Kinh tế Vĩ mô Tuần 10 - 14/9: Sẽ thực sự “mạnh tay” với bán khống?
Việc phát hiện hoạt động bán khống là không dễ, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Điều đáng nói là trên thực tế vẫn chưa có vụ vi phạm bán khống nào được cơ quan quản lý phát hiện và xử lý.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Tăng cường huy động vàng, để làm gì?
Sau một thời gian im ắng khá dài, các NHTM lại rục rịch tăng mạnh lãi suất huy động vàng, và đi đầu là ngân hàng Á châu (ACB) với mức tăng vọt từ 0.8%/năm lên 1.6%/năm. Theo sau đó, các ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng tăng lãi suất lên 1.6%/năm.
Đây cũng là thời điểm mà giá vàng trong nước luôn có biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới, với mức độ chênh lệch khá lớn từ 2 – 3 triệu đồng/lượng.
Tại sao các NHTM lại tăng cường huy động vàng trong thời điểm này?
(1) Nhìn lại quá khứ cho thấy các ngân hàng thường đẩy mạnh huy động vàng để bù đắp thiếu hụt hanh khoản, hay chi trả vàng theo yêu cầu khi số vàng thu nợ và tồn kho không đủ để chi trả.
(2) Xu hướng giá lên ngắn hạn của giá vàng đang được hình thành và dự báo có thể kéo dài trong ít nhất 2 tuần tới. Ngoài ra, cũng có thể do kỳ vọng vào gói nới lỏng định lượng QE3 sớm được thực thi, nên các TCTD đã có những hành động “đón đầu”.
(3) Theo Thông tư số 12/2012/TT-NHNN, việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng sẽ chấm dứt vào ngày 25/11/2012. Do đó, không loại trừ khả năng các TCTD gấp rút “chạy” trước thời điểm trên.
Sẽ thực sự “mạnh tay” với bán khống?
Với đặc điểm tâm lý đám đông của TTCK Việt Nam, hoạt động bán khống được xem như là “thủ phạm” đẩy thị trường giảm sâu trong các giai đoạn hoảng loạn quá mức vừa qua. Trước đó, hoạt động này cũng được nhiều chuyên gia và giới đầu tư đề cập đến trong ngữ cảnh phải bảo vệ thị trường và đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư VIP.
Ngày 07/09, UBCKNN đã có Công văn số 3229/UBCK-QLQ gửi các Tổ chức kinh doanh chứng khoán (CTCK, công ty quản lý quỹ) và các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát yêu cầu chấn chỉnh các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là hoạt động bán khống.
Việc phát hiện hoạt động bán khống là không dễ, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Điều đáng nói là trên thực tế vẫn chưa có vụ vi phạm bán khống nào được cơ quan quản lý phát hiện và xử lý. Liệu lần này các biện pháp có được áp dụng một cách “mạnh tay”.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ THẾ GIỚI, TRONG NƯỚC NỔI BẬT
• Theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report 2012-2013) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 05/09 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 75/142 về năng lực cạnh tranh toàn cầu; và đã tụt 10 bậc so với năm trước.
Trong ba năm trở lại đây, Việt Nam liên tục đi xuống về năng lực cạnh tranh, không chỉ cả về thứ hạng mà cả điểm số đánh giá.
• Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2012 để thực hiện đạt kết quả cao các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, trong đó phấn đấu GDP tăng 5,2%, giữ lạm phát ở mức khoảng 7%.
• Cũng trong cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày hai phương án được xây dựng cho năm 2013. Ở phương án 1, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6 – 6.5%; còn phương án 2, dự kiến tăng khoảng 5.5 – 6%.
Về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cả hai phương án đều dự kiến thấp hơn hoặc bằng năm 2012 (7 – 8%).
• Nguồn thông tin từ Chính phủ cho biết, tính đến ngày 20/8/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10.3 %, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD ước tăng 11.23%, và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 1.4% so với 31/12/2011.
• Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 30/8/2012, các khoản vay cũ có mức lãi suất trên 15%/năm hiện chiếm tỷ trọng 22.7%, giảm khoảng 71% so với tỷ trọng trước ngày 15/7 và giảm thêm 1.9% so với ngày 16/8.
Số liệu này được tổng hợp từ 69 tổ chức tín dụng, chiếm thị phần tín dụng 90%.
• Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, trong hai qúy đầu năm 2012, lượng kiều hối người Việt ở nước ngoài gửi về đạt trên 6 tỷ USD; và lượng kiều hối cả năm ngoái là trên 9 tỷ USD.
• Ngày 04/09, Moody’s công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập của STB ở mức “E+”, tương đương với mức “b1” trong dài hạn. Đây là ngân hàng thứ 5 của Việt Nam được Moody’s đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức “E+” trong tháng 8 sau MBB, VIB, Techcombank và BIDV.
• Tại cuộc họp chính sách ngày 06/09, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi công bố chương trình mua trái phiếu mới trên thị trường thứ cấp (Monetary Outright Transactions – MOT) với các điều kiện nghiêm ngặt.
Song song với Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), chương trình MOT sẽ không giới hạn đối với số trái phiếu mua vào
Ngoài ra, các quốc gia khó khăn của Eurozone có thể lựa chọn hình thức hỗ trợ thông qua một gói giải cứu toàn diện hoặc một chương trình phòng ngừa.
• Chính phủ Trung Quốc vừa chấp thuận kế hoạch chi 1,000 tỷ NDT (158 tỷ USD), tương đương 2% GDP, để xây dựng 25 dự án đường sắt đô thị, 13 đường cao tốc, 7 đường thủy giao thông và 9 nhà máy xử lý nước thải.
Số tiền trên sẽ được giải ngân trong vài năm. Theo giới phân tích, khoản đầu tư này sẽ giúp cường quốc số hai thế giới cải thiện tình trạng tăng trưởng đang ì ạch.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|