Góc nhìn tuần 28/09 - 02/10: Tích lũy hay bứt phá?
Các chuyên gia cho rằng thị trường có thể vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy trong tuần tới. Tuy nhiên, nếu có một "mồi lửa", xu hướng này có thể sẽ bị thay đổi mạnh.
Chưa có động lực bứt phá ngắn hạn
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trong tuần qua không có nhiều thông tin đặc biệt đủ sức dẫn dắt tâm lý thị trường. Nổi bật nhất là lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số CPI thấp có nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu liên tục điều chỉnh giảm theo diễn biến giá dầu thế giới trong các tháng vừa qua. Ngoài ra, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT hồi đầu tháng 8 cũng là một trong các nguyên nhân giúp giá cả đầu vào của một số mặt hàng giảm qua đó tác động trực tiếp lên diễn biến chỉ số CPI.
Trong ngắn hạn, động lực giúp thị trường bứt phá khỏi vùng tích lũy hiện tại vẫn chưa xuất hiện. Tuy vậy SHS cũng lưu ý hiện tại đang là thời điểm cuối quý 3, thị trường sẽ bắt đầu đón nhận các thông tin kinh tế quan trọng bao gồm tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm; kết quả vòng đàm phán TPP tại Mỹ diễn ra trong ngày 30/9; Thông tư 123 hướng dẫn trình tự, thủ tục doanh nghiệp (DN) thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài chính thức có hiệu lực từ 1/10 tới đây..
Dự kiến sẽ đều là các thông tin hỗ trợ tích cực cho diễn biến thị trường chung. Ngoài ra kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3 cũng sẽ dần được hé lộ tạo nên cú hích ngắn hạn cho các mã liên quan. Chính vì vậy, SHS cho rằng giai đoạn hiện tại thích hợp cho nhà đầu tư kiên trì tích lũy các mã cơ bản tốt, hưởng lợi từ các thông tin vĩ mô hoặc dự kiến sẽ có thông tin tích cực từ KQKD trong quý 3.
Xu hướng tích lũy chưa bị phá vỡ
CTCK VNdirect (VND): Khối lượng giao dịch trong phiên cuối tuấn nằm ở mức thấp nhất trong vòng 6 phiên gần nhất, cộng thêm biên độ giá đóng cửa và mở cửa của VN-Index không thay đổi mặc dù có lúc biến động giảm gần 3 điểm trong phiên. VND đánh giá trạng thái lưỡng lự vẫn được duy trì, và xu hướng tích lũy chưa bị phá vỡ.
Diễn biến phiên giao dịch tiếp tục vẫn cho thấy trạng thái phân vân của nhà đầu tư, cũng như dòng tiền lớn chưa có động lực để nhập cuộc. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có dấu hiệu của việc chốt lợi nhuận nên quan điểm của VND hiện tại là thời gian tích lũy của chỉ số, tham gia thị trường lúc này chỉ nên duy trì tỷ trọng thấp và kỳ vọng mức lợi nhuận mỏng.
Tỷ lệ cổ phiếu/ tiền mặt trong danh mục của chúng tôi 30/70%.
Tín hiệu suy yếu
CTCK Rồng Việt (VDS): Thị trường tăng điểm nhẹ với thanh khoản giảm và biến động trong xu hướng giằng co gần ngưỡng kháng cự. Diễn biến này vẫn cần được theo dõi thêm trong các phiên tới, chờ đợi sự bứt phá rõ ràng hơn.
Các tín hiệu kỹ thuật cũng có sự suy yếu hơn nên nhà đầu tư an toàn cũng có thể chốt lời bớt khi giá cổ phiếu tiến tới vùng kháng cự.
Sẽ có thay đổi mạnh về xu hướng
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Các chỉ số VN-Index và HNX-Index nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi mạnh về xu hướng trong tuần sau, và cần có một tin tức đủ mạnh để đóng vai trò “mồi lửa” cho sự thay đổi này.
Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu vừa phải trong danh mục để có vị thế sẵn trong trường hợp thị trường thay đổi xu hướng, đồng thời có thể mua thêm nếu bùng nổ theo đà. Ngược lại, trong trường hợp diễn biến thị trường xấu hơn kì vọng, nhà đầu tư nên nhanh chóng cắt giảm những khoản lỗ trên 8%.
Phân hóa trong ngắn hạn
CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường tiếp tục được đánh giá có xu hướng giằng co đi kèm phân hóa trong ngắn hạn. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình, không nên đẩy lên mức quá cao. Các hoạt động trading chỉ nên thực hiện với tỷ trọng nhỏ nhằm giảm giá vốn.
Sanh Tín tổng hợp
|