Kinh tế Vĩ mô Tuần 04 - 08/03: Thị trường vàng: “Cuộc chơi” có công bằng?
Đã xuất hiện một số nhóm được hưởng lợi từ các chính sách của NHNN trên thị trường vàng. Việc kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới không phải là nhiệm vụ quá khó khăn, nhưng rõ ràng là không hề dễ để đảm bảo “cuộc chơi” được công bằng.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Thị trường vàng: “Cuộc chơi” có công bằng?
Chưa tìm được “điểm đỗ” thích hợp, giá vàng miếng SJC tiếp tục biến động khôn lường bất chấp đà giảm mạnh của giá vàng thế giới. Hiện chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đang được nới rộng ra khoảng 3.5 – 4 triệu đồng/lượng.
Với mong muốn dẹp bỏ tín hiệu nhiễu, NHNN đã đánh tiếng về việc sớm tham gia quản lý trên thị trường vàng. Cụ thể, ngày 26/02, NHNN và công ty SJC đã ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng lấy từ nguồn vàng nguyên liệu của NHNN. Bên cạnh đó, từ ngày 01/03, NHNN sẽ bắt đầu thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC công khai.
Đón nhận những thông tin này, giá vàng miếng SJC nhanh chóng hạ nhiệt và có thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước – nước ngoài chỉ còn khoảng 2.5 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, lực cầu mạnh nhanh chóng đẩy giá vàng tăng trở lại, và nới rộng mức chênh lệch.
Nhớ lại khoảng thời gian sau ngày 10/01 - khi toàn bộ hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức hoạt động, giá vàng miếng SJC cũng giảm đáng kể và mức chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới được thu hẹp chỉ còn quanh khoảng 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khoảng cách này cũng nhanh chóng được mở rộng ra thời gian sau đó.
Hẳn phải có một lực cầu khá mạnh để đẩy giá vàng tăng lên sau khi tạo đáy? Tuy nhiên, theo nguồn thông tin báo chí, lực thu mua vàng miếng từ dân không có nhiều dấu hiệu bất thường, mà chủ yếu đến từ các ngân hàng.
Như vậy, đã xuất hiện một số nhóm được hưởng lợi từ các chính sách của NHNN trên thị trường vàng. Việc kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới không phải là nhiệm vụ quá khó khăn, nhưng rõ ràng là không hề dễ để đảm bảo “cuộc chơi” được công bằng.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC, THẾ GIỚI NỔI BẬT
• Thông tin từ phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện ở mức 6% tổng dư nợ, giảm đáng kể so với mức hơn 8% được công bố hồi giữa năm ngoái.
• Trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngay trong quý 1/2013 phải quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, có biện pháp ổn định tỷ giá, tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất cho vay phù hợp...
• Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
• Theo Bộ Tài chính, mức chênh lệch giữa giá cơ sở bình quân 30 ngày từ 27/1 đến 25/2 với giá bán hiện hành của mặt hàng xăng RON 92 đã lên tới hơn 2,300 đồng. Trong khi đó, mức chênh này với dầu diesel là 1,133 đồng; với dầu hỏa và dầu madut, giá bán hiện hành cũng đang thấp hơn giá cơ sở từ 986 đồng tới hơn 1,400 đồng.
Tuy nhiên, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết định tiếp tục giữ nguyên giá xăng, dầu.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức (300 đồng/lít,kg) đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng quyết định tăng gấp đôi mức trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng và dầu diesel.
• Báo cáo mới nhất về chỉ số PMI™ ngành Sản xuất Việt Nam do Ngân hàng HSBC thực hiện cho thấy chỉ số này đã giảm trở lại trong tháng 2, xuống còn 48.3 điểm. Mặc dù tốc độ suy giảm chỉ số PMI là vừa phải nhưng cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.
Bên cạnh đó, với tình trạng giá cả đầu vào tăng và lạm phát cơ bản vẫn leo thang, HSBC dự báo NHNN còn có rất ít khả năng để giảm lãi suất như mong muốn.
• Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung hai tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 20,118 tỷ đồng, bằng 10.5% kế hoạch năm và giảm 8.1% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 3,823 tỷ đồng, bằng 8.1% kế hoạch năm và giảm 29.9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 16,295 tỷ đồng, bằng 11.3% kế hoạch năm và giảm 0.8% so với cùng kỳ năm 2012.
Ngoài ra, từ đầu năm đến 20/02/2013, tổng vốn FDI cấp mới và tăng vốn đạt 630.3 triệu USD, bằng 38.1% cùng kỳ năm 2012. Vốn FDI thực hiện hai tháng đầu năm ước tính đạt 1,050 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012.
• Theo Bộ Tài chính, trong hai tháng đầu năm 2013, thu ngân sách Nhà nước đạt 114,800 tỷ đồng, bằng 14.1% dự toán và giảm 1.9% so với cùng kỳ 2012.
Trong đó, nguồn thu nội địa chỉ đạt 80,000 tỷ đồng, bằng 14.7% dự toán và giảm 1.5% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, việc gia hạn thuế cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.
• Ngày 28/02, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, quy mô tài sản của VDB đến năm 2020 đạt khoảng 500,000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2013-2020 bình quân khoảng 10%/năm.
Điểm mới về công tác quản trị ở VDB là được thực hiện hoạt động theo cả Luật ngân sách nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.
• Ngày 01/03, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 04/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động chiết khấu công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.
• Theo thông tin từ NHNN, có 4 NHTM cổ phần DongABank, STB, Techcombank, VietABank được NHNN ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu vàng theo hình thức tạm nhập tái xuất với tổng khối lượng được ủy thác nhập khẩu tối đa 11.5 tấn và tổng khối lượng ủy thác xuất khẩu tối đa cũng là 11.5 tấn.
• Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng Viện Mỹ tại Washington, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - Ben Bernanke đã bảo vệ chương trình mua lại tài sản (QE3) của cơ quan này. Ông cho biết QE3 đang hỗ trợ tăng trưởng và chỉ gây rất ít rủi ro lạm phát hay bong bóng tài sản.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|