Thứ Sáu, 06/09/2013 10:00

Chứng khoán Tháng 9/2013: Dòng tiền trong nước chống đỡ xu hướng tiêu cực từ khối ngoại?

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, dòng tiền của giới đầu tư trong nước vẫn đang sẵn sàng tham gia thị trường. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp chống đỡ xu hướng tiêu cực có thể được kích hoạt từ giao dịch của khối ngoại.

Tháng 8: Khối ngoại “đại náo” thị trường – Tâm lý bi quan

(1) VN-Index tụt dốc – HNX-Index “đứng yên”. Tính tổng cộng trong tháng 8, VN-Index giảm 3.89% và kết thúc tháng ở mức 472.7 điểm, trong khi HNX-Index chỉ giảm rất nhẹ 0.49% và đứng tại 61.19 điểm.

Các nhóm cổ phiếu phân theo Market Cap đều giảm điểm mạnh trong tháng. VS-Micro Cap giảm mạnh nhất với 6.17%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 5.42%, VS-Large Cap giảm 4.14% và VS-Mid Cap giảm ít nhất với 2.07%.

(2) Dòng tiền bỏ rơi sàn HNX. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tháng 8 trên HOSE đạt hơn 40.3 triệu đơn vị/phiên, tăng 7.4% so với tháng 7. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tiếp tục giảm còn 16.4 triệu đơn vị/phiên, giảm đến 12.6% so với tháng trước.

Giao dịch thị trường đã khởi sắc trở lại nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng. Tuy nhiên, giao dịch trong tháng 8 hầu hết tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi nhóm cổ phiếu đầu cơ bị bỏ rơi. Về cuối tháng, giao dịch ở nhóm cổ phiếu nhỏ có sự hồi phục trở lại với sự trợ lực của dòng tiền đầu cơ và giúp thị trương sôi động hơn.

(3) Giao dịch chứng khoán trong tháng 8 chịu ảnh hưởng của các yếu tố:

Khoảng trống thông tin tích cực chi phối thị trường. Thị trường vẫn có những phiên tăng điểm trong tháng 8. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu khi áp lực chốt lời nhanh chóng trở lại chỉ sau một hai phiên tăng điểm. Điều này xuất phát từ thực tế thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh để duy trì sự hưng phấn, và một mức sinh lời dù nhỏ cũng đủ kích thích giới đầu tư bán ra.

CPI tháng 8 tăng tốc trở lại và gây e ngại. CPI tháng 8/2013 cả nước đã tăng mạnh 0.83% so với tháng trước và đã tăng 7.5% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 8 tăng mạnh do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại TP Hà Nội, việc tăng giá xăng dầu và yếu tố mùa vụ (mùa mưa bão, khai giảng năm học mới).

Lạm phát tháng 8 tăng cao trở lại là điều được dự báo trước, do đó thông tin này không tác động mạnh lên giao dịch thị trường. Tuy nhiên, việc CPI tăng cao đã khiên giới đầu tư tỏ ra lo lắng khi điều này có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại và khiến triển vọng kinh tế vĩ mô thêm phức tạp.

Khối ngoại tiếp tục ”xả hàng”. Khối ngoại duy trì xu hướng đẩy mạnh thoát hàng trong tháng 8, và đích nhắm vẫn là các mã bluechip như VNM, BVH, VCB, CTG, DPR, PPC, STB, VIC... Điều này đã dễ dàng tác động tiêu cực lên chỉ số thị trường và khiến tâm lý giới đầu tư thêm bi quan.

Trong tháng 8, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 884 tỷ đồng, gồm 789 tỷ đồng trên HOSE và 95 tỷ đồng trên HNX.

Lực bán mạnh và liên tục của khối ngoại đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý giới đầu tư trong nước. Tâm lý hoảng loạn đã xuất hiện trở lại trong một số phiên giao dịch. Điểm tích cực đó là tâm lý hoảng loạn này không kéo dài, khi lực cầu bắt đáy nhanh chóng xuất hiện giúp giảm nhẹ ảnh hưởng từ giao dịch khối ngoại.

Tháng 9: Dòng tiền trong nước giúp chống đỡ xu hướng tiêu cực của khối ngoại?

Chúng tôi cho rằng các yếu tố sau đây sẽ chi phối xu hướng của TTCK trong tháng 9/2013.

(1) ETF sẽ giảm ảnh hưởng trong đợt tái cơ cấu tháng 9?  Đến hẹn lại lên, hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF sẽ trở lại trong tháng 9. Theo đó, ngày 06/09, FTSE sẽ thông báo đảo danh mục của các chỉ số thuộc tổ chức này, trong đó có hai chỉ số liên quan đến TTCK Việt Nam là FTSE Vietnam Index và FTSE Vietnam All-Share Index. Một tuần sau (tức vào ngày 13/09), Market Vectors Index Solutions GmbH (MVIS) cũng sẽ thông báo rổ tính mới của Market Vectors Vietnam Index.

Hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF luôn có tác động mạnh mẽ lên giao dịch thị trường, trước các giao dịch đầu cơ của giới đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Trong đợt review tháng 9 này, kịch bản tích cực sẽ khó xảy ra khi:

(i) Lo lắng về việc dòng vốn của các quỹ ETF tiếp tục bị rút ra vẫn đang bao trùm thị trường. Điều này xuất phát từ e ngại về việc gói QE 3 đang có nguy cơ bị đóng lại trong thời gian tới và xu hướng rút vốn đã hiện diện khắp các thị trường mới nổi.

(ii) Giới đầu tư trong nước đã quen dần với hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF. Hoạt động đầu cơ sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng trong bối cảnh tâm trạng lo lắng đang deo bám thì xu hướng đầu cơ này sẽ ngắn hạn hơn và không tác động mạnh lên thị trường.

(2) CPI tháng 9 tiếp tục duy trì ở mức cao? Mùa vụ (mưa bão, khai giảng) sẽ là yếu tố quan trọng tác động lên CPI tháng 9. Trong đó, mảng giáo dục đang là nỗi lo lớn nhất vào thời điểm hiện nay, khi học phí tiếp tục được điều chỉnh tăng vào đầu năm học mới.  Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số giá dịch vụ giáo dục ở vùng nông thôn thành phố sẽ tăng tới 6 lần và thành thị tăng 5 lần sau đợt điều chỉnh học phí lần này.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện trong tháng 8 cũng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên CPI; trong khi giá xăng giảm nhẹ 300 đồng/lít là yếu tố tích cực duy nhất giúp giảm bớt đà tăng của CPI tháng 9 (dù cũng đang chịu áp lực từ những bất ổn tại Trung Đông).

Với những yếu tố trên, CPI tháng 9 được dự báo sẽ duy trì mức tăng cao quanh 1%, và đây tiếp tục là yếu tố bất lợi cho chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại.

(3) Bất ổn Trung Đông và giá dầu. Bất ổn chính trị tại Syria và Trung Đông tiếp tục gia tăng trong những tuần vừa qua, và bắt đầu khiến gia dầu gia tăng mạnh trở lại. Giới đầu tư đang tỏ ra khá lo lắng về việc giá xăng sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới và ảnh hưởng tiêu cực lên lạm phát, chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

(4) Đồn đoán về kết quả kinh doanh quý 3/2013. Những đồn đoán về kết quả kinh doanh quý 3/2013 sẽ bắt đầu trở lại vào cuối tháng 9. Với diễn biến nền kinh tế trong thời gian qua không có nhiều khởi sắc thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý 3/2013 của khối doanh nghiệp niêm yết nhìn chung sẽ không có nhiều đột biến. Có chăng là việc chi phí lãi vay giảm bớt nhờ đợt hạ lãi suất trong thời gian qua sẽ làm dịu tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, đây vẫn là thời gian ưa thích để dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường và đón đầu cơ hội đầu tư ở:

• Các cổ phiếu bluechip: Như thường lệ, đây vẫn là những cổ phiếu được kỳ vọng duy trì một kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh hiện tại.

• Nhóm cổ phiếu mùa vụ: Các nhóm cổ phiếu có tính mùa vụ cao như bánh kẹo (mùa Trung thu), cổ phiếu liên quan đến ngành giáo dục, hay cổ phiếu khoáng sản thường có doanh thu khá tốt trong những quý cuối năm.

• Nhóm cổ phiếu xây dựng có các dự án nhà ở xã hội: Gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản đã được triển khai, nhưng được đánh giá là khá chậm và nhiều khả năng sẽ chưa phát huy được hiệu quả. 

Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh ở các doanh nghiệp xây dựng (đặc biệt là doanh nghiệp có dự án đã được chấp thuận hỗ trợ) sẽ có diễn biến khả quan hơn, nhờ giảm được chi phí lãi vay và có cơ hội triển khai một số dự án còn đang dở dang.

• Nhóm cổ phiếu dầu khí: Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh nổi bật trong quý 3/2013, khi nhu cầu sử dụng vẫn đang tiếp tục gia tăng ổn định và giá các sản phẩm từ dầu khi cũng đã gia tăng trong thời gian qua.

(5) Xu hướng rút vốn của khối ngoại. Hiện tại, xu hướng rút vốn của khối ngoại đang là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Xu hướng này bắt nguồn tự khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm QE3 và những bất ổn tại Trung Đông khiến dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi các quốc gia đang phát triển.

Kỳ vọng của thị trường đang dồn vào dòng tiền của nhà đầu tư trong nước và các định chế đầu tư đã hiện diện lâu năm ở Việt Nam. Điểm đáng để ý là dòng tiền trong nước hiện vẫn đang tỏ ra khá tích cực trong việc bắt đáy mỗi khi thị trường sụt giảm sâu trước lực xả hàng mạnh từ khối ngoại. Có lẽ dòng tiền trong nước sẽ đóng vai trò ”giữ neo” trong khi khối ngoại sẽ là kích hoạt thị trường.

Phân tích kỹ thuật: VN-Index – SMA 200 là tâm điểm chiến lược. Thị trường trong tháng 8 vừa qua giao dịch khá căng thẳng và bất ngờ với hầu hết các phiên giao dịch đều biến động khá mạnh.

Các mẫu hình nến có bóng mờ (shadow) dài như Spinning Top, Hammer... xuất hiện liên tiếp cho thấy tâm lý nhà đầu tư trên thị trường đang giằng co rất mạnh trong bối cảnh vùng 480 – 490 điểm, SMA 100 và Fibonacci Retracement 23.6% đều đã bị phá vỡ hoàn toàn.

Đường SMA 200 (tương đương vùng 467-472 điểm) sẽ là tâm điểm chiến lược của VN-Index. Nếu VN-Index vẫn duy trì bên trên ngưỡng này trong thời gian tới thì xu hướng tăng trưởng sẽ được giữ vững.

Thanh khoản đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trở lại nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Khối lượng khớp lệnh vượt lên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 41 triệu đơn vị/phiên) cho thấy lực cầu đang tăng trở lại khi mà nhiều mã cổ phiếu đã rơi về vùng thấp.

Khối ngoại cũng có dấu hiệu ngưng bán ròng mạnh. Đường EMA 5 ngày của chỉ số NetValForHOSE(*) đang trong quá trình hồi phục nhẹ. Nếu đường này vượt lên trên mức 0 trong các phiên tới thì VN-Index có thể phục hồi trong ngắn hạn.

(*) NetValForHOSE: Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HOSE

HNX-Index – Ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% đã bị thủng. Hầu hết các chỉ báo thuộc nhóm momentum của HNX-Index đều đã rơi về gần vùng oversold nên khả năng tiếp tục giảm mạnh không nhiều.

Lực cầu bắt đáy vẫn chưa hoạt động mạnh khi mà khối lượng khớp lệnh vẫn chưa vượt lên trên mốc bình quân 20 phiên gần nhất (tương đương 17 triệu đơn vị) dù HNX-Index đã giảm khá sâu.

Các ngưỡng kháng cự bên trên HNX-Index khá nhiều bao gồm: trendline ngắn hạn, ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% và nhóm MA (bao gồm SMA 100, EMA 10 và EMA 20) nên khả năng có phục hồi mạnh không lớn.

Theo báo hiệu của nhóm Market Strength thì bên bán vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường. Điều này thể hiện qua việc EMA 5 ngày của VS-Arms HNX duy trì trên 1.2.

Nếu kịch bản HNX-Index tiếp tục lao dốc xảy ra thì vùng 57 – 59 điểm với sự hiện diện của Fibonacci Retracement 61.8% sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Mỹ Hà ghi

infonet

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Tháng 8/2013: “Hồi hộp” đối mặt với khoảng trống thông tin tích cực! (06/08/2013)

>   Chứng khoán Tháng 7/2013: Không nên nhảy vào cổ phiếu ngân hàng? (09/07/2013)

>   Chứng khoán Tháng 5/2013: Niềm tin chính sách vĩ mô cần phải trở lại (14/05/2013)

>   Chứng khoán Tháng 4/2013: Cũng vui được... “một vài trống canh”? (08/04/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 18 - 22/03: Vẫn đang “rối” với vàng phi SJC và vàng SJC (17/03/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 11 - 15/03: Trái chiều kỳ vọng con số nợ xấu! (10/03/2013)

>   Kênh đầu tư Tháng 3/2013: Giá vàng sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp  (12/03/2013)

>   Kênh đầu tư Tháng 03/2013: Chứng khoán ngóng chờ thành lập công ty quản lý khai thác tài sản (VAMC) (11/03/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 04 - 08/03: Thị trường vàng: “Cuộc chơi” có công bằng? (03/03/2013)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 25/02 - 01/03: Tin tốt cho thị trường bất động sản bắt đầu “lộ diện”! (24/02/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật