Chủ Nhật, 23/12/2012 20:03

Kinh tế Vĩ mô Tuần 24 - 28/12: Giảm trần huy động, khi nào lãi suất đầu ra sẽ giảm?

Câu hỏi lớn nhất lúc này là bao giờ lãi suất đầu ra sẽ giảm mạnh và khả năng tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

Giảm trần lãi suất huy động, khi nào lãi suất đầu ra sẽ giảm?

NHNN vừa công bố cắt giảm trần lãi suất huy động, cùng một loạt lãi suất điều hành, cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng. Thông tin này được đưa ra sau khi có những số liệu cuối cùng về chỉ số giá tiêu dùng ở hai thành phố lớn Hà Nội – TPHCM và một số nơi khác.

Cụ thể, trần lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng sẽ giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm xuống còn 9%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm còn 7%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng là 10%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với nhu cầu phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm.

Mặc dù chủ động kéo giảm cả trần lãi suất huy động cùng một loạt lãi suất điều hành, nhưng mức giảm 1% nhìn chung cho thấy sự thận trọng nhất định của NHNN; có thể vì những nguyên nhân sau: (1) tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, (2) NHNN sẽ có gói giải pháp hỗ trợ lãi suất riêng đối với lĩnh vực bất động sản.

Tuy vậy, câu hỏi lớn nhất lúc này là bao giờ lãi suất đầu ra sẽ giảm mạnh và khả năng tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp sẽ được cải thiện. Như chúng tôi nhận định trước đây, các ngân hàng sẽ cần từ 3-4 tháng để trung hòa giá vốn sau khi giảm lãi suất huy động. Trên thực tế, tốc độ giảm mặt bằng lãi suất của nền kinh tế nói chung vẫn còn chậm hơn so với giảm lãi suất đầu vào.

Đồng thời, việc hạ lãi suất huy động bằng cách áp trần như hiện nay sẽ không bị phá rào nếu quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu được thực hiện rốt ráo hơn trong thời gian tới.

Vàng trong nước chênh lệch “khủng” so với thế giới, vì đâu?

Nếu như trước kia mức chênh lệnh 2 – 4 triệu đồng/lượng giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới ắt hẳn sẽ bị xem là có hiện tượng đầu cơ vàng đẩy giá lên cao. Thông thường, hiện tượng này sẽ gắn liền với các con sóng tăng của giá vàng thế giới.

Thế nhưng, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thế giới hiện vẫn tiếp tục nới rộng hơn 4 triệu đồng/lượng, có lúc gần 5 triệu đồng/lượng, bất chấp giá vàng thế giới đi ngang và sụt giảm.

Có thể điểm qua một số nhân tố không ủng hộ đà tăng của giá vàng trong nước: (1) nhu cầu mua – bán vàng miếng nhằm hưởng chênh lệch giá của người dân không còn sôi động, (2) lượng vàng NHTM cần mua để tất toán trạng thái sau ngày 25/11 cũng hạn chế, (3) xu hướng giá vàng thế giới đang đi ngang và có khả năng sụt giảm.

Những yếu tố trên cho thấy cơn “sốt ảo” này chủ yếu xuất phát từ nguồn cung. Mặc dù sau ngày 30/01/2013 sẽ có nhiều doanh nghiệp và NHTM tham gia vào hoạt động mua – bán vàng miếng SJC trên thị trường; nhưng liệu giá vàng trong nước có thể liên thông với giá vàng thế giới?  Rõ ràng đây hẳn không phải là câu hỏi dễ trả lời nếu bên bán vẫn quyết tâm giữ giá ở mức cao.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC, THẾ GIỚI NỔI BẬT 

• Theo UBCKNN, trong năm 2012, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1.2 triệu tài khoản. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần đạt 70 triệu USD, giảm 77% so năm 2011, do diễn biến bất lợi của thị trường vốn quốc tế và những khó khăn kinh tế trong nước, nên các quỹ đầu tư phải cơ cấu lại danh mục và đầu tư thận trọng hơn.

• Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình FSAP).

Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình FSAP là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Phó Trưởng ban là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6 ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Mục tiêu của FSAP là: củng cố các hệ thống tài chính; chuyển giao chuyên môn và các thông lệ tốt nhất cho các cơ quan trong nước; thúc đẩy các cải cách trong ngành tài chính.

Chương trình FSAP được WB và IMF phối hợp triển khai từ năm 1999, đến nay, đã có 151 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia vào chương trình. Báo cáo đánh giá về thệ thống tài chính của Việt Nam sẽ được WB và IFM công bố trong thời gian tới.

• Chính phủ đã đưa ra thêm nhiều chi tiết mang tính định hướng về gói giải cứu tổng thể đối với thị trường bất động sản:

(1) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thời điểm nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

(2)  Hỗ trợ vốn và lãi suất vay mua nhà cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.

(3)  NHTM tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản theo hướng cơ cấu lại nợ, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro…

(4) Sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và ổn định thị trường bất động sản sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12 tới.

• Theo nguồn tin NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tính đến giữa tháng 11/2012 khoảng 5.2 – 5.4%, và dự kiến tín dụng sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2012. Con số này đã bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD.

Tính đến cuối tháng 11, tăng trưởng huy động toàn hệ thống ước đạt 15.98%, và tăng trưởng cung tiền M2 đạt 15.3%.

• Theo NHNN, trong đợt đầu kiểm tra cấp giấy phép mua bán vàng miếng đã có 19 hồ sơ đủ điều kiện, trong đó có 8 ngân hang và 11 doanh nghiệp.  Sau ngày 30/01/2013, các đơn vị kinh doanh vàng miếng có giấy phép từ NHNN thì mới được hoạt động kinh doanh vàng miếng.

• Tính đến cuối tháng 10/2012, tổng tài sản toàn hệ thống các TCTD còn hơn 4.8 triệu tỷ đồng, giảm 27,000 tỷ so với cuối tháng trước.

Tại thời điểm này, tổng dư nợ BĐS khoảng 207,595 tỷ đồng, tăng 3.6% so với cuối năm 2011; trong đó nợ xấu chiếm khoảng 13.5% tổng dư nợ BĐS, tương đương hơn 28,000 tỷ đồng.

Báo cáo của NHNN cũng cho biết, dư nợ tín dụng được bảo đảm bằng BĐS khoảng 1.24 triệu tỷ đồng, chiếm 46.5% tổng dư nợ tín dụng hay 64.3% dư nợ tín dụng có bảo đảm bằng tài sản.

• Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành Quyết định Kế hoạch kiểm toán năm 2013; trong đó có 24 tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà... ) và 4 ngân hàng gồm Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Phát triển Việt Nam sẽ được kiểm toán vào năm 2013.

Trọng tâm kiểm toán trong năm 2013 của KTNN sẽ đặt vào 4 lĩnh vực cụ thể bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư và chương trình, dự án, kiểm toán chuyên đề và lĩnh vực DNNN và các tổ chức tài chính ngân hàng.

• Bộ Công thương đã ban hành Thông tư quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, giá điện bình quân tăng từ 1,369 đồng/kWh lên 1,437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và được áp dụng từ ngày 22/12.

Như vậy trong năm 2012 giá điện có hai lần điều chỉnh mức tăng 5%, và lần tăng giá điện gần nhất là 01/07/2012.

• Cục Thống kê Hà Nội công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2012 đã tăng 0.26% so với tháng trước và tăng 6.29% trong năm 2012. Trong khi đó, CPI tháng 12 tại TPHCM chỉ tăng 0.17% so với tháng trước và tăng 4.07% so với cuối năm 2011.

• Theo số liệu điều chỉnh lần cuối của Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 của nước này tăng trưởng 3.1%, mạnh hơn so với mức ước tính sơ bộ 2% và số liệu điều chỉnh lần đầu công bố trong tháng trước là 2.7%.

• Ngày 20/12, NHTW Nhật Bản (BOJ) tuyên bố sẽ gia tăng quy mô chương trình mua tài sản thêm 10 ngàn tỷ JPY (tương đương 119 tỷ USD) trong khi giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0.1% do những bất ổn sâu sắc liên quan đến nền kinh tế.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

ffn

Các tin tức khác

>   Chính sách tiền tệ năm 2012: Được và chưa được (20/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 17 - 21/12: Kéo giảm lãi suất - Bao nhiêu và khi nào? (16/12/2012)

>   QE4 có tác động tích cực lên chứng khoán? (14/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 10 - 14/12: Rút ngắn thời gian thanh toán không thuộc diện “tái cấu trúc”? (09/12/2012)

>   Kênh đầu tư tháng 12: Chứng khoán bứt phá với quyết sách hạ lãi suất, “giải cứu” bất động sản, nợ xấu? (07/12/2012)

>   Kênh đầu tư tháng 12: Vàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy? (06/12/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 03 - 07/12: Áp trần lãi suất - NHTM sẽ rất dè dặt giải ngân tín dụng? (02/12/2012)

>   Macro View: Sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK Tuần 26 – 30/11 (30/11/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 26 - 30/11: CPI đi ngang – Mừng mà lo! (25/11/2012)

>   Macro View: Nhận định sự kiện kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến TTCK (26/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật