Những vấn đề vĩ mô cần lưu ý trong năm 2013 (Phần 2)
Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn ở các DNNN diễn ra nhộp nhịp hơn trong năm 2013. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ là động lực để chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ như chúng ta đã từng thấy khi việc cổ phần hóa sôi động trong những năm trước đây.
* Những vấn đề vĩ mô cần lưu ý trong năm 2013 (Phần 1)
3. Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Chưa làm tròn chức năng của thị trường vốn trung và dài hạn, đặc biệt khi thị trường tiền tệ gặp xáo trộn, yêu cầu tái cơ cấu TTCK ngày càng trở nên cấp thiết.
Ngày 06/12/202, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm”.
Trong năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã lần lượt ban hành nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thị trường, đặc biệt tăng tính thanh khoản.
Thống kê của Vietstock cho thấy, hiệu ứng từ các biện pháp mang tính kỹ thuật như áp dụng T+3, kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều… chỉ tác động trong ngắn hạn; trong khi đó, các giải pháp căn cơ hơn như nâng chuẩn niêm yết, Thông tư 52 hướng dẫn công bố thông tin… lại chưa được thực hiện rốt ráo nên mức độ tác động cũng bị hạn chế.
Việc đánh giá kết quả thực hiện của Đề án tái cấu trúc thị trường trong năm 2013 cần tiếp tục được theo dõi ở một số khía cạnh quan trọng sau:
Cơ sở hàng hóa – Vấn đề này đã bị lãng quên trong một thời gian dài trước đó, đặc biệt giai đoạn thị trường tăng nóng.
Tuy nhiên, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra và kéo dài, chất lượng hàng hóa buộc phải trở về với giá trị thật của nó; và chính điều này đã và đang làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư.
Các giải pháp tái cấu cơ sở hàng hóa đã được cụ thể hóa như sau:
(1) Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường: điều kiện niêm yết, phát hành, sản phẩm mới…
(2) Tăng cường tính minh bạch trên thị trường chứng khoán: công bố thông tin, áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán theo thông lệ quốc tế…
(3) Nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành
(4) Đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các hoạt động liên quan đến phát hành, niêm yết, công bố thông tin…
Chất lượng dịch vụ – Song song với cơ sở hàng hóa thì chất lượng dịch vụ cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trong năm 2013, nỗ lực siết chặt quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán tiếp tục sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, một số giải pháp cũng được kỳ vọng triển khai nhằm đa dạng cơ sở nhà đầu tư như: nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, ra đời các sản phẩm quỹ đầu tư…
Trước đó, ngày 09/01, UBCK đã thực hiện một số biên pháp mang tính kỹ thuật như nới rộng biên độ giao dịch (+/- 7% đối với HOSE, +/- 10% đối với HNX), tăng tỷ lệ margin lên 50/50.
4. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Không thể phủ định vai trò định hướng của DNNN trong tiến trình phát triển của đất nước; tuy nhiên, mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp này trong tương quan vốn đầu tư xã hội đang có dấu hiệu sụt giảm rõ nét.
Ngày 17/07/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.
Nội dung nổi bật xuyên suốt của Đề án này vẫn lấy DNNN làm nòng cốt, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, hai giải pháp lớn trong công cuộc tái cơ cấu DNNN là:
(1) Đẩy mạnh cổ phần hóa theo hướng giảm số lượng DNNN.
(2) Đến 31/12/2015, các tập đoàn, tổng công ty phải thoái hết lượng vốn đầu tư ngoài ngành.
Chưa đạt được nhiều kết quả trong năm 2012, lộ trình tái cơ cấu DNNN có thể sẽ được đẩy mạnh trong năm 2013. Như vậy, để hoàn thành một phần kế hoạch trong giai đoạn 2011 – 2015, nhiều khả năng các hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn ở các DNNN diễn ra nhộp nhịp hơn trong năm 2013; và rất có thể điều này sẽ giúp các giao dịch trên TTCK sôi động hơn. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ là động lực để chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ như chúng ta đã từng thấy khi việc cổ phần hóa sôi động trong những năm trước đây.
Để không bị dần rơi vào lãng quên như vài năm qua, các cơ quan chức năng cần tích cực thúc đẩy quá trình thông qua một số giải pháp như: tăng cường thanh tra toàn diện, bắt buộc công bố thông tin doanh nghiệp, quy định thời gian cổ phần hóa, niêm yết…
Ngoài ra, sự phản hồi của xã hội qua các kênh thông tin đại chúng cũng sẽ góp phần định hướng và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu này.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|