Lựa chọn cổ phiếu đón đầu kết quả kinh doanh quý 3
Các công ty chứng khoán (CTCK) đưa ra những dự báo về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 3/2013. Qua đó, đưa ra khuyến nghị cho quyết định mua bán cổ phiếu nào để đón đầu kết quả này.
VNM: Giữ nguyên giá mục tiêu tại 164,000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo Vinamilk (HOSE: VNM) sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ đưa nhà máy sữa Việt Nam tại Bình Dương vào hoạt động, bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào cuối năm 2017. VNM hiện đang giao dịch ở mức PER là 16 lần EPS dự phóng 2013, VCSC vẫn giữ nguyên mức giá mục tiêu 164,000 đồng/cp.
Theo VCSC, với tổng số vốn đầu tư khoảng 2,400 tỷ đồng, nhà máy của VNM hiện có công suất 400 triệu lít sữa lỏng. Theo thiết kế, công suất của nhà máy sẽ tăng thêm 400 triệu lít, nâng tổng công suất lên 800 triệu lít sữa vào giai đoạn 2.
Ngoài ra, vụ bê bối sữa Fonterra thực sự là cơ hội để VNM tăng thị phần sữa bột. VCSC dự báo doanh thu của Vinamilk sẽ tăng trưởng 24% so với cùng kỳ trong quý 3 và đạt 8,246 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 1,750 tỷ (tăng 25% so với cùng kỳ). Với sữa bột gầy (SMP) đầu vào cho VNM trong quý 4 ở mức 3,500 USD/tấn. Dự báo VNM hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng 20% so với cùng kỳ (7,002 tỷ đồng) cho cả năm 2013.
KDC: Nắm giữ cho mục tiêu trung hạn
CTCK Rồng Việt (VDS) dự báo EPS của cổ phiếu KDC năm 2013 sẽ ở mức 2,824 đồng. Giá trị ước tính KDC khoảng 53,100 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 8,822 tỷ đồng, cao hơn khoảng 8% so với giá hiện tại.
Theo VDS, năm 2013 là năm bước sang giai đoạn tăng trưởng của CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC). Kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2013 dự báo sẽ tăng mạnh nhờ đóng góp của mùa vụ trung thu. Ngoài ra, thông tin tháng 9, KDC tung ra sản phẩm mỳ gói cũng tạo ra sự quan tâm đặc biệt đối với cổ phiếu KDC thời gian gần đây.
Trong dài hạn, VDS dự báo tăng trưởng ngành bánh kẹo khoảng 10% /năm. Song, KDC nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt hơn trung bình ngành nhờ định hướng mở rộng ngành hàng đang thực hiện. Lượng tiền nhàn rỗi lớn giúp KDC chủ động trong việc thực hiện những dự án tăng giá trị cổ phiếu. Ngoài ra với định hướng kinh doanh trung lập, thoái vốn khỏi hoạt động đầu tư ngoài ngành, kỳ vọng chỉ số sinh lợi ROE, ROA của KDC sẽ cải thiện trong những năm tới.
Tuy nhiên, VDS cho rằng mức giá hiện tại của KDC đã phản ảnh đủ giá trị tương ứng triển vọng trong năm nay, vì thế khuyến nghị NĐT nắm giữ KDC cho mục tiêu trung hạn.
>> Xem báo cáo chi tiết
BMP: Kết thúc điều chỉnh
Theo CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh sau giai đoạn điều chỉnh khá mạnh trong nửa cuối tháng 8 đã bắt đầu trở nên ổn định hơn. Đường giá bật tăng từ hỗ trợ mạnh 69,500 – ngưỡng Fibo 38.2% của đoạn tăng trước và cũng là vùng tạo ra các đỉnh đáy trọng điểm trong năm 2013. Phiên hôm nay, đường giá chính thức đóng cửa tạo ra đỉnh liền sau cao hơn, báo hiệu khả năng đã kết thúc điều chỉnh.
Chỉ báo Relative Strength (so với VN-Index) cho thấy BMP đã chuyển từ trạng thái hoạt động yếu hơn thị trường trước đó sang ngang bằng và hiện tại đã bắt đầu mạnh hơn thị trường chung. Trong ngắn hạn, thanh khoản của BMP đặc biệt tăng cao trong các phiên đường giá đi lên (và ngược lại), cho thấy sự chủ động thuộc nhiều hơn về bên mua.
Qua đó, MBKE khuyến nghị NĐT có thể xem xét tích lũy trở lại BMP ở giá hiện, mục tiêu đầu tiên tại 82,500 đồng (+11%), dừng lỗ tại 69,500 đồng (-7%). Tỷ lệ lời/lỗ được xem phù hợp, đặc biệt với các NĐT ưa thích sự an toàn ở giai đoạn hiện nay.
>> Xem báo cáo chi tiết
CSM: Tiếp tục nắm giữ
Đánh giá về hoạt động CTCP CN Cao Su Miền Nam (HOSE: CSM) trong năm 2013, MBKE dự báo doanh thu của CSM đạt 3,252 tỷ đồng (+6.85) và khoảng 308 tỷ đồng lãi ròng (+21%). Lợi nhuận gộp biên 2013 của CSM có thể tăng nhẹ từ 23% năm 2012 lên khoảng trên 24% trong năm nay nhờ giá cao su tự nhiên sụt giảm (chiếm 50% giá thành).
Riêng trong 8 tháng năm 2013, MBKE cho biết CSM đạt 2,079 tỷ đồng doanh thu (trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm 27.9%) và 295 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy CSM đã vượt kế hoạch 275 tỷ lợi nhuận trước thuế được đưa ra từ đầu năm.
MBKE cũng ước tính lợi nhuận của CSM tăng bình quân 12,4%/năm trong giai đoạn 2015-2017. Qua đó, khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu CSM.
PHR: Từ mua xuống nắm giữ
Đối với CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR), MBKE ước tính doanh thu quý 3/2013 của PHR có thể giảm 29% so với năm trước, đạt 461 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ ước tính giảm 8% đạt khoảng 9,200 tấn và ASP giảm khoảng 17%, đạt khoảng 50 triệu đồng/tấn. Dự đoán lợi nhuận gộp biên của PHR cũng sẽ tiếp tục thu hẹp và đứng ở mức thấp. Vì vậy, MBKE ước tính lãi trước thuế của PHR trong quý 3/2013 có thể sẽ sụt giảm khoảng 39.5%, còn khoảng 75 tỷ.
Theo đó, MBKE cũng cắt giảm dự báo lãi ròng 2013 của PHR thêm 12% xuống còn 302 tỷ (-49.8%) do doanh thu dự báo giảm 31%, đạt 1,528 tỷ. Doanh thu khác cũng được dự báo giảm 59% do diện tích thanh lý vườn cây cao su dự kiến giảm một nửa trong năm nay.
Tuy nhiên, MBKE cho rằng PHR sẽ duy trì cổ tức tiền mặt hàng năm ở mức 3,000 đồng/cp (khoảng 210 tỷ đồng/năm), tương ứng với lợi tức cổ tức hấp dẫn khoảng 10.1%. Ước tính với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ròng (sau khi đầu tư tài sản cố định) hàng năm khoảng 200 tỷ đồng và khoản tiền mặt của PHR khoảng 445 tỷ đồng thì công ty hoàn toàn có thể duy trì sự bền vững của mức cổ tức này trong vài năm tới.
Hơn nữa, triển vọng ngành cao su đang khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục trong năm 2014. Vì vậy, MBKE hạ khuyến nghị PHR từ mua sang nắm giữ.
>> Xem báo cáo chi tiết
Sanh Tín
|