CPI tháng 9 đột biến và áp lực nào cho điều hành chính sách?
Lạm phát tháng 9 bất ngờ vượt xa dự báo của giới chuyên môn và việc áp dụng các chính sách nới lỏng như hiện nay có thể sẽ trở nên “phức tạp” hơn.
* CPI cả nước tháng 9 tăng 2.2%
Vì đâu lạm phát tháng 9 tăng đột biến?
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 9 tăng mạnh 2.2% so với tháng 8, tăng 6.48% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 5.13% so với tháng 12/2011.
CPI tháng 9 cả nước đã tăng mạnh so với mức tăng trung bình của CPI ở hai thành phố lớn là Hà Nội (2.47%) và TPHCM (1.21%); và đã thực sự gây sốc khi vượt xa dự báo của giới chuyên môn.
Nhìn chung, tất cả 11 nhóm hàng tính chỉ số giá trong tháng 9 đều tăng so với tháng 8.
Trong đó, nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh nhất tới 17.02% do đợt tăng giá thuốc và viện phí bắt đầu từ tháng 8; tiếp đến là nhóm Giáo dục tăng 10.54% do yếu tố thời vụ mùa tựu trường; nhóm Giao thông tăng 3.83%, và nhóm Nhà ở, vật liệu xây dựng tăng 2.18% do các đợt tăng giá xăng, giá nhiêu liệu trong tháng 8 chưa kịp phản ánh đầy đủ vào chỉ số giá.
Mặc dù các nhóm hàng trên có quyền số khá nhỏ nhưng chỉ số giá riêng lẻ đã tăng đáng kể và tác động mạnh nhất lên mức tăng CPI tháng 9. Bảng bên dưới cho thấy chỉ riêng 4 nhóm hàng nói trên đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 lên 2.09%, so với mức tăng 2.2% của chỉ số này.
Ngoài ra, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (quyền số 39.93%) sau 5 tháng giảm giá liên tục giúp kéo giảm chỉ số giá chung, đã bắt đầu tăng nhẹ 0.08% trong tháng này và nhiều khả năng sẽ dịch chuyển tăng dần trong các tháng cuối năm.
Trong các tháng tới, khi các nhóm hàng Thuốc và dịch vụ y tế, Giáo dục giảm dần mức ảnh hưởng, thì các nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng sẽ thay thế mức ảnh hưởng lên chỉ số giá. Lý do xuất phát từ những ảnh hưởng của mùa mưa lũ ở các vùng miền Trung – Bắc và đợt điều chỉnh giá bán lẻ điện có khả năng diễn ra kể từ sau tháng 10.
Ngoài ra, biến động tăng/giảm thất thường của giá xăng dầu thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số giá nhóm Giao thông.
Áp lực nào cho chính sách tiền tệ?
Đà giảm tốc liên tục của lạm phát theo năm (YoY) kể từ đỉnh 23.02% hồi tháng 8/2011 luôn được xem là tiền đề qua trọng để thực thi chính sách nới lỏng hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, mức tăng 2.2% của chỉ số giá tháng 9 đã khiến CPI (YoY) đảo chiều tăng mạnh lên 6.48%, so với mức đáy 5.04% trong tháng 8/2012 vừa qua. So với cuối năm 2011, chỉ số giá tháng này cũng đã nhảy vọt lên 5.13%, tăng mạnh so với con số 2.86% của tháng trước đó và tiến gần đến vùng mục tiêu 7 – 8% của Chính phủ.
Với việc kiềm chế lạm phát vẫn còn được ưu tiên thì diễn biến bất ngờ này sẽ tạo áp lực không nhỏ cho chủ trương nới lỏng chính sách hiện tại, do một số nguyên nhân sau:
(1) Đợt đảo chiều tăng mạnh này nhiều khả năng sẽ làm gia tăng trở lại lạm phát kỳ vọng, vốn đang được giữ ở mức thấp trong bối cảnh trì trệ của nền kinh tế.
Sự cộng hưởng từ đà tăng cao của giá cả hàng hóa, nhiên liệu thế giới do tác động của gói nới lỏng định lượng QE3 của Mỹ và các biện pháp kích thích kinh tế của nhiều NHTW trên thế giới sẽ gây sức ép không nhỏ lên diễn biến lạm phát trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy đây cũng là một trong những tác nhân chính gây sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ trong giai đoạn trước đây.
(2) Kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất hơn nữa càng trở nên khó khả thi khi lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh. Nhiều nguồn tin báo chí đã phản ánh hiện tượng nhiều ngân hàng tham gia làn sóng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài ngày trong tuần qua.
Hơn nữa, diễn biến này sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang trì trệ như hiện nay.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|