Thứ Tư, 02/10/2013 09:24

VCBS: Kỳ vọng sức cầu tiêu dùng cuối năm

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường VCBS cho rằng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn trong quý 4/2013 nhờ tín hiệu tích cực từ vĩ mô, sức cầu cuối năm được đẩy mạnh giúp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khả quan.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường VCBS

Chúng ta có thể thấy được điều gì qua diễn biến thị trường chứng khoán trong quý 3, thưa ông?

Diễn biến giao dịch trong quý 3 cho thấy thị trường đang trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản có chiều hướng co hẹp, biến động của các chỉ số cũng không lớn. Giai đoạn này, theo tôi, là cần thiết và hợp lý sau giai đoạn tăng điểm mạnh của nửa đầu năm 2013.

Thị trường đã thiếu những thông tin hỗ trợ tiếp theo, hay nói cách khác là một cú hích mới từ phía nền kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động từ những diễn biến xấu trên thế giới như lo ngại từ nền kinh tế Trung Quốc, căng thẳng ở Syria. Ngoài ra, tín hiệu phục hồi tốt từ nền kinh tế Mỹ dẫn đến khả năng FED sẽ rút dần quy mô gói QE3, kéo theo hiện tượng dịch chuyển vốn khỏi các thị trường biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Theo ông giai đoạn tích lũy đã kết thúc chưa? Thị trường sẽ đón nhận xu hướng mới trong quý 4/2013?

Trong quý 4, tôi kỳ vọng thị trường khởi sắc hơn giai đoạn vừa qua và xu hướng tăng điểm nhiều khả năng sẽ chiếm ưu thế. Điều này xuất phát từ dự báo nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt hơn trong thời gian tới.

Về cuối năm, sức cầu thường được cải thiện giúp cho tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc hơn, cùng với đó là chính sách hỗ trợ tăng trưởng từ phía Chính phủ và NHNN dần phát huy. Ngoài ra, những diễn biến trên thị trường thế giới cũng đã thuận lợi hơn như tình hình Syria lắng dịu, nền kinh tế Trung Quốc có những chuyển biến tích cực và FED cũng vừa quyết định duy trì quy mô gói QE3.

Trong quý 3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chịu áp lực rút vốn mạnh của khối ngoại, điều này chủ yếu do ảnh hưởng từ diễn biến trên thị trường thế giới. Trong các tháng cuối năm, tôi cho rằng áp lực này vẫn hiện hữu nhưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, tôi cũng không kỳ vọng vào sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại như trong giai đoạn nửa đầu năm 2013 mặc dù FED vừa quyết định giữ nguyên quy mô gói QE3, từ đó giảm bớt áp lực chuyển dịch vốn ra khỏi các thị trường mới nổi. Theo tôi, khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi những tín hiệu tốt thì việc thu hẹp gói nới lỏng định lượng sớm muộn cũng sẽ xảy ra.

Song, tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nếu so với các thị trường khác trong khu vực. Điều này thể hiện trước hết ở sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô cũng như định hướng chính sách nhất quán của Chính phủ và NHNN trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, P/E của thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức thấp nhất trong khu vực, ngoại trừ Singapore. Dù vậy, tôi đánh giá độ hấp dẫn cũng đã phần nào giảm bớt so với thời điểm cuối năm ngoái khi một mặt bằng giá cổ phiếu cao hơn đã được hình thành sau giai đoạn tăng điểm khá tốt của thị trường trong 6 tháng đầu năm.

Ông có thể nói rõ hơn nhận định của mình về kinh tế vĩ mô hiện tại?

Sự ổn định của nền kinh tế tiếp tục được duy trì và giữ vững. Điều này thể hiện rõ qua diễn biến của lạm phát và tỷ giá trong thời gian qua. Mức tăng CPI của năm nay, theo tôi, nhiều khả năng sẽ vào khoảng 7% như mục tiêu đã đề ra. Sự đột biến của chỉ số này vào tháng 8 và tháng 9 là không đáng lo ngại, chủ yếu là do yếu tố mùa vụ với việc điều chỉnh tăng của một số mặt hàng thiết yếu.

Nền kinh tế vĩ mô cũng đang cho thấy sự phục hồi dần từ vùng đáy nhưng tốc độ phục hồi vẫn khá chậm. Trong những tháng cuối năm, theo yếu tố mùa vụ tôi kỳ vọng cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cải thiện. Sự gia tốc của tăng trưởng tín dụng là cơ sở để thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng GDP trong quý 3 và quý 4.

Đáng lưu ý là vừa qua, FED đã quyết định duy trì quy mô gói QE3, điều này sẽ khiến cho xu hướng tăng của đồng USD so với các đồng tiền khác hạn chế hơn, từ đó áp lực lên tỷ giá của Việt Nam cũng giảm bớt. Đây là một điều kiện thuận lợi để Chính phủ và NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên tôi cho rằng nền kinh tế sẽ khó có sự bứt phá mạnh trong quý 4. GDP quý 3 được kỳ vọng ở mức 5.2-5.3% và sẽ tiếp tục tăng lên trong quý 4, tăng trưởng GDP cả năm nhiều khả năng khoảng 5.3%.

Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn cổ phiếu trong giai đoạn tới?

Với kỳ vọng về sự khởi sắc của thị trường trong quý 4, tôi đánh giá kênh chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn đối với dòng tiền. Tuy nhiên trong đó sự phân hóa sẽ vẫn diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu, phụ thuộc vào nền tảng cơ bản cũng như triển vọng lợi nhuận của chính những cổ phiếu đó. Mặc dù nền kinh tế đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi nhất định nhưng khó khăn thì vẫn còn nhiều.

Do đó, các nhà đầu tư nên dành sự quan tâm đến những doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng chống chịu tốt trong hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt là ở những ngành có triển vọng tốt như hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, cao su săm lốp, dầu khí hóa chất.

Ngoài chứng khoán, theo ông thì nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ kênh đầu tư nào khác nữa không?

Nếu so sánh tương quan giữa triển vọng lợi nhuận và rủi ro thì theo tôi những kênh đầu tư khác sẽ khó có thể hấp dẫn như kênh đầu tư chứng khoán.

Thị trường vàng trong nước hiện nay đã được quản lý khá chặt chẽ, khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp. Tuy nhiên rõ ràng là giá vàng trong nước vẫn sẽ phải phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới. Triển vọng của giá vàng lúc này không thực sự khả quan trước lo ngại kế hoạch thu hẹp gói QE3 có thể sẽ vẫn được tiến hành trong năm nay.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn với thanh khoản thấp. Mặc dù cũng đã có nhiều đề xuất và giải pháp giúp phá băng thị trường, nhưng theo tôi cũng cần có thời gian dài để thấy được kết quả thực sự.

Với kênh tiền gửi tiết kiệm, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2012 xuống mức khoảng 7-8%/năm ở các kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, trong khi mức tăng CPI cả năm cũng đang được dự báo sẽ vào khoảng 7%. Bởi vậy, tôi cho rằng gửi tiết kiệm cũng không phải là một chiến lược tốt với thời điểm hiện tại.

Cám ơn ông!

Mỹ Hà thực hiện

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu tháng 10 (30/09/2013)

>   Góc nhìn 30/09 - 04/10: Tiếp cận “cứ điểm” 500 điểm? (29/09/2013)

>   Góc nhìn 27/09: Tiếp tục điều chỉnh (26/09/2013)

>   BVS: TTCK khó có đột phá trong quý cuối năm (03/10/2013)

>   Góc nhìn 26/09: Điều chỉnh để bứt phá? (25/09/2013)

>   Góc nhìn 25/09: Trở lại đỉnh 513 điểm? (24/09/2013)

>   Chứng khoán MBS: Cân bằng hay đáy kỹ thuật về cuối năm? (04/10/2013)

>   Góc nhìn 24/09: Tăng mạnh nếu vượt 480? (23/09/2013)

>   Maybank Kim Eng: Chứng khoán là kênh đầu tư tối ưu trong quý 4 (25/09/2013)

>   Cổ phiếu nào có tiềm năng lớn? (23/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật