Góc nhìn 01/10: Chờ đợi dòng tiền!
Thị trường tăng điểm nhẹ, nhưng thanh khoản giảm sút, đồng thời, khối ngoại vẫn đang duy trì bán ra trên cả hai sàn. Các chuyên gia cho rằng, thị trường giao dịch yếu không phải do áp lực bán mạnh mà được nhìn nhận do cầu yếu đi nhiều hơn, nhiều khả năng kịch bản này sẽ còn lặp lại trong những phiên tiếp theo.
Rủi ro mạnh nhất trong ngắn hạn đến từ các quỹ đầu tư
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường có phiên giao dịch khá tốt nhìn từ góc độ giá. Sự phục hồi từ nhóm các cổ phiếu bluechip lan tỏa rất nhanh ra toàn thị trường giúp độ rộng thị trường mở rộng tích cực trở lại. Thông tin không mới nhưng phần nào hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư như việc triển khai T+2; các tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán TPP bắt đầu diễn ra từ ngày 30/9 hay những đánh giá tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam của Bloomberg đã giúp dòng tiền hoạt động tích cực hơn và tâm lý chán nản của người cầm cổ giảm bớt. Tuy nhiên có thể thấy chất xúc tác này vẫn chưa đủ để lôi kéo mạnh mẽ trở lại lượng tiền đứng ngoài quay lại với thị trường. Lượng giao dịch trên hai sàn không có nhiều cải thiện, tập trung chủ yếu vào một số mã vừa và nhỏ đã rơi sâu thời gian qua khiến áp lực bán tăng về cuối phiên kéo lùi đà tăng của hai chỉ số.
Có thể thấy tại thời điểm hiện tại thị trường vẫn đang chịu tác động bởi các rủi ro từ bên ngoài liên quan tới tình hình kinh tế Trung Quốc tiếp tục không có những tín hiệu sáng sủa, giá hàng hóa lao dốc và dòng vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khả năng Fed sẽ tiến hành tăng lãi suất trong ngắn hạn. Theo thống kê từ IIF, trong quý 3/2015, giới đầu tư đã rút tới 40 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi. Đây là mức rút ròng mạnh nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu quý 4/2008 với mức bán ròng tổng cộng 105 tỷ USD. Tại Việt Nam, hai quỹ ETFs V.N.M và FTSE cũng đang duy trì trạng thái discount khá mạnh khiến các quỹ này sẽ tiếp tục chịu áp lực rút ròng CCQ tạo ra các đợt bán ròng mạnh tại TTCK VN trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm các cổ phiếu bluechips. Điều này sẽ là rủi ro mạnh nhất tác động tới diễn biến của thị trường trong ngắn hạn.
Xu hướng giao dịch chậm và thấp sẽ còn tiếp tục
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Tháng 9 là tháng giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số VN-Index nhưng mức giảm không nhiều. Đã có sự trấn tính lại của NĐT sau cú giảm mạnh đến từ sự kiện Trung Quốc hạ giá đồng NDT. Biên độ giảm, cây nến giảm theo hình ngôi sao cộng với thanh khoản có xu hướng đi xuống cho thấy một tháng 10 có phần “mềm” hơn. Thực tế thì những gì thị trường thể hiện vừa qua cho thấy thị trường đang nhiều phần có xu hướng tạo đáy nhưng ắt hẳn sẽ không phải là ngưỡng hiện tại. Ở một góc nhìn ngắn hạn hơn thì khả năng sẽ là mốc 530 điểm (tích cực) hoặc xấu hơn là vùng 510-515 điểm. IVS cho rằng nó “mềm” hơn là bởi điểm số có thể giảm do tác động xoay vòng của cổ phiếu lớn nhưng chưa hẳn giá nhiều CP sẽ suy giảm tương đồng. Với góc nhìn như vậy thì một khả năng tháng 10 sẽ được nhìn nhận theo hướng tích lũy và dò đáy. Trong bối cảnh như vậy, thanh khoản và biên độ dao động của giá vẫn sẽ luôn ở mức thấp. Cơ hội sẽ được tạo ra trong một phiên nào đó khiến NĐT bán mạnh cổ phiếu.
Tăng nhẹ ở phiên cuối tháng 9 và như IVS nhận định khoảng GAP nhỏ cũng đã được lấp lại nhanh chóng. Chỉ số suy giảm nhẹ trở lại vào cuối phiên không phải do áp lực bán mạnh mà được nhìn nhận do cầu yếu đi nhiều hơn. Điều này sẽ khiến cho thị trường phiên đầu tiên Tháng 10 không thực sự tốt. Tuy nhiên IVS vẫn cho rằng xu hướng giao dịch chậm và thấp tiếp tục xuyên suốt thời gian tới.
Chưa có tín hiệu lạc quan cho dòng tiền quay trở lại thị trường
CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS): Thị trường tăng nhẹ hôm nay (30/09) sau khi đón nhận vài tin tích cực như giảm quy trình thanh toán T+2 mới công bố hôm qua (29/09) cùng với việc thị trường thế giới có tín hiệu phục hồi. Tuy vậy, chỉ số VN-Index đóng cửa chỉ tăng nhẹ khoảng 1.4 điểm dù thị trường phủ mã xanh chiếm đa số. Phiên sáng thị trường tăng tốt hơn nhưng thanh khoán cũng không cải thiện nhiều và có lẽ đây là nguyên nhân khiến phiên chiều chỉ số suy yếu trở lại.
Phiên tăng điểm hôm nay (30/09) chưa xác định một xu thế tích cực hơn trong thời gian tới. Ngược lại, SBS cảm thấy lo ngại khi thanh khoản vẫn ở mức thấp và chưa có một tín hiệu lạc quan cho dòng tiền quay trở lại thị trường. Vì vậy thị trường có thể tiếp tục trạng thái đi ngang trong xu hướng giảm ít nhất đến tuần sau. Ở giai đoạn này với nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ lệ tiền mặt cao hơn và hạn chế sử dụng margin khi xu hướng thị trường chưa rõ ràng.
Chưa có ngành nào dẫn dắt được thị trường chung
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Thị trường tăng điểm nhẹ, nhưng thanh khoản giảm sút. Đồng thời, khối ngoại vẫn đang duy trì bán ra trên cả hai sàn.
Hiện tại, chưa có ngành nào dẫn dắt được thị trường chung, và cơ hội chỉ xuất hiện tại một số cổ phiếu có câu chuyện hay. Tin tức KQKD quý 3 gần như là tin tốt rõ ràng nhất để giúp sắc xanh quay trở lại, nhưng chỉ là tại một số cổ phiếu. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể tiếp tục nắm giữ danh mục, canh mua tại những phiên giảm ở những cổ phiếu cơ bản và đang được khối ngoại mua vào. Nhà đầu tư thận trọng có thể tạm thời đứng ngoài quan sát thêm.
Minh Tuấn tổng hợp
|