CTCK Quốc tế Hoàng Gia: 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán quý 4
Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS), nhận định sẽ có hai kịch bản cho thị trường chứng khoán trong quý 4/2013 căn cứ trên đánh giá yếu tố chi phối TTCK mạnh nhất là giao dịch của khối ngoại và tác động từ việc rút QE3 của FED.
Ông Nguyễn Hữu Việt, Trưởng phóng Tư vấn đầu tư CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS)
|
Thị trường chứng khoán gần như đi ngang trong biên độ rộng suốt quý 3/2013, theo ông thì yếu tố nào đã tác động lên thị trường trong thời gian qua?
Thị trường đạt đáy về tâm lý nhưng dòng tiền có giới hạn là các nguyên nhân chính khiến thị trường đi ngang suốt quý 3/2013.
Cụ thể, mỗi lần VN-Index về quanh mốc 470, thanh khoản thị trường thường giảm xuống rất thấp. Hiện tượng thanh khoản cạn kiệt xảy ra sau các đợt sụt giảm thường được hiểu rằng cung ngắn hạn đã cạn, đáy tâm lý của thị trường đã tạm thời được thiết lập quanh mốc 470.
Nhưng khi tăng đến 510, lượng cung ngắn hạn tăng lên, tuy nhiên dòng tiền không có sự bứt phá khiến thị trường liên tục thất bại trong việc vượt qua vùng điểm này. Vùng điểm 510 của VN-Index được hiểu là nơi mà tại đó dòng tiền đạt giới hạn và không thể hấp thụ hết lượng cung cổ phiếu.
Sự giới hạn của dòng tiền còn có thể dễ dàng được nhận thấy trong quá trình tăng ngắn hạn của thị trường khi mà thường xuyên ở các nhịp tăng ngắn. Theo thống kê, chỉ có khoảng 30% số lượng cổ phiếu trên hai sàn giao dịch thật sự đem lại cơ hội cho nhà đầu tư.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới dòng tiền vào thị trường trong quý vừa qua là hoạt động giao dịch (bán ròng) của khối ngoại.
Trong hai năm vừa qua, ảnh hưởng của dòng vốn đầu tư nước ngoài lên thị trường chứng khoán Việt Nam rất mạnh. Sự khác biệt giữa VN-Index và HNX-Index, giữa nhóm cổ phiếu Bluechips với nhóm cổ phiếu đầu cơ với sự tham gia chủ yếu của dòng tiền trong nước cũng xuất phát từ dòng vốn này. Có thể thấy, khối ngoại đã liên tục bán ra khi VN-Index ở vùng điểm 510 trong quý 3 vừa qua.
Theo ông thì xu hướng này có lặp lại trong quý cuối của năm nay không? Yếu tố nào sẽ chi phối TTCK trong giai đoạn này?
Trong bối cảnh dòng tiền trong nước vẫn yếu, yếu tố giao dịch nước ngoài sẽ tiếp tục chi phối TTCK trong quý cuối cùng của năm 2013 này. Theo đó, khả năng xu hướng đi ngang của thị trường sẽ được lặp lại, vì chúng tôi quan sát thấy rằng, sau các đợt bán ròng, khối ngoại sẽ không sớm mua ròng trở lại. Quãng nghỉ giữa các chu kỳ mua-bán của khối ngoại thường kéo dài nhiều tháng.
Bên cạnh đó, cũng cần tính tới ảnh hưởng từ việc FED có thể sẽ tung ra công cụ để rút QE3 vào cuối năm. Hoạt động bán của khối ngoại trong quý 3 trên thực tế không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam, các thị trường khác trong khu vực cũng diễn ra hiện tượng tương tự. Nguyên nhân phần nào xuất phát từ động thái nêu trên của FED.
Nếu FED rút QE3 trong quý 4, cũng cần tính tới kịch bản khối ngoại sẽ tiếp tục bán ròng; khi đó một kịch bản xấu hơn có thể xảy ra khiến TTCK Việt Nam thậm chí sẽ rơi vào trạng thái xấu hơn quý 3 – nghĩa là có thể sụt giảm.
Ông có thể đưa ra dự báo cụ thể hơn về biến động chỉ số VN-Index trong 3 tháng cuối năm?
Căn cứ trên đánh giá yếu tố chi phối TTCK mạnh nhất là giao dịch của khối ngoại (và tác động từ việc rút QE3 của FED), có hai kịch bản cho thị trường trong quý tới.
Kịch bản thứ nhất (khả năng xảy ra 40%), việc thanh khoản một lần nữa cạn kiệt khi VN-Index về quanh 470 cho thấy nhà đầu đang sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu tại vùng này (đáy tâm lý). Nhưng do dòng tiền không đủ mạnh, thực tế là đang tiếp tục yếu đi, VN-Index sẽ tiếp tục duy trì sideway trong kênh 470-510.
Kịch bản thứ hai (khả năng xảy ra 60%), hoạt động bán tăng mạnh trở lại (có thể từ khối ngoại khi FED rút QE3), đẩy VN-Index phá vỡ hỗ trợ quanh 470 và hoàn thành mẫu hình Complex Head-Shouldes Top. Ở kịch bản này, VN-Index chuyển từ trạng thái sideway trung hạn sang giảm điểm trung hạn, và lý thuyết mẫu hình giảm giá nêu trên gợi ý VN-Index có thể giảm về mức 420.
Ở cả hai kịch bản này thì NĐT nên lựa chọn cổ phiếu như thế nào để đầu tư?
Trong kịch bản tốt, kịch bản số 1 của thị trường, dòng tiền thông minh sẽ tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4, nhưng có thể thời điểm khó khăn nhất đã ở phía sau, đồng thời cổ phiếu đã giảm giá mạnh xuống các mức thấp – hấp dẫn dòng tiền đầu tư và đầu cơ, cụ thể như nhóm cổ phiếu bất động sản.
Bên cạnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt và quan trọng nhất là chưa bị bão hòa về giá, P/E vẫn ở mức hấp dẫn. Cổ phiếu thuộc nhóm ngành dầu khí đáp ứng được các tiêu chí này.
Nếu kịch bản số 2 xảy ra, chúng tôi cho rằng nên bình tĩnh đứng ngoài thị trường, quan sát chờ các tín hiệu mới, “không nên ra khơi khi ngoài biển có bão”.
Ông có thể chia sẻ mối quan tâm hiện nay của các NĐT kể từ khi hai sàn kéo dài thời gian giao dịch đến 15h cùng ngày?
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của các nhà đầu tư là “làm thế nào để thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên sôi động như giai đoạn 2007 và 2009, chấm dứt tình trạng ảm đạm kéo dài hiện nay” khi mà “kinh tế vĩ mô đang tốt lên”, còn thị trường chứng khoán thế giới thì liên tục tạo những đỉnh mới.
Thời gian qua, Ủy ban chứng khoán cũng đã có những động thái nhất định như việc rút ngắn thời gian thanh toán T+3, kéo dài thời gian giao dịch đến 15h chiều… Ở một góc nhìn gay gắt, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý vẫn thực hiện chưa đủ, những việc như kéo dài thời gian giao dịch đến 15h chỉ càng khiến nhà đầu tư mệt mỏi, khiến thị trường ảm đạm hơn.
Với một góc nhìn điềm tĩnh hơn, cũng có nhiều nhà đầu tư hiểu rằng việc giúp “thị trường trở nên sôi động hơn là do chất lượng thị trường. Trong đó, tính minh bạch và chất lượng cổ phiếu niêm yết được nói tới nhiều nhất khi mà thời gian qua vẫn còn các trường hợp cổ đông nội bộ vi phạm quy chế giao dịch nhưng chế tài xử phạt chưa mạnh tay, hay một vài cổ phiếu mới niêm yết liên tục giảm giá mạnh và có những biến động rất bất thường gây thiệt hại cho các nhà đầu tư tham gia…
Cám ơn ông!
Sanh Tín thực hiện
|