Góc nhìn 13/1: Điều chỉnh để củng cố mặt bằng giá?
Thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần đã đối diện áp lực chốt lời lớn từ nhóm cổ phiếu tăng mạnh trước đó. Song các chuyên gia nhận định phiên điều chỉnh sẽ là điều tất yếu trong quá trình đi lên nhằm củng cố mặt bằng giá vừa tạo lập.
Sẽ giảm điểm
CTCK Kim Long (KLS): Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index có phiên tăng điểm bứt phá ra khỏi dải trên của Bollinger và hiện đang tiến sát mức kháng cự 575 điểm. Các chỉ báo vẫn đang cho thấy tín hiệu tích cực, MACD và Stochastic hướng lên trong khi bóng bóng ADX cho rằng cường độ tăng đang được mạnh dần.
Tuy nhiên theo quan sát diễn biến giao dịch trong phiên có thể thấy rằng sự tăng điểm không phản ánh được diễn biến phần lớn của các cổ phiếu hiện nay. Nếu sức cầu của một vài cổ phiếu lớn suy giảm, có thể VN-Index sẽ giảm điểm trong phiên giao dịch 13/1.
Lạc quan với xu thế tăng điểm của thị trường
CTCK MB (MBS): Mặc dù chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục giữ được xu hướng tăng điểm đến cuối phiên tuy nhiên tín hiệu điều chỉnh giá tại ngưỡng kháng cự kỹ thuật 580 điểm đang diễn ra ở phần lớn các mã cổ phiếu trong VN30 và HNX-Index. Tuy nhiên về cơ bản, nhịp điều chỉnh kỹ thuật này là bình thường và cần thiết khi thị trường đang bước vào một chu kỳ tăng giá mới hướng lên kháng cự 580-600 điểm.
Về kỹ thuật, việc VN–Index đang tiệm cận lại vùng kháng cự mạnh MA50/MA300 và Fibonacci Retracement 50% tương ứng vùng 570–580 điểm. HNX–Index kiểm nghiệm lại vùng kháng cự gần nhất MA50/MA100 tương ứng vùng 86-87 điểm. Do đó điễn biến điều chỉnh là bình thường khi chỉ số tiệm cận lại các vùng kháng cự này. Hoặc kịch bản điểm số không điều chỉnh, nhưng nhiều mã sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trong 1-2 phiên.
MBS tiếp tục lạc quan với xu thế tăng điểm của thị trường, và cơ hội giải ngân tốt vào các phiên điều chỉnh sắp tới với tỷ trọng danh mục khuyến nghị 70% cổ phiếu và 30% tiền mặt. Một số nhóm cổ phiếu đang chú ý trong nhóm ngành bất động sản, xây dựng – vật liệu (KBC, HLD, CVT, HUT, HAG…), nhóm cổ phiếu cơ bản (HPG, FPT, DRC, GMD, REE…) nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ tỷ giá (PPC, NT2, BCC, HT1…).
Nâng tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh
CTCK FPT (FPTS): Với kỳ báo cáo kết quả kinh doanh đang đến gần cùng xu thế hồi phục được giữ nguyên nhận định lạc quan, FPTS đánh giá các phiên điều chỉnh sẽ là điều tất yếu trong quá trình đi lên nhằm củng cố mặt bằng giá vừa tạo lập. Trong diễn biến hiện tại, sự gia tăng của nhóm trụ cột đã giúp hai sàn tăng tích cực vượt qua các ngưỡng cản quan trọng nên có khả năng thị trường sẽ cần một vài phiên điều chỉnh nhẹ để chờ đợi phản ứng của các cổ phiếu mid-cap và penny.
Theo đó, FPTS vẫn giữ nguyên bậc tăng của các chỉ số, và tiếp tục khuyến nghị NĐT nên tham gia nâng tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh của thị trường chung nếu như sự điều chỉnh này vẫn nằm trên các đường MA22 của mỗi chỉ số.
Đẩy mạnh chốt lời khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Hiệu ứng từ GAS và BID tiếp tục giúp VN-Index tăng điểm phiên thứ 5. Dù vậy, hoạt động chốt lời ngắn hạn trên diện rộng đã diễn ra khiến sắc đỏ hoàn toàn áp đảo trong phiên 12/1. Ngoài ra, tình hình giá dầu thô một lần nữa lao dốc và nằm sâu dưới ngưỡng 50 USD/thùng tiếp tục tạo áp lực lên khả năng phục hồi bền vững của nhóm dầu khí.
Về cơ bản, thị trường đã xác lập mức độ phục hồi đáng kể trong những phiên đầu năm mới nên sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh xen kẽ. Thêm vào đó, mức độ biến động cũng được mở rộng do áp lực chốt lời gia tăng. Theo đó, KIS khuyến nghị NĐT lướt sóng cân nhắc đẩy mạnh chốt lời khi đạt được lợi nhuận kì vọng, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu đã đạt mức tăng giá mạnh vừa qua. Trong khi đó, chiến lược tích lũy thêm cho mục tiêu dài hạn đang mở ra ở các nhịp điều chỉnh.
Quay lại vùng hỗ trợ ngắn hạn 565 – 570
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Sau phiên giao dịch hứng khởi cuối tuần trước, thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần với tâm lý chốt lời ngắn hạn tăng cao tại hầu hết các mã đã có vài phiên tăng mạnh mẽ trước đó. VN-Index dưới lực đỡ của đà tăng trần từ GAS và BID cho ảo giác về đà tăng tiếp tục được giữ vững. Tuy vậy trên thực tế đà điều chỉnh diễn ra khá sâu và trên diện rộng kéo dài trong suốt phiên giao dịch. Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy xuất hiện mạnh mẽ đã đẩy thanh khoản 2 sàn lên mức khá cao cùng xu hướng mua ròng trở lại của khối ngoại sẽ tiếp tục là những động lực tích cực giúp thị trường bứt phá sau các phiên điều chỉnh tích lũy sắp tới.
Xét về yếu tố kỹ thuật, VN-Index cho tín hiệu điều chỉnh khi chạm Channel giảm điểm sau phiên giao dịch 12/1. Nếu test không thành công vùng cản 575 – 580 điểm, nhiều khả năng chỉ số này sẽ quay lại vùng hỗ trợ ngắn hạn 565 – 570 điểm tích lũy trước khi có động lực bật tăng điểm trở lại.
Gia Nguyên tổng hợp
|