Chủ Nhật, 11/11/2012 21:07

Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 - 16/11: NHNN đang phát đi tín hiệu gì qua Chỉ thị số 06?

Sự quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ “mở đường” cho khả năng kích thích tăng trưởng tín dụng, nhằm hỗ trợ hồi phục nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013.

I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC

NHNN đang phát đi tín hiệu gì qua Chỉ thị số 06?

Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến 25/9/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 2.56% so với 31/12/2011; trong đó, tín dụng VNĐ tăng 4.49%, tín dụng bằng ngoại tệ và vàng giảm 5.2%.

Một nền kinh tế vốn dựa nhiều vào vốn để tăng trưởng như Việt Nam ắt sẽ gặp nhiều khó khăn khi tín dụng đột ngột giảm tốc như hiện nay, và “nút thắt” chính được cho là do nợ xấu.

Theo thông tin Thống đốc NHNN trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, nợ xấu theo các TCTD báo cáo đến ngày 30/6/2012 là 119,139 tỷ đồng, chiếm 4.49% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, giám sát của NHNN thì nợ xấu đến cuối tháng 6/2012 chiếm khoảng 8.8% tổng dư nợ tín dụng. Không loại trừ khả năng số liệu trên thực tế còn cao hơn những con số này.

Bài toán nợ xấu đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như toàn nền kinh tế. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 đã yêu cầu NHNN hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu, và báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi trình Bộ Chính trị.

Trước đây, thời hạn chót được đưa ra để hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu là ngày 15/11/2012. Thông tin ban đầu cho thấy đây sẽ là một công ty mua bán tài sản do NHNN quản lý, với nguồn vốn được lấy từ nguồn vốn pháp định của NHNN.

Chỉ thị số 06/CT-NHNN vừa được NHNN ban hành ngày 09/11/2012 hướng dẫn một số giải pháp xử lý nợ xấu (theo lý thuyết) thông qua nguồn dự phòng rủi ro, bán nợ, xử lý tài sản…; đặc biệt là yêu cầu ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trước khi thực hiện chia cổ tức, lợi nhuận hay tăng lương, thưởng cuối năm 2012.

Sự quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề nợ xấu sẽ “mở đường” cho khả năng kích thích tăng trưởng tín dụng, nhằm hỗ trợ hồi phục nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013.

Thật vậy, trong Chỉ thị số 06, NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; cụ thể:

(1) Bố trí nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế, ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…

(2) Triển khai các gói sản phẩm tín dụng dựa trên các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn đầu tư, sản xuất – kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

(3) Tổ chức, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như: chính sách cho vay đối với chăn nuôi, cá tra; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; cho vay thu mua, tạm trữ lương thực, cà phê…

Cơ chế quản lý thị trường vàng đang dần “lộ diện”?

Thông điệp cứng rắn về hoạt động huy động và cho vay vàng một lần nữa được nhắc lại trong Chỉ thị mới ban hành của NHNN. Bên cạnh đó, những quy định về quản lý kinh doanh vàng cũng dần hé lộ cơ chế quản lý của NHNN, như sau:

(1) Vàng miếng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia; và NHNN sẽ độc quyền sản xuất vàng SJC.

(2) Hoạt động huy động – cho vay vốn bằng vàng sẽ được chuyển qua giữ hộ, và quan hệ mua – bán. Theo đó, trong Chỉ thị số 06/CT-NHNN, NHNN yêu cầu các TCTD sau khi được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khẩn trương triển khai mạng lưới chi nhánh, địa điểm mua, bán vàng miếng theo kế hoạch và theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh mua bán vàng có thể sẽ bị đánh thuế nhằm tránh rủi ro “vàng hóa” nên kinh tế.

(3) Nhiều khả năng NHNN sẽ xây dựng cơ chế mua vàng nhằm tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Hiện nhiều NHTW trên thế giới cũng duy trì số lượng vàng thích hợp trong dự trữ ngoại hối quốc gia.

(4) Việc NHNN tham gia bình ổn giá vàng hiện vẫn chưa được tính đến. Rất có thể, NHNN đang tập trung sắp xếp lại thị trường vàng, trước khi có động thái can thiệp sâu hơn. Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn duy trì trên mức 3 triệu đồng/lượng.

II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC, THẾ GIỚI NỔI BẬT 

• Tại Hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2012 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 8-14/10/2012, lãnh đạo IMF/WB khuyến nghị Việt Nam cần tránh nới lỏng chính sách vào thời điểm hiện nay, đặc biệt là chính sách tiền tệ, và tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô.

• Tại phiên họp sáng 08/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2013.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tăng trưởng GDP khoảng 5.5%, lạm phát khoảng 8%, bội chi ngân sách nhà nước không quá 4.8% GDP, tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động… 

• Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã chính thức tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012, trước đối thủ Mitt Romney đảng Cộng Hòa. Thống kê dữ liệu lịch sử của Vietstock cho thấy mức tăng trưởng của TTCK trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thường khá yếu, và kém nhất so với mức trung bình chung của các năm. Trong khi đó, đầu tư chứng khoán vào năm trước bầu cử (năm thứ 3 của nhiệm kỳ) thường đem lại mức sinh lợi lớn nhất.

• NHTW châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp lịch sử 0.75% và cho biết sẵn sàng kích hoạt chương trình mua trái phiếu nếu các Chính phủ đáp ứng được một số điều kiện cần thiết.

Niềm tin kinh tế Eurozone giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm vào tháng 10 vừa qua, và dấu hiệu mới nhất cho thấy khu vực này đang chìm trong suy thoái là GDP quý 2/2012 giảm 0.2%.

• Tây Ban Nha mới đây gần như bác bỏ phương án xin cứu trợ trong năm 2012, nhưng tuyên bố sẽ làm việc này nếu chi phí vay mượn của Madrid vẫn "bám trụ" ở mức cao.

Chi phí đi vay của Tây Ban Nha đã hạ nhiệt sau khi ECB lên kế hoạch mua lại không hạn chế trái phiếu của các chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính vào tháng 9/2012 vừa qua.

• Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng giữ nguyên lãi suất ở mức 0.5% và cho biết sẽ không gia tăng quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ mức 375 tỷ bảng Anh như hiện nay.

Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Kênh đầu tư tháng 11: Chứng khoán và những xáo trộn trước thềm tái cấu trúc (09/11/2012)

>   TrustBank: Toàn cảnh hoạt động kinh doanh trước tái cơ cấu (07/11/2012)

>   Kênh đầu tư tháng 11: Vàng khó giảm mạnh nhưng cũng khó tăng? (phần 1) (06/11/2012)

>   VCB: Nợ xấu quý 3/2012 có thực sự đang giảm? (31/10/2012)

>   KLS: Tiền mặt “khủng”, nhưng phải đối diện 3 rủi ro trong quý 4/2012 (29/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 29/10 - 02/11: Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng - Giai đoạn 2 đã bắt đầu? (28/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 22 - 26/10: Sẽ lộ diện nhiều “khuất tất” qua kết quả thanh tra ngân hàng? (21/10/2012)

>   Kinh tế Vĩ mô Tuần 15 - 19/10: Lại vượt trần lãi suất huy động USD vì vàng? (14/10/2012)

>   Kinh tế vĩ mô quý 4/2012 có gì lạc quan? (07/10/2012)

>   Tháng 10: Chiến lược đầu tư nào cho Chứng khoán và Vàng? (03/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật