Kinh tế Vĩ mô Tuần 15 - 19/10: Lại vượt trần lãi suất huy động USD vì vàng?
Thị trường ngoại hối sau một thời gian dài yên ả đã bị khuấy động trở lại bởi thông tin vượt trần lãi suất huy động USD.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Vượt trần lãi suất huy động USD vì vàng?
Thị trường ngoại hối sau một thời gian dài yên ả đã bị khuấy động trở lại bởi thông tin vượt trần lãi suất huy động USD. Nguồn tin báo chí cho biết lãi suất huy động USD hiện lên tới 3.5%, cao hơn nhiều so với trần quy định 2%/năm. Trước đó, lãi suất huy động vàng và đồng nội tệ VNĐ đã rục rịch tăng mạnh.
Thông thường, thị trường ngoại hối có dấu hiệu căng thẳng do các nguyên nhân như: (1) nhu cầu USD để nhập khẩu hàng mùa cuối năm, (2) lạm phát tăng cao, đồng nội tệ mất giá, (3) căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng, (4) nhu cầu USD để nhập khẩu vàng nhằm cân bằng trạng thái vàng ở nhiều NHTM hay để kiếm lời khi giá vàng trong nước chênh lệch mạnh so với thế giới.
Thực tế cho thấy, nhu cầu ngoại tệ USD cho các nguyên nhân (1), (2) và (3) là không đáng quan ngại nhờ vào nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và trạng thái dương của cán cân thanh toán tổng thể, cũng như tình hình ổn định thanh khoản và chỉ số giá tiêu dùng như hiện nay.
Trong khi đó, biến động phức tạp giá vàng đang đe dọa đến sự ổn định của thị trường ngoại hối.
Điều đáng nói ở đây là dấu hiệu căng thẳng chỉ diễn ra ở lãi suất huy động USD, và vẫn chưa được thể hiện nhiều qua biến động tỷ giá USD/VNĐ. Như vậy, nhiều khả năng các NHTM đang có nhu cầu huy động ngoại tệ để dự trữ hơn là để mua bán.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa chính thức lên tiếng về chính sách sau thời điểm có hiệu lực (ngày 25/11) của việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng theo Thông tư 12. Với trạng thái âm vàng khá lớn như hiện nay, quyết định chấm dứt hay gia hạn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhiều TCTD.
Nếu Thông tư 12 không được gia hạn, nhiều khả năng các TCTD sẽ phải chuẩn bị nguồn lực cho việc nhập khẩu vàng (với sự cho phép của NHNN) để cân bằng trạng thái, bên cạnh nỗ lực thu mua vàng trong nước.
Phải chăng đây là lý do khiến các TCTD tăng cường huy động USD, dự trù cho tình huống này?
Hoạt động ủy thác sẽ minh bạch hơn?
Nhằm chấn chỉnh và bít các “lỗ hổng” của hoạt động ủy thác đầu tư ở các TCTD, dự thảo thông tư mới về vấn đề này đã đưa ra những quy định khá chặt chẽ; cụ thể:
Khoản 4, Điều 3: Bên nhận uỷ thác không được thực hiện việc uỷ thác lại cho bên thứ ba.
Khoản 7-8, Điều 3: Bên ủy thác là TCTD phải tính số dư ủy thác vào dư nợ cấp tín dụng khi xác định các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn. Ngoài ra, TCTD phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với số dư ủy thác theo quy định của pháp luật.
Khoản 2, Điều 15: Bên ủy thác là TCTD phải thực hiện hạch toán nội bảng đối với các nghiệp vụ cho vay, mua bán trái phiếu…
Dự thảo này “dường như” đã chặn đứng được hầu hết các lỗ hổng hiện nay như vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng, lách các quy định an toàn về vốn, trần lãi suất…
Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng hoạt động ủy thác sẽ được chấn chỉnh chỉ với việc ban hành quy định này. Ngoài sự minh bạch của bên ủy thác cũng như bên nhận ủy thác, “mớ bòng bong” này dường như chỉ có thể sáng tỏ qua hoạt động giám sát kỹ càng hơn của NHNN.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ TRONG NƯỚC, THẾ GIỚI NỔI BẬT
• Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP 2012 và 2013 của Việt Nam lần lượt 5.2% và 5.7%, thấp hơn mức ước tính công bố hồi tháng 5 là 5.7% và 6.3%.
WB cho rằng tăng trưởng đầu tư của Việt Nam có thể phục hồi phần nào trong các tháng còn lại của năm nay khi dư địa cho chính sách trở nên thuận lợi hơn.
• Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5.1% trong năm 2012 và 5.9% trong năm 2013, lần lượt thấp hơn so với ước tính công bố hồi tháng 4 là 5.6% và 6.3%.
IMF cũng dự báo lạm phát năm 2012 của Việt Nam ở mức 8.1%, thấp hơn đáng kể so ước tính trong tháng 4 là 12.6% và mức thực tế năm 2011 là 18.7%.
• Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm, lượng kiều hối thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu trước đó cho thấy kiều hối cả nước tính đến hết quý 2/2012 vào khoảng 6.3 tỷ USD.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kiều hối đạt 7 tỷ USD tính đến hết quí 3/2011; và khoảng 9 tỷ USD cả năm 2011.
• Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo cán cân tổng thể năm 2013 sẽ thặng dư khoảng 3 tỷ USD. Cán cân tổng thể 9 tháng năm nay là 8 tỷ USD, của năm 2011 là 2.65 tỷ USD, còn 2010 thâm hụt 3 tỷ USD.
• Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 3/2012 đã giảm 13 điểm so với quý 2 nhưng vẫn tăng 7 điểm so với lần thực hiện đầu tiên vào quý 3/2008.
Đây là kết quả cuộc khảo sát 110 doanh nghiệp thuộc 10 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt của Việt Nam (trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 50%) do công ty WVB FISL và PVFC Invest thực hiện từ ngày 15/9 đến tuần đầu tiên của tháng 10.
• Theo Bộ Tài chính, tính đến đầu tháng 10, ngành tài chính đã gia hạn khoảng 11,000 tỷ đồng tiền thuế GTGT các tháng 4, 5 và 6/2012 cho trên 190,000 doanh nghiệp; gia hạn 2,933 tỷ đồng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho khoảng 71,630 doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, tổng số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp tính tới ngày 30/9 đang chiếm 6.8% thu nội địa chín tháng năm 2012; trong đó số thuế chưa trả của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 13% tổng nợ.
• Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), quỹ giải cứu vĩnh viễn của Eurozone, chính thức ra mắt sau cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực trong ngày thứ Hai (08/10).
Với sứ mệnh giải cứu các nền kinh tế và ngân hàng khu vực, ESM sẽ có năng lực cho vay đầy đủ là 500 tỷ EUR (tương đương 650 tỷ USD) vào năm 2014.
• Standard & Poor's (S&P) vừa hạ hai bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Tây Ban Nha từ ‘BBB+’ xuống ‘BBB-’, tức chỉ cao hơn một bậc so với mức xếp hạng ‘rác’. Tổ chức này cũng hạ xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn của Tây Ban Nha từ ‘A-2’ xuống ‘A-3’.
Mức xếp hạng mới của Tây Ban Nha từ S&P tương đương đánh giá từ Moody’s. Được biết, hiện Moody’s đang đưa mức xếp hạng “Baa3” của Tây Ban Nha vào diện xem xét hạ bậc.
• Ngày 11/10, NHTW Hàn Quốc (BoK) hạ lãi suất từ 3% xuống 2.75% nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đánh dấu lần hạ lãi suất thứ hai trong năm nay. Trước đó, BoK đã bắt đầu nới lỏng tiền tệ từ tháng 7/2012 khi hạ lãi suất 0.25% xuống 3%.
Trước đó vài giờ, Ngân hàng Trung ương Brazil cũng cắt giảm lãi suất bớt 0.25% xuống mức thấp kỷ lục 7.25% ở lần thứ 10 liên tiếp và phát tín hiệu kết thúc chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|