Kinh tế Vĩ mô Tuần 06 - 10/08: Huy động vốn lại có dấu hiệu khó khăn, vì đâu?
Đây là tín hiệu “cảnh báo” đầu tiên về giai đoạn khó khăn sắp tới trong huy động vốn, bởi các ngân hàng đều chịu áp lực bung tín dụng cuối năm 2012.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Huy động vốn lại có dấu hiệu khó khăn, vì đâu?
Sau một thời gian khá yên ắng, thị trường bắt đầu có nhiều tín hiệu “nổi sóng” khi một số NHTM lớn điều chỉnh tăng lãi suất thỏa thuận kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (HOSE: VCB) đã tăng lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng lên 10%/năm, so với mức 9.5%/năm trước đó. Tương tự, nguồn tin báo chí cũng cho biết Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã bất ngờ tăng lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng lên 12%/năm, so với mức 10% trước đó.
Có thể nói đây là tín hiệu “cảnh báo” đầu tiên về giai đoạn khó khăn sắp tới trong huy động vốn, do một số nguyên nhân như sau:
(1) Cùng với xu hướng giảm tốc của lạm phát (tính theo năm), lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm. Theo đó, kênh tiền gửi tiết kiệm sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn.
(2) Mức độ cạnh tranh của nhiều NHTM nhỏ với mức lãi suất thỏa thuận hấp dẫn hơn khiến một số NHTM lớn lo ngại dòng tiền huy động sẽ bị “chệch hướng” như trước đây. Do đó, việc tăng lãi suất để giữ khách hàng là điều không quá khó hiểu.
(3) Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung 8-10% vào cuối năm 2012 của NHNN, các NHTM đang ráo riết chuẩn bị nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản để bung ra vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, bản thân các ngân hàng cũng đang chịu áp lực tăng trưởng tín dụng để đảm bảo lợi nhuận yêu cầu.
Tín dụng vẫn chưa thể tăng trưởng trở lại?
Đối với một nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn tiền từ hệ thống ngân hàng, thì việc tìm hiểu con số tăng trưởng tín dụng để nội suy ra mức độ tăng trưởng của nền kinh tế là điều dễ hiểu.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đến tháng 7/2012 âm 0.03% so với ngày 31/12/2011, trong đó tín dụng bằng tiền đồng tăng 0.93% và bằng ngoại tệ giảm 3.51%. Trước đó, NHNN công bố tín dụng tính đến ngày 30/6 vẫn tăng trưởng 0.76% so với đầu năm.
Như vậy, trái với kỳ vọng, dư nợ tín dụng của nền kinh tế vẫn “dậm chân tại chỗ” và ở xung quanh mức dư nợ cuối năm 2011. Hay nói cách khác, hoạt động cho vay nhìn chung không có tăng trưởng; nếu có, dư nợ cho vay chủ yếu dựa vào nguồn vốn thu hồi và nhiều khả năng đến từ các hoạt động “đảo nợ” vốn được dư luận râm rang suốt thời gian qua.
II. TIN TỨC KINH TẾ VĨ MÔ THẾ GIỚI, TRONG NƯỚC NỔI BẬT
· Thông tin từ phiên họp thường kỳ tháng 7/2012 cho biết Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp quyết liệt để xử lý hai điểm nghẽn ”hàng tồn kho” và ”nợ xấu”; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và từ tín dụng nhà nước theo đúng kế hoạch, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng và vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Ngoài ra, NHNN cũng được yêu cầu điều hành lãi suất và kích thích tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
· Theo báo cáo Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng thị trường Việt Nam Tháng 8/2012 của HSBC, lãi suất sẽ có thể được cắt giảm thêm 1% do tăng trưởng kinh tế vẫn yếu và lạm phát cơ bản sẽ giảm xuống đáy khoảng 7%
Tương tự, trong báo cáo ra ngày 02/08, ANZ cũng dự báo lãi suất còn có thể tiếp tục hạ trong năm nay.
· Ngày 01/08, giá xăng được điều chỉnh tăng 900 đồng mỗi lít và các mặt hàng dầu tăng 500 đồng mỗi lít, kg. Đây là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp sau 5 lần giảm giá với tổng cộng 3.200 đồng mỗi lít. Mức trích Quỹ Bình ổn giá, thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu và các loại phí vẫn giữ nguyên như hiện hành.
Hiện giá xăng dầu thế giới đang tiếp tục tăng mạnh, trước triển vọng tích cực ở thị trường việc làm Mỹ - là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới này có thể khởi sắc trở lại.
· Fitch Ratings vừa công bố xếp hạng tín nhiệm dài hạn đối với 250 triệu USD trái phiếu quốc tế đang lưu hành của Vietinbank ở mức “B” và xếp hạng Phục hồi ở mức “RR4”.
Theo tiêu chuẩn của Fitch, xếp hạng Phục hồi chỉ được áp dụng đối với những công ty có xếp hạng nhà phát hành từ mức “B+” trở xuống.
· Moody's vừa đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập của Ngân Hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) ở mức “E+”, tương ứng mức “b2” trong dài hạn. Mức xếp hạng này phản ánh tình hình tài chính tương đối tốt, thanh khoản khả quan và chất lượng tài sản tốt của MBB.
Xếp hạng tín nhiệm của MBB được Moody’s giữ nguyên ở mức “B2” với triển vọng “ổn định” được đưa ra năm 2010.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|