Góc nhìn 01/10: Tăng tỷ trọng cổ phiếu
Ở khía cạnh lạc quan, MBKE, MBS cho rằng thị trường đang nằm trong xu hướng tăng giá, ngược lại và FPTS, IVS cho rằng có thể chỉ là nhịp phục hồi kỹ thuật. Tuy nhiên, đa phần đều tư vấn nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Cân nhắc thời điểm lướt sóng
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Theo FPTS quan sát, sự tích cực của thị trường đang xuất phát từ sức cầu khá tốt của nhà đầu tư nội. Giao dịch diễn ra sôi động kèm theo thanh khoản tăng cao cho thấy tâm lý lạc quan tại một bộ phận nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lướt sóng do nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang duy trì diễn biến khá lạc quan trong những phiên vừa qua. Tuy vậy, áp lực bán chốt lời vẫn luôn xuất hiện tại một số thời điểm thị trường tăng mạnh cho thấy tâm lý nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu vẫn còn hoài nghi về khả năng đây chỉ là diễn biến “kéo xả” của thị trường.
Trong vài phiên gần đây, thị trường cũng ghi nhận sự đóng góp đáng kể lực cầu khối ngoại tại một số mã chủ chốt giúp thị trường vượt qua những thời điểm suy yếu tuy nhiên động thái mua ròng này của nhà đầu tư nước ngoài theo FPTS là không thực sự tích cực khi mà việc mua mạnh tại các mã trụ cột rơi vào thời điểm chốt NAV cuối quý của các quỹ. Mặt khác, động lực để thúc đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư vẫn đang xuất phát từ những dự báo lạc quan về kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong quý 3/2013.
Như vậy, có thể thấy rằng là những yếu tố tích cực đủ mạnh để làm cơ sở cho một chu kỳ tăng giá mới vẫn chưa xuất hiện và nhiều khả năng diễn biến gần đây của các chỉ số chỉ là nhịp hồi phục nhẹ trong xu thế đi ngang trung hạn. FPTS giữ quan điểm nên duy trì sự thận trọng nhất định và chờ đợi những tín hiệu mới, tuy nhiên đối với những nhà đầu tư lướt sóng có thể tham gia thị trường tại những thời điểm điều chỉnh giảm, tránh trường hợp mua đuổi giá cao và ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu cơ bản, có kỳ vọng những tháng cuối năm khi mà sự phân hóa đang diễn ra khá mạnh.
Chiều hướng tăng giá
CTCK MayBank Kim Eng (MBKE): Thị trường lên điểm mạnh trong phiên 30/9, có một số nhân tố đằng sau cho phiên tăng giá. Thứ nhất, bài phỏng vấn của Thủ tướng Dũng với Bloomberg cho thấy triển vọng nới room khối ngoại tại các ngân hàng trong nước đang trở nên gần gũi hơn. Trong bài phỏng vấn, thủ tướng cũng cho biết tiền đồng sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 2% trong cuối năm, điều này được kỳ vọng rằng sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Nhiều nhà phân tích cho rằng tiền đồng đang được định giá cao, nhất là sau vài năm lạm phát liên tục ở mức cao.
Nói theo cách kỹ thuật thuần túy, phiên lên điểm có thể chỉ là nhờ thị trường đã lấy được xu hướng tăng do dòng tiền đang trở lại. Quán tính của lực thị trường giúp VN-Index lên mức cao mới và có thể đẩy chỉ số này trở lại mức 510 thiết lập hồi giữa tháng Tám. Tính chung trong cả tháng Chín, VN-Index tăng 4.2%.
Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.5 triệu cổ phiếu trong phiên 30/09, số lượng đáng kể tại các mã DPM, OGC, PVT, VCB. Họ liên tục bán ròng CTG, số lượng lên tới xấp xỉ 2.5 triệu cổ phiếu trong tháng Chín này.
MBKE cho rằng thị trường nằm trong chiều hướng tăng giá. Các nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu cao để tận dụng chiều hướng tăng.
Tiềm ẩn lực bán lớn
CTCP Chứng khoán đầu tư Việt Nam (IVS): Phiên ngày 30/09, tâm lý nhà đấu tư hưng phấn trước hàng loạt thông tin mang tính hỗ trợ. Điều này thể hiện qua việc dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu như IJC, OGC, HDG, DIG,...và nhóm cổ phiếu cơ bản cũng được mua trợ giá khá tốt nhờ lực cầu giá thấp. Khối ngoại tham gia mua vào giúp cho thị trường tốt hơn.
Tuy nhiên qua quan sát thì IVS nhận thấy dường như những nghi ngại với thị trường vẫn còn, điều đó được minh chứng qua thanh khoản của một vài cổ phiếu bất ngờ tăng giá như SSI, SAM... Nó cho thấy bên bán tận dụng cơ hội giá cao đã thực hiện việc bán ra, bởi ở những phiên trước đó thanh khoản là khá thấp. Thị trường kết thúc tháng 9 không thể tốt hơn khi cả 2 chỉ số đã vượt qua những ngưỡng kháng cự quan trọng là 490 điểm với VN-Index và 60.7 điểm với HNX-Index. Và liệu rằng những phiên sắp tới lực cầu có thực sự đủ mạnh và tiếp tục dẫn dắt các dòng tiền khác tham gia.
Với diễn biến như hiện tại, có lẽ cũng khá nhiều nhà đầu tư lại trở nên sốt ruột. Nhưng cho dù thế nào thì nhà đầu tư cần thận trọng và tránh mua đuổi vì thời điểm các doanh nghiệp công bố báo cáo KQKD quý 3 đang đến gần. Những thông tin tiêu cực có thể xuất hiện và sẽ khiến nhiều mã cổ phiếu đầu cơ và tăng mạnh trong thời gian qua sẽ sụt giảm bất cứ lúc nào. Áp lực bán khi đó có thể sẽ tăng lên và ảnh hưởng không nhỏ đến tài khoản của nhà đầu tư. Ngoài ra, các thông tin vĩ mô tích cực trên không còn quá mới mẻ và tác động của chúng đến thị trường sẽ không kéo dài được lâu.
Có thể tăng tỷ trọng nắm giữ
Công ty chứng khoán ACB (ACBS): Xét đến các chỉ số, HNX-Index vượt kháng cự 60.3, nối tiếp breakout của VN-Index vượt 480 tuần trước. Như vậy, breakout hai chỉ số củng cố lẫn nhau và củng cố sự đảo chiều ngắn hạn của thị trường. Theo đó, VN-Index có thể tiếp tục hồi phục về đỉnh 513 trong khi HNX-Index có thể kiểm nghiệm kháng cự mạnh 63-63.3 một lần nữa.
Khối ngoại cũng hỗ trợ tích cực trong phiên 30/09 khi mua ròng 48 tỷ đồng trên HOSE và 3.2 tỷ đồng trên HNX. Tính chung cả tháng 9, khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên HOSE và hơn 200 tỷ đồng trên HNX, kết thúc chuỗi bán ròng 3 tháng trước đó.
ACBS cho rằng nhà đầu tư ngắn và dài hạn có thể gia tăng tỷ trọng trong các phiên tới. Tuy nhiên, về xu hướng thị trường trong vài tháng tới, ACBS duy trì quan điểm thị trường sẽ đi ngang và do đó, nhà đầu tư không cần thiết phải mua bằng mọi giá.
Vẫn thuộc kênh tăng điểm
CTCP Chứng khoán MB (MBS): Phiên ngày 30/09, thị trường đi lên khi cả VN-Index và HN-Index cùng tăng điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình.
VN-Index đã tiếp tục đi lên sau khi có 2 phiên điều chỉnh nhỏ. Với mức thanh khoản thấp trong 2 phiên điều chỉnh, sẽ có những rủi ro nhất định về những phiên điều chỉnh trong thời gian tới. Ngắn hạn, VN-Index vẫn nằm trong kênh tăng điểm.
Mỹ Hà tổng hợp
|