Thứ Năm, 03/10/2013 09:29

BVS: TTCK khó có đột phá trong quý cuối năm

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) cho rằng nền kinh tế vẫn đang đi đúng hướng và theo đó sức khỏe dần được cải thiện. Tuy nhiên, với những rủi ro khách quan còn hiện hữu và bước đi khá chậm của VAMC thì khó có thể kỳ vọng đột phá cho diễn biến thị trường trong quý còn lại của năm.


Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS)

Ông đánh giá thế nào về thị trường chứng khoán trong quý 3 và có nhận định gì cho quý còn lại của năm?

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh kéo dài 6 tháng trước đó, TTCK bước vào nhịp điều chỉnh trong 3 tháng trở lại đây. Có hai nguyên nhân chính: (i) sau giai đoạn tăng nhờ vào yếu tố “kỳ vọng” chính sách vĩ mô, bước sang quý 3/2013 thị trường rơi vào trạng thái bão hòa về mặt thông tin trong khi các chính sách ban hành trước đó lại chưa kịp phản ánh hiệu quả trên thực tế và tiến trình thực hiện còn khá chậm; (ii) những biến động bất lợi mang tính khách quan của TTCK thế giới gây ra hai đợt thoái vốn của khối ngoại trong tháng 6 và tháng 8 vừa qua.

Trong quý 4 tới đây, tôi cho rằng diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố, sự vận hành của công ty quản lý tài sản VAMC sẽ là một mắt xích quan trọng trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và diễn biến khách quan của TTCK thế giới, đặc biệt là nhóm các thị trường mới nổi trong khu vực.

Với những rủi ro khách quan còn hiện hữu và những bước đi còn khá chậm của VAMC, tôi cho rằng khó có thể kỳ vọng một sự đột phá cho thị trường trong quý còn lại của năm. Tuy nhiên, thị trường sẽ vẫn có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu tùy vào tình hình kết quả sản xuất kinh doanh trong hai quý cuối năm. Thị trường chung có thể không tăng trưởng mạnh nhưng sẽ vẫn có một nhóm cổ phiếu tiếp tục đi lên trong trung hạn.

Theo ông dòng tiền nước ngoài sẽ lựa chọn điểm đến nào trong thời gian tới? Liệu Việt Nam có là điểm sáng?

Như đã đề cập ở trên, đây là một yếu tố mang tính khách quan và phụ thuộc khá nhiều vào khả năng FED có thu hẹp và mức độ thu hẹp gói QE3 trong thời gian tới hay không? Với những chuyển biến tích cực của thị trường lao động Mỹ gần đây thì tôi cho rằng rất có khả năng QE3 sẽ bắt đầu được hạn chế từ cuối năm nay. Thông tin này sẽ còn tác động tiêu cực đến diễn biến TTCK của nhóm các nước mới nổi nói chung.

Tuy nhiên nếu so sánh Việt Nam với các thị trường khác trong khu vực thì tôi cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực này sẽ ở một mức độ nhẹ hơn. Những thị trường như Thái Lan, Indonesia, Philippine đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn 4 năm trở lại đây trong khi thị trường Việt Nam lại nằm trong xu hướng sụt giảm mạnh. Theo tính chu kỳ của nền kinh tế, các yếu tố vĩ mô của các quốc gia lân cận đang bắt đầu cho thấy một số tín hiệu bất ổn trong khi nền kinh tế Việt Nam thì ngược lại, bắt đầu được bình ổn. Như vậy, TTCK Việt Nam sẽ vẫn có sức hấp dẫn tương đối so với các thị trường khác trong khu vực trong thời gian tới.

Nhà đầu tư nên phân bổ vốn như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Còn tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro và khẩu vị của từng nhà đầu tư nhưng theo quan điểm của tôi nên phân bổ tối thiểu 50% vốn vào kênh chứng khoán. Sau giai đoạn sụt giảm kéo dài, TTCK Việt Nam đang cho thấy tín hiệu tạo đáy trung dài hạn. Mặc dù sẽ còn biến động trong ngắn hạn nhưng tỷ lệ lợi suất của doanh nghiệp trên giá cổ phiếu đang ở mức cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Và khi tham gia thị trường chứng khoán, tôi cho rằng nắm bắt và hiểu rõ mức độ chấp nhận rủi ro của chính mình sẽ giúp nhà đầu tư có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn các dòng cổ phiếu để đầu tư cũng như quyết định tỷ trọng danh mục tại từng thời điểm.

Việc phân chia danh mục ra làm hai phần, dài hạn mang tính cơ bản và lướt sóng ngắn hạn cũng nên được cân nhắc kỹ lưỡng.

Còn chuyển biến về tình hình kinh tế vĩ mô, ông nhận định thế nào?

Tôi cho rằng những chính sách vĩ mô của Chính phủ và NHNN trong thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả rất đáng ghi nhận đặc biệt ở khía cạnh bình ổn nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất và phản ứng kịp thời đối với biến động của các thị trường vàng, ngoại hối.

Những chuyển biến mang tính tích cực hơn trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tổng cầu của nền kinh tế, thông thường sẽ có độ trễ nhất định, và tiếp nối quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng – đặc biệt là vấn đề nợ xấu, tăng trưởng tín dụng. Mặc dù quá trình thực hiện sẽ còn một số vướng mắc, khó khăn nhưng tôi cho rằng chúng ta đang đi đúng hướng và sức khỏe của cả nền kinh tế sẽ có xu hướng từng bước được cải thiện.

Mỹ Hà thực hiện

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 26/09: Điều chỉnh để bứt phá? (25/09/2013)

>   Góc nhìn 25/09: Trở lại đỉnh 513 điểm? (24/09/2013)

>   Chứng khoán MBS: Cân bằng hay đáy kỹ thuật về cuối năm? (04/10/2013)

>   Góc nhìn 24/09: Tăng mạnh nếu vượt 480? (23/09/2013)

>   Maybank Kim Eng: Chứng khoán là kênh đầu tư tối ưu trong quý 4 (25/09/2013)

>   Cổ phiếu nào có tiềm năng lớn? (23/09/2013)

>   Góc nhìn 23 - 27/09: Tiếp tục đi ngang và tích lũy (22/09/2013)

>   Góc nhìn 20/09: Khó đột biến trong phiên cơ cấu cuối cùng của ETF (19/09/2013)

>   Ông Peter Goodson, Ban cố vấn Mekong Capital: Vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng (19/09/2013)

>   CTCK Saigonbank Berjaya: Khối ngoại không tác động tích cực trong quý 4 (19/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật