Kênh đầu tư tháng 12: Vàng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy?
Phân tích các dữ kiện cho thấy nhiều khả năng giá vàng trong tháng 12 sẽ tiếp tục trạng thái đi ngang và tích lũy.
Tháng 11: Giá vàng đi ngang như kỳ vọng
Biểu đồ bên dưới cho thấy xu hướng của giá vàng trong tháng 11 chủ yếu biến động đi ngang. Tính chung cả tháng, giá vàng chỉ điều chỉnh giảm nhẹ 0.28% và dừng tại mức giá 1,715 USD/ounce vào ngày cuối tháng.
Có thể chia biến động của giá vàng trong tháng 11 thành hai giai đoạn có diễn biến khá tương đồng nhau là nửa đầu tháng (01 – 16/11) và nửa cuối tháng (18 – 30/11). Trong mỗi giai đoạn này, giá vàng gần như trải qua quá trình hồi phục đến ngưỡng kháng cự và thoái lùi sau đó.
Điều này cho thấy giá vàng đã phản ứng khá mạnh trước tín hiệu từ các nền kinh tế Mỹ, châu Âu… Nhìn chung, các tác động tích cực và tiêu cực đến diễn biến giá vàng trong tháng là tương đối cân bằng.
Dưới đây là một số nhân tố gây áp lực giảm giá vàng trong tháng 11:
(1) Báo cáo việc làm phi nông nghiệp công bố ngày 02/11 cao hơn kỳ vọng đã củng cố thêm niềm tin về tín hiệu khởi sắc cũng như tính chất bền vững trên thị trường lao động Mỹ. Điều này đã làm giảm cơ hội can thiệp của FOMC dưới hình thức gói kích thích kinh tế. Ngoài ra, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng được thể hiện qua các số liệu về sự gia tăng nhà xây mới và tăng trưởng GDP.
(2) Quan điểm bất đồng giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ về vấn đề ngân sách nhằm tránh kích hoạt chương trình “vách đá tài khóa” làm gia tăng sự bất ổn lên nền kinh tế.
(3) Nỗ lực đàm phán không thành công của các nhà lãnh đạo EU về ngân sách dài hạn trị giá nghìn tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020.
(4) Đồng Rupee của Ấn Độ tiếp tục yếu đi so với đồng USD có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thu mua kim loại quý, đặc biệt là vàng.
Tuy vậy, thị trường cũng xuất hiện một số tín hiệu giúp kéo tăng giá vàng. Cụ thể:
(1) Kỳ vọng vào khả năng thắng cử của đương kim Tổng thống Barrack Obama, đồng nghĩa với việc Fed sẽ tiếp tục kích thích kinh tế, đã đẩy giá vàng tăng cao. Chiến thắng ấn tượng của ông Obama cũng đã tiếp tục đẩy giá vàng tăng vọt.
(2) Báo cáo không tích cực về nền kinh tế Mỹ thông qua chỉ số Philly Fed trong tháng 11, doanh số bán lẻ tháng 10 giảm. Ngoài ra, diễn biến bất ổn tại Trung Đông cũng làm gia tăng sức hấp dẫn của kim loại quý.
(3) Các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm nợ công Hy Lạp, dọn đường cho nước này nhận khoản giải cứu tài chính tiếp theo.
(4) FOMC cam kết giữ lãi suất thấp đến giữa năm 2015, quyết định tung gói kích thích kinh tế QE3 của tổ chức này.
Triển vọng giá vàng trong tháng 12/2012
Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong tháng 12/2012:
(1) Cuộc thảo luận về vấn đề ngân sách ở Mỹ có khả năng làm gia tăng bất ổn lên nền kinh tế; và có thể tác động tích cực lên giá vàng thông qua đồng USD yếu. Nếu các nhà hoạch định chính sách sớm đạt được các thỏa thuận về ngân sách, nó có thể kìm hãm đà tăng của giá vàng.
(2) Cuộc họp FOMC tiếp theo sẽ được tổ chức trong hai ngày 11 – 12/12. Nhiều khả năng FOMC sẽ không giới thiệu thêm các gói kích thích kinh tế nào khác nhờ vào các tín hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Ngoại trừ một kế hoạch mua trái phiếu bổ sung thay thế chương trình Operation Twist (hết hạn vào cuối năm 2012) được thông qua sẽ tác động tích cực lên giá vàng.
(3) ECB sẽ quyết định mức lãi suất trong tuần đầu tháng 12 (trong tháng 11, ECB giữ lãi suất không đổi 0.75%). Việc ECB hạ thấp lãi suất hơn nữa sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng do giá kim loại này có tương quan cùng chiều với sức mạnh đồng EUR.
(4) Đồng Rupee tiếp tục mất giá sẽ tác động tiêu cực lên giá vàng khi nhu cầu về hàng hóa này sụt giảm.
Như vậy, tổng hợp các yếu tố tác động cho thấy giá vàng thế giới trong tháng 12 nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động đi ngang.
(5) Trong nước, thời điểm 25/11 được xem là cột mốc quan trọng đối với thị trường vàng khi các TCTD trên lý thuyết phải chấm dứt các hoạt động huy động mới và cho vay vốn bằng vàng. Sau thời điểm này, giá vàng miếng SJC vẫn đang dao động ở mức giá khá cao và chênh lệch giữa giá vàng thương hiệu SJC và vàng thế giới hiện vẫn cao hơn mức 3 triệu đồng/lượng, thậm chí có lúc lên 4 triệu đồng/lượng.
Lý giải cho điều này là do nguồn cung vàng SJC vẫn còn hạn chế trong khi nhu cầu chuyển đổi ngày càng tăng lên.
Thông tin gần đây cho thấy NHNN đã đồng ý về nguyên tắc cho một số thương hiệu vàng tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng nguyên liệu nhằm chuyển đổi nhanh sang vàng miếng SJC.
Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về các tổ chức hay số lượng vàng được phép tạm xuất. Nếu điều này thực thi sẽ sớm góp giải quyết được “nút thắt” chuyển đổi sang vàng miếng SJC.
Tuy vậy, trong thời gian tới, các giải pháp đáp ứng nhu cầu nắm giữ vàng miếng SJC sẽ chưa sớm phát huy tác dụng. Theo đó, cùng với xu hướng đi ngang của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có thể tiếp tục xu hướng đi ngang và vẫn còn cao hơn đáng kể so với giá thế giới chuyển đổi.
Phân tích kỹ thuật giá vàng: Xuyên thủng SMA 100. Những phiên giảm điểm trong thời gian gần đây là khá mạnh. Điều này khiến cho ngưỡng SMA 100 bị xuyên thủng. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy đà phục hồi của giá vàng có thể sắp chấm dứt vì SMA 100 vốn là ngưỡng kỹ thuật rất mạnh và đáng tin cậy với nhiều lần báo hiệu thành công trong quá khứ.
Nếu trong thời gian tới giá vẫn không phục hồi lên trên ngưỡng này thì nhiều khả năng xu hướng trung hạn đã thực sự thay đổi.
Vùng kháng cự 1,730 – 1,750 USD/oz quá mạnh. MACD đã cho tín hiệu bán trở lại và rớt xuống dưới đường zero-base. Điều này cùng với sự xuất hiện của hàng loạt cây nến đỏ và dài cho thấy vùng kháng cự 1,730 – 1,750 USD/oz quá mạnh.
Việc phá vỡ vùng này trong ngắn hạn là rất khó. Vì vậy, nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục ở trạng thái tích lũy.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|