Thứ Tư, 25/09/2013 09:24

Maybank Kim Eng: Chứng khoán là kênh đầu tư tối ưu trong quý 4

Đánh giá về các kênh đầu tư hiện nay, ông Michael Kokalari – CFA, Giám đốc điều hành bộ phận phân tích CTCK Maybank Kim Eng (Việt Nam) cho rằng chứng khoán là kênh đầu tư tối ưu nhất. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên nghĩ đến chiến lược đầu tư dài hạn khoảng từ 3 – 6 tháng khi tham gia thị trường này thay vì ngắn hạn.

Ông Michael Kokalari – CFA, Giám đốc điều hành bộ phận phân tích CTCK Maybank Kim Eng (Việt Nam)

Ông nhận định thế nào về tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại? Có thể kỳ vọng biến chuyển mang tính tích cực hơn trong thời gian còn lại của năm không?

Nền kinh tế Việt Nam đang dao động quanh vùng đáy trong mô hình phục hồi chữ U do tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay duy trì ở mức thấp 5.6% trong khi tăng trưởng huy động đạt 9.5%. Tăng trưởng dòng vốn FDI cũng như xuất khẩu vẫn còn tích cực và đang lần lượt hướng tới con số 12 tỷ USD và 18% trong năm 2013 dù tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu. Cả hai lĩnh vực này đều được thúc đẩy bởi sự gia tăng của chuỗi giá trị, trong đó điện thoại di động là nhân tố đóng góp chủ lực cho hoạt động xuất khẩu trong năm nay và trên 85% lượng vốn FDI hiện tại đang chảy vào các dự án sản xuất.

Theo quan sát của chúng tôi, nhân tố chính kéo lùi nền kinh tế Việt Nam là cầu nội địa yếu xuất phát từ tăng trưởng tín dụng thấp và niềm tin nghèo nàn. Nhu cầu của nước ngoài duy trì ở mức tương đối tốt bất chấp sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chỉ báo trong nước như sản lượng công nghiệp đang suy yếu với tăng trưởng 8 tháng đầu năm 2013 chỉ ở mức 5.3% so cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 13.5% và chỉ số nhà quản trị mua hàng theo khảo sát của HSBC vẫn nằm dưới ngưỡng 50 trong tháng 8 khi đứng tại 49.4, cao hơn so mức 48.5 trong tháng 7.

Dù vậy, vẫn có hai điểm sáng trong loạt số liệu thống kê kinh tế Việt Nam. Thứ nhất, lạm phát duy trì tại 7.5% trong tháng 8 và nhiều khả năng dừng ở mức 7% vào cuối năm. Thứ hai là thâm hụt thương mại từ đầu năm đến nay duy trì dưới 600 triệu USD do nhập khẩu giảm theo nhu cầu nội địa. Điều này sẽ tác động tích cực đến VNĐ, qua đó thúc đẩy tâm lý trên thị trường chứng khoán. Trong năm nay, thâm hụt thương mại không phải là nhân tố chính tác động đến VNĐ.

Theo ông diễn biến thị trường chứng khoán trong 3 tháng qua thể hiện điều gì? Liệu có sự đột phá nào trong quý còn lại của năm không?

Kể từ tháng 5 đến nay (bao gồm 3 tháng qua), thị trường trong nước đã và đang giao dịch trong biên độ 10%, xuất phát từ nỗi lo sợ mang tính toàn cầu về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm quy mô của gói nới lỏng định lượng QE. Hiện tại, thị trường đang ở đáy của biên độ này với VN-Index khoảng 460 điểm và tại mức này thị trường nhận được hỗ trợ khá mạnh, một phần đến từ hoạt động mua vào của khối ngoại. Yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là hệ số P/E ở mức 12 lần trong năm 2013, tăng trưởng lợi nhuận năm nay kỳ vọng 10-15% và năm 2014 khoảng 15%.

Chúng tôi nhận thấy thị trường không có xu hướng đi xuống kể từ thời điểm này và kỳ vọng tăng khoảng 10-15% trong thời gian còn lại của năm 2013. Trong năm tới, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh nhờ tác động từ 3 nhân tố, đó là vấn đề nợ xấu được giải quyết; 1.4 tỷ USD từ gói hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội và cuối cùng là tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sắp bước vào vận hành, chúng tôi kỳ vọng VAMC sẽ bắt đầu mua nợ xấu một cách nghiêm chỉnh từ đầu năm sau.

Khối ngoại rút ròng khá mạnh trong quý 3, liệu điều này có còn tiếp diễn? Theo ông, TTCK Việt Nam có còn là kênh đầu tư hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực không?

Hoạt động bán của khối ngoại trong một vài tháng qua chủ yếu bắt nguồn từ niềm tin yếu kém của họ đối với thị trường mới nổi. Biểu đồ dòng tiền vào và ra của khối ngoại cho thấy diễn biến khá tương đồng với chỉ số MSCI thị trường mới nổi trong thời gian gần đây. Biểu đồ này, kết hợp với thực tế là hơn một nửa lượng bán của khối ngoại kể từ tháng 5 đến nay là qua hoạt động của 2 quỹ ETF, cho thấy rằng dòng tiền thất thoát gần đây rất nóng và đang chịu sự chi phối của tâm lý trên toàn cầu về gói nới lỏng định lượng QE3. Song chúng tôi nghĩ rằng làn sóng bán ròng sẽ sớm lắng dịu.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của chúng tôi, những nhà đầu tư ngoại có hướng đầu tư nghiêm túc tại Việt Nam sẽ không bán cổ phiếu và đây vẫn là thị trường có sức thu hút, đặc biệt là so với Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Tăng trưởng GDP tại Indonesia đã giảm tốc từ mức 7%/năm xuống dưới 6% khi ngân hàng trung ương nước này buộc phải nâng lãi suất thêm 1.25% trong năm nay để ngăn chặn đà sụt giá mạnh hơn nữa của đồng IDR (lưu ý rằng VNĐ có thể duy trì ở mức ổn định trong thời gian còn lại của năm 2013).

Kinh tế Philippines dường như cũng đang trên đà ổn định hơn, nhưng định giá cổ phiếu ở đây vẫn còn quá cao bất chấp đà bán tháo gần đây. Tại mức đỉnh trong tháng 5, chỉ số chứng khoán của Philippines được giao dịch với P/E 22 lần, và nay hạ xuống còn 17 lần. Tương tự, định giá cổ phiếu ở Thái Lan cũng hơi cao với hệ số P/E 16 lần, và tất nhiên nước này vẫn luôn tiểm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị trong tương lai khi quốc vương qua đời.

Mặc dù trước thời điểm thị trường sụt giảm vào tháng 5, dưới tác động của gói nới lỏng định lượng (QE), nhiều nhà quản lý quỹ cho biết họ bắt đầu nghĩ về việc cắt giảm tỷ trọng đầu tư vào hai thị trường này (do lo ngại về định giá và chính trị) để đầu tư vào Việt Nam. Nhưng sự thật là dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Thái Lan và Philippines cao hơn vào Việt Nam trong một vài năm trở lại đây, điều này giúp Việt Nam ít bị tổn thương bởi một đợt bán tháo bắt nguồn từ gói QE.

Ông đánh giá thế nào về các kênh đầu tư hiện nay? Nhà đầu tư nên gửi tiền vào kênh nào?

Trên thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở thu nhập thấp có vẻ thu hút, với lợi nhuận cho thuê cao vào khoảng 8%/năm, nhu cầu nhà ở gia tăng trong các năm tới do mô hình dân số ở Việt Nam và tất nhiên cả gói hỗ trợ bất động sản của Chính phủ. Điều đó có nghĩa là, một vài mã chứng khoán như NLGBCI, hai công ty tập trung vào thị trường nhà ở thu nhập thấp nhưng giá cổ phiếu thấp hơn đáng kể (từ 20-40%) so với giá trị đất mà họ sở hữu. Do đó, nhà đầu tư có thể mua bất động sản tại mức giá đã giảm, hoặc gián tiếp mua cổ phiếu của công ty. Tôi cho rằng đây là cách tốt hơn để tham gia vào thị trường bất động sản thay vì mua bất động sản. Hơn nữa, giá của căn hộ thu nhập thấp có lẽ không tăng trong 1 hoặc 2 năm tới, nhưng giá của cổ phiếu bất động sản nhiều khả năng đi lên.

Về thị trường chứng khoán, tôi biết rằng người Việt Nam có khuynh hướng xem vàng và bất động sản là hai kênh tiết kiệm, còn thị trường chứng khoán như một trò đỏ đen, nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng chứng khoán là kênh tiết kiệm dài hạn tuyệt vời, đặc biệt là tại nước có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam. Tôi tin rằng các nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có cổ tức cao, định giá thấp và hoạt động kinh doanh tốt giống như FPT, MBBPVD.

Cuối cùng, về vàng, chúng tôi không phải là các chuyên gia về vàng, nhưng sau đà tăng giá mạnh trong các năm gần đây thì thật khó tưởng tượng rằng các nhà đầu tư sẽ kiếm được nhiều tiền nhờ giữ vàng trong 5 năm tới hơn là nắm giữ chứng khoán. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới đã giảm hơn 20% trong năm nay và khoảng cách giữa vàng thế giới với vàng Việt Nam cũng đang thu hẹp đáng kể. Vì vậy chúng tôi nhận thấy giá vàng Việt Nam sẽ có diễn biến tương đối khả quan trong các tháng tới. Ngoài ra, mối lo ngại về việc rút lại gói QE từng làm xói mòn tâm lý đầu tư trên thị trường mới nổi cũng đã làm giảm kỳ vọng về lạm phát toàn cầu. Do ðó, chúng tôi dự báo giá vàng khó phục hồi mạnh trong năm tới, tức chỉ tăng nhẹ vì kim loại này đã bị bán quá mạnh trong năm nay.

Về kênh đầu tư trên thị trường chứng khoán, ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư không?

Tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam quá chú trọng đến đầu tư ngắn hạn, và đó là nguyên nhân khiến họ bỏ lỡ nhiều cơ hội kiếm lời. Bởi vậy, đối với các nhà đầu tư người muốn tham gia thị trường, tôi khuyến nghị nên lựa chọn thời gian đầu tư từ 3 đến 6 tháng thay vì ngắn hạn.

Cám ơn ông!

Mỹ Hà thực hiện

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu nào có tiềm năng lớn? (23/09/2013)

>   Góc nhìn 23 - 27/09: Tiếp tục đi ngang và tích lũy (22/09/2013)

>   Góc nhìn 20/09: Khó đột biến trong phiên cơ cấu cuối cùng của ETF (19/09/2013)

>   Ông Peter Goodson, Ban cố vấn Mekong Capital: Vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ gia tăng (19/09/2013)

>   CTCK Saigonbank Berjaya: Khối ngoại không tác động tích cực trong quý 4 (19/09/2013)

>   Góc nhìn 19/09: Giằng co và giảm điểm (18/09/2013)

>   CTCK Quốc tế Hoàng Gia: 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán quý 4 (18/09/2013)

>   VAFI ủng hộ nới room ngoại lên 60% (18/09/2013)

>   Góc nhìn 18/09: Có thể lướt sóng (17/09/2013)

>   Góc nhìn 17/09: Tiếp tục giằng co (16/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật