Thứ Sáu, 04/10/2013 08:27

Chứng khoán MBS: Cân bằng hay đáy kỹ thuật về cuối năm?

Trao đổi với ông Hoàng Công Tuấn - Chuyên gia Chiến lược thị trường cao cấp CTCP Chứng khoán MB (MBS), ông cho rằng về cuối năm VN-Index vẫn cơ bản xoay quanh vùng cân bằng 490. Tuy nhiên, trong trường hợp NĐTNN tiếp tục rút vốn “shock” khỏi các thị trường và Việt Nam có thể bị rút thêm trên 1,000 tỷ thì khả năng VN-Index sẽ rơi về vùng đáy kỹ thuật 440 điểm.

Chứng khoán vẫn chưa thực sự khởi sắc trong quý 3, theo ông nguyên nhân là do đâu? Xu hướng này có lặp lại trong quý 4 không?

Thị trường chứng khoán đang phản ánh rất rõ nét kỳ vọng của giới đầu tư về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như những tác động thông tin từ thị trường tài chính và chứng khoán thế giới.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam vẫn trong xu hướng hồi phục nhưng diễn ra chậm chạm, PMI tháng 8 mặc dù hồi phục nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn mức dưới 50 (49.4 điểm) cho thấy lĩnh vực sản xuất vẫn chưa thực sự hồi phục ổn định sau 4 tháng giảm liên tiếp.

Sức cầu của nền kinh tế đang khá yếu trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu lại được điều chỉnh tăng giá (điện, gas, nước, xăng..) nên khó phục hồi. Áp lực lạm phát do chi phí đẩy vẫn khá cao khiến nền kinh tế chịu nhiều sức ép. Khả năng tăng trưởng GDP khó có thể đạt mức 5.5% theo kế hoạch của Chính phủ trong năm nay. Trong đó, áp lực lạm phát tăng tốc trở lại trong tháng 8 và tháng 9 do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá của giá điện, viện phí, học phí và giá xăng dầu khiến giới đầu tư giảm kỳ vọng.

Các mức lãi suất điều hành tiếp tục được NHNN giảm mạnh nhưng chưa tác động đáng kể đến tăng trưởng tín dụng do một phần các ngân hàng lo ngại nợ xấu và một phần khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế vẫn khá yếu.

VAMC cuối cùng cũng được thành lập tuy nhiên chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, từng ngân hàng riêng lẻ vẫn đang trong quá trình tự xử lý các khoản nợ xấu của mình theo cách riêng.

Gói 30,000 tỷ giải ngân chậm và kém hiệu quả. Sau hơn 2 tháng triển khai mới chỉ giải ngân cho 208 khách hàng cá nhân với số tiền là 48.92 tỷ đồng, con số quá nhỏ đối với mục tiêu. Rõ ràng việc các dự án có khả năng chuyển đổi sang nhà ở xã hội không nhiều, lượng tồn kho bất động sản (BĐS) chủ yếu ở phân khúc nhà cao cấp do đó không dễ để có thể chuyển đổi và đủ điều kiện vay được vốn từ gói hỗ trợ.

Thị trường BĐS tiếp tục xấu đi. Giá chung cư tại Hà Nội tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, bên cạnh đó, một số dự án lớn đã giảm đến 50% nhưng vẫn chưa thể hút khách. Ngoài ra còn xuất hiện thông tin sốc là việc Hoàng Anh Gia lai tuyên bố rút khỏi thị trường BĐS Việt Nam.

Thứ hai, kết quả kinh doanh quý 2/2013 gần như không có nhiều đột biến nào khi các công ty đầu ngành như VNM, GAS và nhóm công ty sản xuất săm lốp (CSM, DRC…) đều đạt kết quả lợi nhuận khá tích cực trong khi các lĩnh vực như ngân hàng và BĐS đều dưới mức trung bình, trong đó có thêm những doanh nghiệp BĐS hủy niêm yết (NTB, STL…).

Và do đó, kết quả kinh doanh quý 3 có thể cũng không có nhiều sự thay đổi, ngoại trừ các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo (KDC, BBC…) và đồ dùng học tập (SED, DAE, TLG….) có khả năng cải thiện nhẹ về doanh thu nhờ yếu tố mùa vụ.

Thứ ba, hoạt động rút vốn của NĐTNN tại hàng loạt các thị trường như Emerging Market và Frontier Market sau các cú sốc thông tin khi Fed tuyên bố khả năng giảm và dừng gói QE3, bong bóng tín dụng tại Trung Quốc và dấu hiệu bất ổn kinh tế tại một số nước Đông Nam Á. Mặc dù lượng vốn rút khỏi TTCK Việt Nam không nhiều so với các quốc gia cùng khu vực nhưng cũng đủ để tạo ra đợt giảm mạnh trong tháng 6 và tháng 8.

Trong vòng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8/2013), NĐTNN đã rút ròng 2,884 tỷ đồng trên HOSE và là đợt rút vốn mạnh nhất trong hơn một năm trở lại đây. Nhóm cổ phiếu bị bán mạnh nhất theo thứ tự: HAG (-438 tỷ đồng), BVH (-312 tỷ đồng), DPM (-293 tỷ đồng), STB (-278 tỷ đồng), MSN (-190 tỷ đồng)... Lượng mua vào khá khiêm tốn gồm các mã: GAS (195 tỷ đồng), PVD (36.3 tỷ đồng), CSM (32 tỷ đồng)...

Ông kỳ vọng VN-Index sẽ chạm tới mốc nào vào cuối năm nay?

Xét về kênh đầu tư, TTCK vẫn là một kênh hấp dẫn với tính thanh khoản cao hơn so với các kênh khác trong cùng điều kiện. Do đó, dòng vốn vẫn sẽ trong xu hướng chờ đợi cơ hội và chảy vào thị trường khi hội đủ các yếu tố cần thiết.

Bản chất của thị trường trong thời gian qua vẫn phụ thuộc khá lớn vào tín hiệu dẫn dắt của vốn ngoại, những yếu tố tích cực về thông tin kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Thời điểm cuối năm 2013 khả năng mức độ vào/ra của dòng vốn ngoại không lớn, kinh tế hồi phục chậm và các chỉ tiêu chính vẫn không nằm ngoài dự kiến. Sự phân hóa dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu vẫn chủ yếu căn cứ và kết quả kinh doanh. do đó cổ phiếu cơ bản vẫn là điểm đến của dòng vốn đầu tư trong năm nay. Theo đó, thị trường chủ yếu giao dịch đi ngang trong vùng cân bằng 490 (+/-10 điểm) với thanh khoản ở mức khá.

Trong trường hợp NĐTNN tiếp tục rút vốn mạnh khỏi các thị trường và Việt Nam có thể bị rút thêm trên 1,000 tỷ thì khả năng vùng đáy kỹ thuật sẽ rơi về vùng 440 (+/- 10 điểm) . Tuy nhiên với việc FED phát đi tín hiệu có khả năng kéo dài gói QE3 vào tháng 9 thì khả năng này khó diễn ra. Về tổng thể, chúng tôi vẫn cho rằng, về cuối năm VN-Index vẫn cơ bản xoay quanh vùng cân bằng 490.

(Lưu ý: Chúng tôi cho rằng VNindex chỉ xuống mức 440 điểm khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán mạnh ra.)

Xu hướng của dòng tiền nước ngoài vào Việt Nam sẽ ra sao, thưa ông?

Kinh tế Mỹ phục hồi, khả năng quy mô của gói QE3 có thể sẽ giảm dần và kết thúc vào năm sau do đó xu hướng rút vốn khỏi các TTCK mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia của các nhà đầu tư quốc tế có thể tiếp tục diễn ra thời gian tới. Việt Nam là một thị trường sơ khai lại nằm trong khối các nước Đông Nam Á do đó nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi xu hướng này. Một phần dòng tiền đầu tư ngắn hạn (chủ yếu từ các quỹ ETF) nhiều khả năng sẽ rút khỏi Việt Nam. Điều này không xuất phát từ yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam mà đơn giản chỉ là sự tái phân bổ vốn đầu tư của giới đầu tư quốc tế.

Sau một thời gian tăng nóng, các TTCK của các nước mới nổi đang tái định giá. Mức PE trung bình của các thị trường này sụt mạnh. Điều này khiến mức độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam giảm tương đối so với các nước trong khu vực.

Đứng dưới góc nhìn của một công ty chứng khoán, ông có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư trong giai đoạn cuối năm?

Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên tự rà soát lại phương pháp đầu tư của mình, tập trung hơn vào hoạt động phân tích thay vì bị cuốn theo biến động của TTCK. Việc đầu tư theo phong trào, hoặc quá quan tâm đến biến động ngắn hạn của TTCK tỏ ra thiếu hiệu quả trong năm vừa qua và chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Để thành công, các nhà đầu tư nên dành nhiều thời gian quan tâm và tìm hiểu kỹ về các doanh nghiệp mà mình đầu tư, chọn ra các doanh nghiệp tăng trưởng ổn định, sức khỏe tài chính tốt và có khả năng trả cổ tức cao. Các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ giúp các nhà đầu tư thành công trong dài hạn.

Cám ơn ông!

Duy Hoàng thực hiện

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 24/09: Tăng mạnh nếu vượt 480? (23/09/2013)

>   Maybank Kim Eng: Chứng khoán là kênh đầu tư tối ưu trong quý 4 (25/09/2013)

>   Cổ phiếu nào có tiềm năng lớn? (23/09/2013)

>   Góc nhìn 23 - 27/09: Tiếp tục đi ngang và tích lũy (22/09/2013)

>   Góc nhìn 20/09: Khó đột biến trong phiên cơ cấu cuối cùng của ETF (19/09/2013)

>   Ông Peter Goodson, Ban cố vấn Mekong Capital: Vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng (19/09/2013)

>   CTCK Saigonbank Berjaya: Khối ngoại không tác động tích cực trong quý 4 (19/09/2013)

>   Góc nhìn 19/09: Giằng co và giảm điểm (18/09/2013)

>   CTCK Quốc tế Hoàng Gia: 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán quý 4 (18/09/2013)

>   VAFI ủng hộ nới room ngoại lên 60% (18/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật