Góc nhìn 05/01: Tiếp diễn thế giằng co
Nền tảng của thị trường dường như chưa thật sự vững vàng để nhanh chóng quay lại nhịp bật tăng. Tâm lý chốt lộc đầu năm của dòng tiền đầu cơ và cầu mua vẫn đứng ngoài thị trường chờ đợi ở vùng giá thấp hơn khiến kịch bản thị trường có thể tiếp diễn thế giằng co trong những phiên tới.
Tiếp tục giằng co mạnh
CTCK FPT (FPTS): Sau kỳ nghỉ lễ dài, tâm lý giao dịch của NĐT vẫn còn khá thận trọng đồng thời tâm lý chốt lộc đầu năm phần nào làm giảm nhiệt thị trường khi hai sàn giảm điểm nhẹ và thanh khoản có dấu hiệu yếu đi so với phiên liền trước. Tuy nhiên không quá bi quan, khi khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn và vẫn hướng đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn: HAG, MSN, DPM, GAS, PVS…
Như nhận định trước, VN-Index đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh ở vùng 545 – 547 điểm và HNX-Index gặp ngưỡng ở vùng 83-84 điểm nên khả năng giằng co mạnh của hai chỉ số trong những phiên giao dịch đầu tuần vẫn có thể tiếp tục diễn ra. Trước khi có những dấu hiệu rõ ràng hơn, NĐT có thể cân nhắc giữ nguyên danh mục và tiếp tục theo dõi thị trường.
Cầu mua thực sự vẫn chờ đợi ở vùng giá thấp hơn
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Thị trường đã có một phiên giảm nhẹ trong ngày đầu tiên của năm mới nhưng điều này không đáng lo ngại. Theo quan sát thì lực bán không quá mạnh, có thể vẫn chỉ mang tính chốt lời ngắn hạn hơn là buộc phải bán ra trong khi đó cầu mua vào vẫn duy trì nhịp tích cực vừa phải.
Cầu mua thực sự vẫn chờ đợi ở vùng giá thấp hơn nếu như có một nhịp điều chỉnh mạnh diễn ra hẳn nhiên sẽ đẩy KLGD tăng đột biến. Tuy nhiên việc cả hai chỉ số sụt giảm về cuối phiên cho thấy áp lực sẽ duy trì tiếp tục vào đầu phiên ngày mai. Áp lực này sẽ đẩy chỉ số giảm điểm nhưng cầu mua giá thấp sẽ hỗ trợ thị trường. Và nếu như sự hứng khởi đến sớm hơn thì thị trường sẽ tăng nhẹ trở lại vào cuối phiên ngày mai (06/01).
Giảm điểm và thử thách lại mốc 544
CTCK SaigonBank Berjaya (SBBS): VN-Index giảm 1.18 điểm xuống 544.45 điểm trong phiên vừa qua do chịu áp lực bán mạnh sau khi nó có 2 phiên tăng điểm liên tiếp. Theo đó, VN-Index vẫn trụ ở trên mốc 544 điểm, nhưng khối lượng khớp lệnh trên HOSE lại giảm 14.46% xuống 91.83 triệu đơn vị cho thấy sự thận trọng của NĐT trong việc mua bán.
MACD vẫn đưa ra tín hiệu lạc quan khi dịch chuyển lên mức -9.27. Trong khi đó, Stochastic Oscillator đã bắt đầu đi vào vùng quá mua, trong khi RSI lại cho thấy sự suy yếu của lực cầu. Theo các tín hiệu này, VN-Index có thể sẽ giảm điểm và thử thách lại mốc 544 điểm trong phiên tới. Nếu VN-Index giữ được mốc này, NĐT có thể xem xét tích lũy cổ phiếu.
Rung lắc trong biên độ vừa phải
CTCK KIS Việt Nam (KIS): Thông tin tiêu cực từ giá dầu vẫn có tác động mạnh mẽ lên diễn biến của các chỉ số bất chấp số liệu PMI tháng 12 tích cực khi chỉ số này xác lập mức cao nhất 8 tháng. Sự bất ổn của giá dầu hiện nay cùng với tình trạng thiếu vắng dòng tiền đầu cơ tiếp diễn vẫn đang là thách thức để thị trường lấy lại trạng thái phục hồi bền vững.
Thay vào đó, các chỉ số được kì vọng rung lắc trong biên độ vừa phải đi kèm với hiện tượng phân hóa giữa các nhóm ngành. Chiến lược nắm giữ cho mục tiêu dài hạn vẫn được khuyến khích. Trong khi đó, hoạt động lướt sóng duy trì ở mức thấp với đỏ-mua và xanh-bán, tập trung ở các mã có KQKD quý 4 khả quan.
Rung lắc
CTCK Kim Long (KLS): Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index có dấu hiệu thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn trong khoảng hai tuần trở lại đây. Sự phục hồi vượt lên khỏi đường EMA-13 được cho là tín hiệu tích cực trong thời điểm hiện tại, bên cạnh đó phần lớn các chỉ báo cho rằng đà tăng có thể phát triển, đường xu hướng Heikin Ashi có hai phiên xanh liên tiếp. Tuy nhiên đồ thị hình nến trong phiên 5/1 xuất hiện tín hiệu đảo chiều Bearish Shooting Star, có thể sự rung lắc sẽ diễn ra trong phiên giao dịch ngày mai 06/01.
Gia Nguyên tổng hợp
|