Kênh đầu tư tháng 2/2013: Vàng sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang – tích lũy?
Phân tích các dữ kiện cho thấy nhiều khả năng giá vàng trong tháng 2/2013 sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang – tích lũy.
* Kênh đầu tư tháng 02/2013: Khối ngoại tiếp tục “đổ bộ” vào chứng khoán Việt Nam?
Tháng 1/2013: Giá vàng chỉ biến động nhẹ
Xu hướng chính của giá vàng trong tháng 1/2013 vẫn là đi ngang và biến động nhẹ không đáng kể.
(i) Giai đoạn 01/01 – 22/01: Sau một vài phiên biến động mạnh đầu năm, giá vàng thế giới túc tắc đi lên đến gần ngưỡng 1,700 USD/ounce; tức tăng 1.05%.
(ii) Giai đoạn 23/01 – 31/01: Không thể vượt qua được ngưỡng 1,700 USD/ounce, giá vàng lại đảo chiều đi xuống; và tính đến thời điểm cuối tháng 1, giá vàng đã giảm 1.8%.
Tính chung cả tháng 1, giá vàng biến động không đáng kể khi chỉ sụt giảm nhẹ 0.72%.
Dưới đây là một số nhân tố gây áp lực giảm giá vàng trong tháng 1:
(1) Chính phủ Ấn Độ - nhà nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới - đã quyết định tăng thuế nhập khẩu vàng từ 4% lên 6%, để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục và kiềm chế nhu cầu đối với kim loại quý tăng mạnh trong 12 năm liên tiếp ở nước này.
(2) Một số báo cáo tiếp tục cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ như: chỉ số PMI tháng 1/2013 tăng lên 53.1% so với con số 50.2% của tháng 12, số nhà xây mới trong tháng 12/2012 tăng 12.1% so với tháng trước…
(3) Đồng USD mạnh lên tương đối so với đồng Yên sau khi Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ; và các loại tài sản khác giảm giá, bao gồm cả vàng.
Tuy vậy, thị trường cũng xuất hiện một số tín hiệu giúp kéo tăng giá vàng. Cụ thể:
(1) Nền kinh tế Mỹ bất ngờ công bố mức độ suy giảm 0.1% trong quý 4/2012 do Chính phủ thắt chặt chi tiêu và doanh nghiệp giảm hàng tồn kho. Đây là lần đầu tiên kể từ suy thoái toàn cầu năm 2009, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm.
Phản ứng gần như tức thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố hàng tháng sẽ tiêp tục mua vào 85 tỷ USD trái phiếu cũng như giữ nguyên mức lãi suất gần 0% cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống ít nhất 6.5%.
(2) Một số NHTW nới lỏng chính sách trong bối cảnh lạm phát có phần dịu đi, và xu hướng giảm lãi suất trên toàn cầu sẽ còn tiếp diễn. Điều này đồng nghĩa với giá vàng sẽ được hưởng lợi từ các chính sóng tiền tệ nới lỏng.
(3) Đồng Rupee Ấn độ tăng giá trở lại trong tháng 1/2013 đẩy mạnh nhu cầu vàng hàng hóa.
Triển vọng giá vàng trong tháng 2/2013
Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong tháng 2/2013:
(1) Chính phủ Mỹ vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nâng trần nợ công. Thông tin mới nhất cho biết, Quốc hội Mỹ đã quyết định trì hoãn việc áp trần nợ công đến tháng 5 tới.
Kết quả của những thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến biến động của giá vàng. Quá trình đàm phán gặp nhiều khó khăn có thể đẩy giá vàng tăng cao; và ngược lại.
(2) Nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi những tín hiệu hồi phục khả quan; và điều này có thể làm giảm nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn như vàng.
Số liệu tăng trưởng GDP quý 4/2012 sụt giảm gây hoang mang chỉ mang tính kỹ thuật, do một số nguyên nhân: (i) Chi tiêu Chính phủ - chủ yếu là chi tiêu quốc phòng - bị cắt giảm mạnh 6.6% so với cùng kỳ năm 2011. Theo ước tính, sự sụt giảm trong chi tiêu Chính phủ đã khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm khoảng 1.3%, (ii) Những ảnh hưởng tiêu cực từ siêu bão Sanday, hay cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề ngân sách.
Trong khi đó, các chỉ báo về chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, xây dựng… trong quý 4/2012 đều phát đi những tín hiệu rất khả quan.
(3) Cam kết hỗ trợ tăng trưởng của Fed bằng cách tiếp tục cung ứng cung tiền ra thu mua trái phiếu sẽ làm tăng cơ sở tiền tệ của nền kinh tế và tác động giảm giá đồng USD, tăng giá vàng.
(4) Lợi suất trái phiếu dài hạn 10 năm của Mỹ tiếp tục gia tăng như trong 2 tuần cuối tháng 1 có thể là chỉ báo rủi ro cho các nhà đầu tư đang giao dịch vàng; và vì vậy có thể kéo giá vàng đi xuống.
(5) Sự mạnh lên của đồng Rupee so với đồng USD có thể tác động tích cực lên nhu cầu đối với kim loại quý. Ấn Độ là một trong những nước dẫn đầu trong việc nhập khẩu vàng và nếu đồng Rupee tiếp tục tăng có nó thể tác động gián tiếp làm tăng giá vàng.
(6) Đồng EUR kỳ vọng tăng giá sẽ tác động tích cực đến giá vàng, vì tương quan cùng chiều.
Tổng hợp các tác động trái chiều, giá vàng thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động đi ngang – tích lũy trong tháng 2/2013.
(7) Giá vàng miếng trong nước diễn biến khá phức tạp trong tháng 1/2013, với hai cột mốc khá qua trọng: (i) ngày 10/1/2013, toàn bộ hệ thống kinh doanh vàng miếng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP chính thức hoạt động, (ii) ngày 24/01/2013, Dự thảo Quyết định về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN đã được công bố.
Chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng SJC trong nước bất ngờ được kéo giảm chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/lượng vào giữa tháng 01/2013; tuy nhiên, khoảng cách này được nới rộng sau đó.
Hiện chưa có Quyết chính chính thức về việc NHNN bán vàng ra để kéo vàng SJC trong nước về sát với giá vàng trong nước, nên biến động của hàng hóa này sẽ vẫn là một “ẩn số” trong tháng 2/2013.
Bên cạnh đó, nguồn thông tin báo chí cũng cho biết hoạt động mua bán vàng miếng/ vàng nhẫn vẫn diễn ra sôi nổi tại các cửa hàng, vì một số lý do như (i) địa điểm giao dịch thuận tiện, (ii) giờ giao dịch linh hoạt, (iii) thời điểm Tết âm lịch cuối năm.
Phân tích kỹ thuật giá vàng: Xuyên thủng nhóm MA dài hạn. Những giai đoạn giảm điểm và giằng co trong thời gian dài khiến cho giá tạo ra những breakpoint quan trọng với nhóm MA dài hạn. Cụ thể là điều này khiến cho ngưỡng SMA 100 bị xuyên thủng vào tháng 12/2012. Khoảng 2 tháng sau đó, SMA 200 cũng bị phá vỡ. Những tín hiệu này cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn của giá vàng đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Nếu trong thời gian tới giá vẫn không phục hồi hay có những bứt phá đáng kể thì nhiều khả năng xu hướng trung hạn đã thực sự thay đổi từ tăng sang giảm.
Đang test lại trendline dài hạn. Đây được coi là ngưỡng hỗ trợ vững chắc, đáng tin cậy và khó phá vỡ nhất trong dài hạn. Trong vòng 8 tuần qua, giá liên tục test ngưỡng này nhưng vẫn chưa thể phá vỡ được. Nếu trong vòng 2 – 3 tuần tới, giá vàng vẫn duy trì bên trên trendline dài hạn thì khả năng tăng trưởng mạnh là khá cao.
Còn nếu kịch bản phá vỡ xảy ra thì việc giá vàng rơi vào một chu kỳ giảm điểm kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm là hoàn toàn có thể.
Hiện tại, chúng tôi vẫn ủng hộ kịch bản lạc quan và bứt phá trở lại của giá vàng hơn.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|