CTCK Saigonbank Berjaya: Khối ngoại không tác động tích cực trong quý 4
Đánh giá về tác động của khối ngoại lên thị trường chứng khoán (TTCK), bà Nguyễn Thụy Hoàng Phương, Trưởng phòng nghiên cứu CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) cho biết không kỳ vọng tác động tích cực từ phía khối ngoại trong quý 4 năm nay.
Thời gian gần đây, khối ngoại có động thái bán ròng và ảnh hưởng không nhỏ lên tâm lý thị trường, bà đánh giá như thế nào về hoạt động và mức độ chi phối của họ trên TTCK nước ta?
Khối lượng giao dịch của khối ngoại thường chiếm dưới 15% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường nhưng vì khối ngoại chủ yếu nắm các mã chi phối mạnh chỉ số VN-Index nên việc bán ra của khối ngoại làm ảnh hưởng đến VN-Index và do đó tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Về khối ngoại có thể phân ra thành hai khối, khối ngoại của các quỹ đóng và khối ngoại của các quỹ ETF.
Với việc kết thúc sớm gói nới lỏng định lượng QE3 của Mỹ làm các quỹ đầu tư lần lượt rút vốn bớt khỏi Châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ, thể hiện rõ nhất là việc rút vốn liên tục của hai quỹ ETF đang hoạt động mạnh ở Việt Nam là Market Vector Vietnam ETF và FTSE Vietnam UCITS ETF. Và khối ngoại bán mạnh trong quý 3 vừa qua chủ yếu là do hoạt động rút vốn của hai quỹ này. Hai quỹ này thường bán trực tiếp trong phiên khớp lệnh và hoạt động bán rất dứt khoát.
Bên cạnh đó, các quỹ đóng thành lập tại Việt Nam vào giai đoạn 2007-2008 tiếp tục bị áp lực thoái vốn đóng quỹ trong khi triển vọng lập quỹ mới cũng không mấy sáng sủa. Khác với ETF, các quỹ này nếu có bán thường thực hiện giao dịch thỏa thuận.
Vì vậy, chúng tôi không kỳ vọng tác động tích cực từ phía khối ngoại trong quý 4 năm nay.
Theo bà thì nguyên nhân nào tạo nên xu hướng thị trường trong suốt quý 3/2013?
Thị trường gần như đi ngang trong quý 3 do nhà đầu tư nội đang tận dụng cơ hội giá cổ phiếu rẻ để mua vào nhưng ngược lại khối ngoại thì lại liên tục bán ra, đặc biệt là hai quỹ ETF. Vì vậy thị trường gần như đi ngang và chưa xác định rõ xu hướng.
Chúng ta có thể kỳ vọng về một bước ngoặt mới cho thị trường những tháng còn lại của năm nay không, thưa bà?
Nhìn vào lịch sử trong 3 năm qua, nếu quý 3 thị trường lình xình đi ngang hoặc có khuynh hướng đi xuống thì thị trường bắt đầu tạo đáy tại tháng 11 hoặc tháng 12 và sau đó sẽ phục hồi và đà phục hồi tiếp tục kéo dài đến quý 1 năm sau. Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần dựa vào dữ liệu lịch sử thì chúng ta có thể kỳ vọng diễn biến thị trường sẽ khả quan hơn vào cuối quý 4.
Xét trên khía cạnh vĩ mô, các yếu tố về GDP, lạm phát, lãi suất, tỷ giá dường như đang khá ổn định và nằm trong tầm kiểm soát cũng như trong khoảng dự đoán của giới đầu tư. Vì vậy, thông tin về các yếu tố này không đủ mạnh để tạo nên các đợt sóng cho thị trường.
Hai vấn đề có thể gây nên cú hích cho thị trường có thể là các thông tin về kết thúc vòng đàm phán TPP vào cuối năm nay và các thông tin liên quan đến VAMC.
Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu được thành lập thì được xem đây là thị trường lớn nhất thế giới, gồm 12 nước thành viên, hơn 792 triệu người, đóng góp 40% GDP của thế giới. Việt Nam được đánh giá là thành viên được hưởng lợi nhiều nhất trong TPP. Theo cam kết của các quốc gia đàm phán, sẽ cố gắng vượt qua các rào cản để kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định vào cuối năm nay. Do đó, nếu Việt Nam thành công trong việc ký kết TPP thì đây là một thông tin tích cực cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho thị trường chứng khoán nói riêng.
Tảng băng nợ xấu đã thấy được lối thoát qua hai Thông tư 19 và 20 vừa mới ban hành của NHNN có có hiệu lực từ 15/9/2013. Thông tư 19 ban hành các quy định cụ thể hóa việc mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC, còn Thông tư 20 quy định về việc cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu VAMC.
Theo Thông tư 20, trái phiếu đặc biệt của VAMC được vay tái cấp vốn đến 70% giá trị, mà giá trị trái phiếu lại đúng bằng giá trị sổ sách của khoản nợ xấu, điều này có nghĩa là thông qua công cụ trái phiếu VAMC các ngân hàng có được nguồn tiền bằng 70% giá trị nợ xấu vốn đã đóng băng trong một thời gian dài. Còn Thông tư 19 đã xác định rõ quyền lực đặc biệt của VAMC, trong đó đáng chú ý là đối tượng được xử lý, không những các khoản nợ tín dụng được xử lý mà các trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết và các khoản ủy thác đầu tư cũng nằm trong đối tượng xử lý của VAMC.
Quý 4/2013 sẽ mang lại cơ hội cho nhóm cổ phiếu nào?
Cổ phiếu của những công ty đã thực hiện tái cơ cấu thành công, bán được những khoản đầu tư không hiệu quả và dần thoát lỗ sẽ là những cổ phiếu lý tưởng để đầu tư vì thị giá các cổ phiếu này đang ở mức thấp.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên cẩn trọng với các cổ phiếu trong danh mục của hai quỹ ETF vì rủi ro tiếp tục bán của hai quỹ này vẫn còn cao.
Xin cám ơn bà!
Sanh Tín thực hiện
|