụng những thông tin tích cực để mua bán ngắn hạn lại có nhiều cơ hội hơn, nhưng rủi ro là song hành. Còn những NĐT kiên nhẫn, IVS cho rằng thị trường còn cần thêm một thời gian ít nhất là 2 tháng tới mới hội tụ đủ những yếu tố cho một đợt tăng mới. Đó sẽ là cơ hội giải ngân tốt nhất trong một năm chờ đợi.
Khả năng giảm mạnh
CTCK Bảo Việt (BVS): Trong giai đoạn chỉ số đi ngang lình xình như hiện nay, sau khi đã kéo tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn, nhà đầu tư nên tạm thời đứng ngoài quan sát thị trường. Các điểm mua trading T+ tỷ trọng thấp hiện được đặt ở vùng từ 555-560 điểm, các điểm mua mới T+3 nên chờ khi VN-Index về lại vùng 540-550 điểm.
Trên đồ thị tuần, quan sát diễn biến không mấy tích cực của đa số các chỉ báo kỹ thuật như MACD, Momentum, ADX, MFI và nhóm chỉ báo dao động (William%R, RSI) khi các chỉ báo này đều đã rơi vào trạng thái suy giảm, khiến khả năng chỉ số có thể phá vỡ kênh giá đi ngang hiện tại và bước vào nhịp giảm điểm mạnh trong thời gian tới.
Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số vẫn được dự báo nằm tại 555-558 điểm đối với VN-Index và quanh 77 điểm đối với HNX-Index trong những phiên đầu tuần tới. Đây tiếp tục được xem là điểm mua trading với tỷ trọng thấp cho các vị thế ngắn hạn.
Nhiều rủi ro hình thành xu hướng giá xuống
CTCK FPT (FPTS): Tuần giao dịch kế tiếp sẽ tiềm ẩn rủi ro hình thành xu hướng giá xuống nếu khu vực hỗ trợ 555 – 560 điểm bị phá vỡ. Do đó, các vị thế ngắn hạn sẽ phải thận trọng với nguy cơ bán tháo tái diễn.
Phương Châu tổng hợp
|