Thứ Tư, 16/09/2015 22:37

BID sẽ ra sao khi đón nhận “cú sốc nhân đôi”?

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, BID đã đón nhận liên tục hai “cú sốc” lớn từ VNM ETF và FTSE khi chính thức bị rút tên khỏi danh mục như thông báo trước đó. Cổ phiếu BID sẽ biến động như thế nào khi mà thông tin này trước đó đóng vai trò dẫn dắt BID lên mức cao nhất từ khi niêm yết.

Theo đó, kể từ khi FTSE và VNM ETF công bố đưa vào rổ danh mục, cổ phiếu BID đã tăng từ mức giá 23,000 đồng lên 28,500 đồng/cp để ghi nhận mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết.

Không chỉ riêng về giá, với sự kỳ vọng cao được nâng đỡ từ dòng vốn ngoại khi được thêm vào hai quỹ ETF, khối lượng giao dịch tại cổ phiếu này cũng gia tăng đột biến. Theo thống kê, chỉ trong vòng 7 phiên từ 07-15/09, tổng khối lượng giao dịch của BID đạt gần 24 triệu đơn vị, trong đó, phiên ngày 15/09 có khối lượng giao dịch của mã này đạt kỷ lục với hơn 9 triệu đơn vị.

Với những diễn biến thông tin tích cực cùng thanh khoản ở mức cao đó, rất nhiều nhà đầu tư khi đó kỳ vọng BID sẽ vượt mốc 30,000 đồng/cp và đây sẽ là trụ mới cho thị trường.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi VNM ETF đã loại BID ra khỏi danh mục vào ngày 15/09 (sau 3 ngày công bố thêm vào).

Việc thay đổi sau khi công bố danh mục của hai quỹ ETF là điều chưa hề có tại Việt Nam khiến thanh khoản ngay lập tức gần như biến mất tại BID trong cả phiên giao dịch 16/09 (khối lượng giao dịch chỉ hơn 130,000 cp) trong khi khối lượng đặt bán lên đến hơn 19 triệu đơn vị. Giá BID cũng không tránh khỏi xu hướng này khi giảm sàn ngay từ khi thị trường mở cửa với dư bán sàn đến cuối phiên vẫn chất đống.

Rõ ràng tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng một cách đáng kể từ lạc quan trở nên bi quan tột độ. Song, câu chuyện có thể chưa dừng lại ở đó khi mới đây nhất, đến lượt FTSE rút BID khỏi FTSE Vietnam Index. Lý do quỹ này đưa ra là tỷ trọng có thể đầu tư của BID được xác định là 5% nên không đủ tiêu chuẩn để được đưa vào danh mục 2 chỉ số của FTSE Vietnam Index Series.

Biến động cổ phiếu BID từ đầu năm 2015

Vì sao BID bị loại?

Đánh giá về nguyên nhân bị loại ra khỏi hai quỹ ETF, nhiều chuyên gia cho rằng là do sai sót trong thống kê của hai ETF này. Cụ thể, do tính toán phần phát hành thêm để hoán đổi với MHB có sai lệch dẫn đến tỷ lệ tự do chuyển nhượng thỏa mãn yêu cầu của hai quỹ. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ này chỉ ở mức dưới 5%, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chí và điều lệ của hai ETF đưa ra nên việc loại ra là hợp lý.

Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn và Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) nhìn nhận ở một góc nhìn khác. Theo đó, việc loại BID dù được hai ETF giải thích là tính sai về mặt số liệu nhưng đây cũng có thể là biện pháp "kỹ thuật" bởi thông thường những việc tính toán danh mục của ETF là do hệ thống điện tử tính toán dựa trên các thuật toán có sẵn và con người ít can thiệp vào việc này nên việc tính sai có khả năng thấp.

Ông Khánh cho rằng, có khả năng ETF có sự biến động về vốn theo hướng bị các nhà đầu tư rút ra khiến họ cần phải thay đổi lại kế hoạch bằng cách giảm mua vào và cách nhanh nhất là loại bỏ những mã chưa đưa vào danh mục. 

Bên cạnh đó cũng có khả năng chiến lược đầu tư của họ thay đổi khi khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối tuần này có thể làm các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi ETF (các quỹ ETF thường được niêm yết ở nước ngoài và chủ yếu ở Mỹ), vì vậy đây có thể xem là động thái của ETF nhằm đảm bảo danh mục của họ ít bị tác động nhất. Ngoài ra việc BID tăng giá quá nhanh có thể làm ảnh hưởng đến việc mua bán mã này bổ sung vào danh mục của họ với các "đối tác".

BID sẽ ra sao sau “sự cố” này?

Như vậy, chỉ trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, lần lượt VNM ETF và FTSE dội hai “gáo nước lạnh” lên BID. Liệu rằng cổ phiếu BID có chịu nổi cú sốc này không?

Theo ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS), BID đã tăng khá cao so với các cổ phiếu cùng ngành trong giai đoạn gần đây, theo đó với thông tin bị loại ra hai ETF cổ phiếu này sẽ có điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn, điểm đỡ gần nhất sẽ là mốc 24,000 đồng/cp và quanh vùng này giá BID sẽ có sự phục hồi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Bình – Trưởng phòng Phân tích CTCK Ngân hàng Đầu tư Việt Nam (IVS) cũng cho rằng, BID sẽ bị bán sàn nhưng tối đa chỉ trong 3 phiên để về mức cân bằng trước khi tăng (vùng 19,000-20,000 đồng/cp).

Cũng nhìn nhận BID sẽ giảm trong ngắn hạn nhưng ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Môi giới và Tư vấn CTCK Vndirect (VND) có nhìn nhận dài hạn hơn khi đánh giá BID là một cổ phiếu tiềm năng và là ngân hàng hàng đầu Việt Nam nên trong trung hạn diễn biến giá sẽ rất tích cực, việc giảm mạnh trong ngắn hạn sẽ là cơ hội để mua vào.

Duy Hoàng

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 17/09: BID tiếp tục là tâm điểm của thị trường! (16/09/2015)

>   Góc nhìn 16/09: Giằng co và tích lũy (15/09/2015)

>   Góc nhìn 15/09: Cơ hội rất thấp (14/09/2015)

>   Cổ phiếu nào có triển vọng kinh doanh đáng để đầu tư? (14/09/2015)

>   Góc nhìn tuần 14/09 - 18/09: Kiểm nghiệm là mốc hỗ trợ 560 điểm (13/09/2015)

>   Góc nhìn 11/09: Giao dịch cầm chừng và phân hóa (10/09/2015)

>   Góc nhìn 10/09: Rung lắc tại ngưỡng kháng cự (09/09/2015)

>   Góc nhìn 09/09: Rủi ro điều chỉnh gia tăng? (08/09/2015)

>   Góc nhìn 08/09: Tiếp tục một nhịp rơi? (07/09/2015)

>   Cổ phiếu nào phù hợp để đầu tư? (07/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật